Chuyển đổi cơ cấu cây trồng:Gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, từ đó cho giá trị kinh tế cao.
Quá trình này hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, giúp người dân đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Mang lại thu nhập cao cho nông dân
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, huyện Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn ở xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả ở xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến... Đặc biệt, trên địa bàn huyện Thường Tín có 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Là một trong những hộ chuyển đổi hiệu quả từ diện tích lúa kém năng suất sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (ở xã Nghiêm Xuyên) đang canh tác 5ha mặt nước, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. So với canh tác lúa, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập gấp 4-5 lần.
Huyện Đan Phượng cũng là địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và có nhiều mô hình chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao. Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, chủ vườn nho Hợi Hường, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), mô hình chuyển đổi trồng nho hạ đen được triển khai tại huyện Đan Phượng đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, cây nho hạ đen cho thu hoạch hai lần, năng suất bình quân 16-18 tấn/ha, bán với giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Ngoài thu nhập từ tiền bán nho, hầu hết các nhà vườn trồng nho đều phát triển thêm mô hình du lịch trải nghiệm, mỗi vé vào cửa từ 20.000 đến 30.000 đồng/một lượt.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, năm 2024, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của toàn thành phố đạt khoảng 3.244,19ha; trong đó chuyển sang cây hằng năm là 682,67ha, sang cây lâu năm 1.327,64ha và chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa 1.233,88ha. Qua kiểm tra cho thấy, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5-6 lần. Cụ thể, chuyển đổi sang trồng rau ngắn ngày cho giá trị canh tác 200-300 triệu đồng/ha; mô hình hoa đạt giá trị 450-480 triệu đồng/ha.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lựa chọn cây trồng phù hợp
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn gặp không ít khó khăn, như một số hộ dân chuyển đổi mang tính tự phát, không thực hiện khai báo, chưa theo quy hoạch của địa phương. Diện tích chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún, nên việc ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao còn gặp trở ngại…
Do đó, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực sự mang lại hiệu quả, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, huyện đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, nước sạch, điện) phục vụ cho vùng chuyển đổi. Hiện tại, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục rà soát, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới sao cho phù hợp với quy hoạch đã được thành phố phê duyệt. Đồng thời, huyện khuyến khích các địa phương mở rộng quy mô vùng sản xuất tập trung, không để xảy ra tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết để tăng hiệu quả sản xuất cũng như tiếp cận các nguồn lực; lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp; tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ưu tiên các giống có năng suất, chất lượng. Các địa phương cũng cần chú trọng chuyển giao các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thiên tai; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, luân canh, xen canh... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
“Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, có liên kết giữa nông dân với nông dân để xây dựng vùng hàng hóa; liên kết nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thu mua tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ khoa học mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Ngành sẽ huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững…”, ông Nguyễn Mạnh Phương cho biết thêm.