Chuyến đi đổi đời hay khởi đầu cho bi kịch?

Không phải mọi chuyến rời làng lên phố đều mang theo ánh sáng hy vọng. Với nhiều cô gái trẻ từ những miền quê nghèo, giấc mơ đổi đời đã sớm trở thành bi kịch. Khi thân thể của họ bị biến thành món hàng, những đồng tiền họ cầm trong tay chỉ còn đọng lại nỗi tủi nhục, cay đắng.

Giấc mơ gãy gánh giữa phố thị

Lớn lên giữa ruộng đồng khô cằn, thiếu cơ hội học hành và việc làm, nhiều cô gái trẻ chọn đường rời quê với niềm tin giản dị: “Lên thành phố kiếm tiền, gửi về lo cho cha mẹ, cho em đi học, sửa lại mái nhà dột”. Thế nhưng, đô thị không phải là nơi dành cho những phận đời yếu thế. Không có bằng cấp, không kỹ năng sống, không nơi nương tựa, họ nhanh chóng trở thành miếng mồi ngon của các đường dây môi giới trá hình, dụ dỗ bằng những lời ngon ngọt “Việc nhẹ, lương cao, bao ăn ở”.

Từ những quán karaoke, tiệm massage cho đến các “dịch vụ thư giãn” núp bóng, họ bị lừa đưa vào một thế giới mờ ám. Ban đầu là rót bia, tiếp rượu. Sau thành phục vụ đặc biệt, rồi dần dần chính họ không còn phân biệt nổi đâu là công việc, đâu là thân phận.

Nạn nhân T.T.H., 21 tuổi, quê Nghệ An.

Nạn nhân T.T.H., 21 tuổi, quê Nghệ An.

Nạn nhân T.T.H., 21 tuổi, quê Nghệ An, hiện được bảo vệ tại một trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị lạm dụng ở TP.HCM kể: “Em chỉ định làm phục vụ quán ăn, ai ngờ bị họ lừa đưa vào quán karaoke. Sau vài bữa, họ buộc phải ngồi chung bàn với khách, rồi ép đi tiếp khách bên ngoài. Em khóc xin nghỉ, họ dọa sẽ bắt đền tiền vì đã ứng trước để ăn ở, đồng phục và chỗ ngủ”.

Tương tự, nạn nhân V.N.L 19 tuổi quê ở Yên Bái cho biết: “Ngày đầu bị khách sàm sỡ, em đã tát họ. Chủ quán đã kéo em vào trong, tát lại và nói. Ở đây không có đứa nào được quyền chọn khách, từ đó em im lặng”, nạn nhân V.N.L. nghẹn ngào nói.

Mỗi đêm là một cuộc vật lộn với sợ hãi và xấu hổ. Những đồng tiền dúi vào tay họ – đôi khi chỉ vài trăm ngàn, đây không phải là tiền công, mà là cái giá cho từng nụ cười gượng gạo, từng cái vuốt ve gượng ép, từng lần cắn răng chịu đựng để “xong việc”. “Lúc đưa tiền, họ ném vào mặt em như bố thí, em lượm từng tờ trong nước mắt, lòng tự hỏi: Mình đang sống kiểu gì vậy?”, một nạn nhân hiện đang tá túc tại nhà tạm lánh ở Gò Vấp.

Đó là đồng tiền mua lấy sự cam chịu, đánh đổi bằng nhân phẩm. Những đồng tiền bẩn nằn trên thân thể của những cô gái từng mang trong mình giấc mơ tử tế. Họ tự nhủ: “Chỉ làm một thời gian rồi nghỉ” nhưng cuộc đời không dễ buông tha. Khi họ đã bị gắn cái mác “gái ngành”, cánh cửa trở lại với cuộc sống lương thiện dường như khép lại. Có người mang bệnh, có người bị bạo hành, có người sống lặng lẽ trong căn trọ ẩm thấp – không ai biết tên, không ai hỏi han.

Một quán hát karaoke tại phường Phú Mỹ, TP. HCM

Một quán hát karaoke tại phường Phú Mỹ, TP. HCM

Đừng để giấc mơ biến thành bi kịch

Trung tá Chu Văn Khánh, Phó Đội trưởng đội tuyên truyền - phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an TP. HCM cho biết: Tình trạng dụ dỗ, môi giới lao động trá hình dẫn đến bóc lột tình dục đang diến biến khá phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, có hoàn cảnh khó khăn của các cô gái trẻ từ nông thôn.

“Chúng tôi đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo dưới dạng tuyển dụng nhân viên phục vụ quán ăn, karaoke, massage. Thực chất là đưa các nạn nhân vào hoạt động mại dâm trá hình, nhiều trường hợp nạn nhân mới 17 – 18 tuổi, bị khống chế nbằng nợ nần và đe dọa tinh thần.

Các đường dây này thường phân chia nhiều khâu như: tuyển dụng, vận chuyển, quản lý, nhằm tránh bị phát hiện. Không ít các nạn nhân sau khi trốn thoát vẫ không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoăc bị mặc cảm, xấu hổ với gia đình, ” Trung tá Khánh chia sẻ.

Đằng sau mỗi thân phận trượt ngã là cả chuỗi nguyên nhân, đó có thể là nghèo đói, là thất học, là nhẹ dạ cả tin, nhưng đau lòng hơn cả đó là sự thờ ơ, vô cảm của xã hội. Có thể họ đã sai khi tin vào những lời dụ dỗ, nhưng lỗi lớn hơn thuộc về những kẻ đã gieo rắc ảo vọng, biến phụ nữ thành công cụ mua vui. Lỗi còn năm ở sự thiếu hụt cơ hội, thiếu chỗ dựa và hệ thống hỗ trợ cho những người yếu thế - những người từng mang giấc mơ tử tế nhất khi rời quê.

Thiết nghĩ, xã hội cần nhiều hơn những chương trình giáo dục giới tính và kỹ năng sống ngay từ nhà trường. Cần mở rộng cơ hội học nghề, việc làm cho thanh niên nông thôn, tăng cường tuyên truyền phòng ngừa mua bán người, đồng thời xây dựng hệ thống hỗ trợ – bảo vệ nạn nhân hiệu quả, an toàn và có điểm tựa.

Và hơn hết, cần một vòng tay nhân ái, để những cô gái từng trượt ngã vẫn có cơ hội được quay về, làm lại từ đầu. Vì không ai đáng bị hắt hủi chỉ vì một sai lầm trong lúc cùng đường.

Đức Trí

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chuyen-di-doi-doi-hay-khoi-dau-cho-bi-kich-485644.html
Zalo