Chuyện đặc biệt về NSND có bố từng làm cục trưởng

NSND Phạm Ngọc Khôi theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khi mới 7 tuổi. Cha ông từng là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Từ cậu bé học piano đến nhạc trưởng tài hoa

NSND Phạm Ngọc Khôi sinh năm 1964, bắt đầu học piano từ khi lên 5 tuổi và chính thức theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khi mới 7 tuổi. Cha ông là nhạc sĩ Phạm Đình Sáu - nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn từng đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.

"Tôi đến với âm nhạc một cách ngẫu nhiên vì sinh ra trong gia đình âm nhạc. Từ nhỏ tôi đã được tiếp cận với âm nhạc và yêu thích một cách tự nhiên", nghệ sĩ Phạm Ngọc Khôi chia sẻ trong chương trình Lời tự sự.

NSND Phạm Ngọc Khôi là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

NSND Phạm Ngọc Khôi là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Dù bắt đầu với cây đàn piano, ông sớm nhận ra tư duy mình phù hợp với vai trò chỉ huy dàn nhạc. "Tôi hiểu chức năng người đánh đàn piano là thay cho một dàn nhạc để đệm cho ca sĩ, đệm cho người độc tấu. Từ đó, nó hình thành trong tôi tư duy người điều khiển", ông kể.

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành piano và chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội, từ năm 1983, NSND Phạm Ngọc Khôi tham gia biên soạn, phối khí, dàn dựng và chỉ huy trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn quốc gia. Ông còn là thành viên sáng lập ban nhạc Hoa Sữa, tham gia xây dựng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật.

NSND Phạm Ngọc Khôi và NSND Tạ Minh Tâm trong tác phẩm "Bài ca Hà Nội":

Đêm đầu tiên chỉ huy tại Nhà hát Lớn khi mới 19-20 tuổi, ông đảm nhận vở opera Quả dưa đỏ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Dù áp lực lớn, NSND Phạm Ngọc Khôi không cảm thấy lo lắng. "Lúc đó còn trẻ nên không sợ lắm, có lẽ niềm phấn khích trong mình quá lớn", ông hồi tưởng.

Chuyện đặc biệt về nhạc phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ

Trong số nhiều tác phẩm âm nhạc đã sáng tác, nhạc phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ để lại dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp NSND Phạm Ngọc Khôi. Ông viết nhạc cho bộ phim này cùng đạo diễn, NSND Bùi Cường.

NSND Phạm Ngọc Khôi bắt đầu học piano từ năm 5 tuổi.

NSND Phạm Ngọc Khôi bắt đầu học piano từ năm 5 tuổi.

Trước khi viết nhạc cho bộ phim này, NSND Phạm Ngọc Khôi có cơ hội gặp gỡ trực tiếp nhiều chiến sĩ tình báo nổi tiếng như Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ... Không chỉ hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của họ, NSND Phạm Ngọc Khôi còn được nghe kể về nỗi oan ức của người thân trong gia đình họ, đặc biệt là vợ con nơi hậu phương.

Những chuyến đi thực tế đến Phú Quốc, Côn Đảo cũng để lại trong ông những kỷ niệm sâu đậm và trở thành nguồn cảm hứng quý giá. Đó là dịp ông được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đưa đến tận cửa căn phòng giam, nơi nhiều chị em đã hát thầm Bài ca hy vọng. Bà đã hát cho ông và mọi người nghe. Những trải nghiệm này giúp ông sáng tác bài hát nổi tiếng Những tháng ngày không anh trong phim.

Với tôi, âm nhạc dân tộc là đam mê và trách nhiệm

Ai tiếp xúc với NSND Phạm Ngọc Khôi đều cảm nhận về một năng lượng tràn đầy, một sự vô tư trong cống hiến mà ông luôn thể hiện qua các việc làm đầy ý nghĩa. Ông dàn dựng, chỉ huy hầu hết những tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong các sự kiện lớn.

"Đối với tôi, âm nhạc dân tộc là đam mê và trách nhiệm. Tôi luôn học hỏi, kế thừa các thế hệ cha anh đi trước như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Trần Quý, Nguyễn Đình Tích, Quang Hải, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương... Đối với tôi, họ là những người thầy lớn đã viết nên những tác phẩm âm nhạc cho đất nước", ông từng chia sẻ.

NSND Phạm Ngọc Khôi chỉ huy lần đầu tại Nhà hát Lớn năm 19 tuổi.

NSND Phạm Ngọc Khôi chỉ huy lần đầu tại Nhà hát Lớn năm 19 tuổi.

Một trong những tác phẩm khí nhạc dân tộc nổi tiếng của ông là Đất nước thái hòa, được chọn giới thiệu tại lễ khai mạc Festival Huế năm 2021. Tác phẩm này được ông viết trong tâm thế nhìn lại cả nước vừa đi qua đại dịch với nhiều mất mát, đau thương.

Tác phẩm "Đất nước thái hòa":

Ông từng nói: "Viết đại nhạc là phải vắt kiệt mình, để nền âm nhạc nước nhà có cơ hội đến với đông đảo người dân, đồng thời kết nối với thế giới. Khi tác phẩm đã có đời sống lâu dài, người nhạc sĩ đã có đóng góp nhất định với đời sống âm nhạc thì những 'đứa con tinh thần' của họ sẽ hòa vào bài ca chung của đất nước, tạo nên dáng vóc Việt Nam bởi vì nghe âm nhạc sẽ hình dung ra đất nước ấy như thế nào".

NSND Phạm Ngọc Khôi được phong tặng danh hiệu NSƯT (2001) và NSND (2015) vì những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Dàn nhạc dân tộc, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Minh Nghĩa

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-dac-biet-ve-nsnd-viet-nhac-phim-vi-tuong-tinh-bao-va-hai-ba-vo-2401644.html
Zalo