Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giúp nông dân thoát nghèo bền vững

Lựa chọn các loại hoa màu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có hiệu quả kinh tế cao giúp bộ mặt kinh tế của Na Hang thay đổi từng ngày.

Khâu Tinh là xã vùng cao của huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trình độ giáo dục không đồng đều, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, tỉ lệ hộ nghèo là hơn 36,6%. Khi bước vào phát triển nông thôn mới, Khâu Tinh gặp nhiều khó khăn, một phần do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, dân cư phân bố rải rác, tỉ lệ hộ nghèo cao.

Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, Khâu Tinh rất hợp với các loại hoa màu. Xác định đây là một đặc điểm có thể khai thác mà không phải nơi nào cũng có được, thời gian qua, xã Khâu Tinh đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, đưa vào nhiều loại hoa màu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu có hiệu quả cao về kinh tế như dâu tây, dưa hấu, cam (quýt)...

Tạo sinh kế, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Tạo sinh kế, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Bước đi này cùng với các chương trình hỗ trợ sinh kế vềgiống, cây con, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo có việc làm, có nguồn thu nhập, cải thiện đời sống ấm no hơn.

Na Hang vốn là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Đời sống một bộ phận người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Để hoàn thành mục tiêu giảm gần 3000 hộ nghèo và 800 hộ cận nghèo trong năm 2024, ngay từ những tháng đầu năm, Na Hang đã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo. Một trong những đòn bẩy mạnh mẽ giúp người nghèo trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên giảm nghèo bền vững chính là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, giúp bà con thoát nghèo bền vững ngay trên quê hương, huyện cũng hỗ trợ gần 200 người dân đi lao động có thời hạn ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Đầu năm 2024, Na Hang cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về công tác giảm nghèo ở các địa phương có nhiều dấu ấn về giảm nghèo như Nghệ An, nhằm khảo sát thực tế, học tập các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả, qua đó rút ra những kinh nghiệm để áp dụng cho địa phương.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-cay-trong-tren-dat-lua-giup-nong-dan-thoat-ngheo-ben-vung-2320460.html
Zalo