Chuyện dài… thiếu giáo viên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2024 - 2025, số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023 - 2024 tăng 19.856 giáo viên (GV). Thực tế, hầu hết các địa phương đều rơi vào tình trạng thiếu rất nhiều GV nhưng vẫn thừa chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng từ năm này sang năm khác...
Thừa hơn 64.000 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng
Kết thúc năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT cho biết, tình trạng thiếu GV cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới (các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Việc này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Cụ thể, tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước còn thiếu 113.491 GV các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ GV/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ GD&ĐT, là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng GV nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển GV một số môn học đặc thù còn thiếu. Đồng thời, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng. Số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu GV tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu GV từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số...
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến cuối năm 2023 cả nước còn hơn 64.000 biên chế GV chưa được tuyển dụng. Dù mỗi địa phương có thuận lợi, khó khăn riêng nhưng vấn đề chung nhất mà địa phương nào cũng gặp phải là tình trạng thiếu rất nhiều GV nhưng vẫn thừa chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng, thừa từ năm này sang năm khác nhưng GV thiếu thì ngày càng tăng chứ không giảm. Tại Cần Thơ, kết quả thanh tra của Bộ GD&ĐT năm học vừa qua cho thấy, tình trạng thiếu GV ở một số trường mầm non công lập ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho hay, đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi. Thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường. Cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên. Chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.
Do đó, tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành liên quan 8 vấn đề, cụ thể: Không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này. Giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Kéo dài thời gian được hưởng các chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi các xã này được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa. Và ông đề nghị Bộ GD&ĐT sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV nhưng vẫn thừa hơn 64.000 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng.
Sẽ có hành lang pháp lý nâng cao vị thế người thầy
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Vũ Minh Đức, Bộ GD&ĐT đã thực hiện một số giải pháp như xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định về vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các trường mầm non, phổ thông là cơ sở cho các đơn vị, địa phương xác định số người làm việc ở mỗi cơ sở giáo dục.
Giải pháp thứ hai, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền bổ sung gần 66.000 biên chế GV cho giai đoạn 2021 - 2026; phân bổ chỉ tiêu biên chế và đôn đốc các địa phương thực hiện. Bộ cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện tuyển dụng GV bảo đảm đủ số lượng biên chế đã được giao...
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng GV dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục và đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. Năm học này ngành Giáo dục cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục... Nâng cao chất lượng đội ngũ GV ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ GV phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ GV theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có GV đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo GV; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, GV dạy tiếng dân tộc… Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo. Trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội, tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí GV.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72-QĐ/TW của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ GV của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho GV trong quá trình công tác.
Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành Sư phạm của học sinh. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên; Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn... Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ.