Chuyện chưa kể về tục rước bánh trôi độc đáo tưởng nhớ Hai Bà Trưng

Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người dân tại nhiều địa phương trên cả nước làm bánh trôi, bánh chay để cúng tổ tiên. Riêng tại xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), người dân thường không ăn bánh trôi cho đến trước ngày 6/3 âm lịch.

Đã thành truyền thống, hằng năm, nhân dân xã Hát Môn đều tổ chức 3 kỳ lễ hội tại khu đền (ngày 6/3 âm lịch - ngày hóa của Hai Bà Trưng, ngày 4/9 âm lịch - khao quân tế cờ khởi nghĩa và 24/12 âm lịch - kỷ niệm chiến thắng). Điểm độc đáo trong lễ hội truyền thống đền Hát Môn là nghi thức rước bánh trôi vô cùng đặc biệt.

Ngược dòng lịch sử, vào buổi đầu thời kỳ đấu tranh giành lại nền tự chủ của dân tộc, Hai Bà Trưng đã kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nước ta giành quyền tự chủ trong 3 năm (40 - 42). Tuy nhiên, đến năm 42, vua Hán cử tướng Mã Viện đem hàng vạn binh lính sang tái xâm lược nước ta.

Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ).

Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ).

Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Đây là lễ hội được tổ chức quy mô cấp vùng nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Hai Bà Trưng - 2 vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc.

Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đến năm 43 quân của Hai Bà Trưng không đủ sức kháng cự quân xâm lược. Tương truyền, trên đường rút quân, Hai Bà đã dừng chân gần dòng sông Hát và ăn bánh trôi, sau đó gieo mình suống dòng Hát giang để tránh xa vào tay giặc, hôm đó là ngày 6/3 âm lịch. Tục dâng cúng bánh trôi tại lễ hội đền Hát Môn xuất phát từ truyền thuyết trên.

Việc chuẩn bị lễ vật cúng tế không thực hiện tại khuôn viên đền mà được thực hiện tại một gia đình trong làng gọi là nhà chứa lễ. Gia đình chứa lễ phải là gia đình song toàn, còn đủ ông cả bà, con cái có đủ trai đủ gái, gia phong nền nếp, không có điều tiếng gì...

Gạo để giã lấy bột làm bánh phải chọn loại nếp cái hoa vàng, chọn bỏ hạt đen, hạt vỡ; bột để làm bánh dâng cúng phải giã bằng tay với quy trình vô cùng cẩn thận từ trùng bánh, khám bánh, tắm bánh trước khi dâng cúng lên Hai Bà.

Quy trình làm bánh trôi dâng cúng Hai Bà do ban tu lễ thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tế. Bánh trôi cúng thực chất là bánh chay vì không có nhân, được kín lên 17 bát, mỗi bát thường chứa 12 - 13 viên, giữa bát phải dành khoảng trống để rưới nước mật vào trong lòng bát.

Lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà Trưng được tổ chức thường niên vào ngày 6/3 âm lịch.

Lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà Trưng được tổ chức thường niên vào ngày 6/3 âm lịch.

Nước mật cũng được chế biến rất công phu: dùng hoa hồi, quế, thảo quả... rang vàng, tán nhỏ, trộn với mật rồi đem đun chín. Nước mật phải đảm bảo có màu trong như hổ phách, đậm, sánh, ngọt, thơm.

Sau khi hoàn tất các công đoạn làm bánh, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ để cùng rước bánh về đền dâng lên Hai Bà theo nghi thức truyền thống. Bánh dâng cúng phải xếp vào quả rước có nắp đậy (nó giống như tráp đựng trầu cau to và có nhiều ngăn xếp chồng lên nhau) và làm lễ rước quả về đền.

Đội hình rước bánh đều được chọn cử ở các thôn khoảng 40 - 50 người (tùy số lượng mâm bánh) và là những phụ nữ đảm đang, mặc trang phục áo dài truyền thống. Khi các đoàn rước bánh về Đền, mỗi đoàn sẽ chọn ra một đĩa ngon nhất, đẹp nhất vào làm lễ, thành kính dâng lên Hai Bà, số còn lại để mời du khách tập phương thụ lộc.

Tục rước bánh trôi không biết có tự bao giờ nhưng đã gắn liền với truyền thuyết về Hai Bà Trưng và lễ hội truyền thống làng Hát Môn. Theo lệ này, người dân xã Hát Môn dù ở quê hay xa quê đều không ăn bánh trôi vào Tết Hàn thực (3/3 âm lịch). Chỉ đến ngày 6/3 âm lịch, sau khi làng đã dâng bánh cúng Hai Bà, các gia đình mới mở tiệc bánh trôi như thể hiện sự tôn kính Hai Bà.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, khác với các năm trước, năm 2024, huyện sẽ tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 1981 năm Ngày giỗ Hai Bà Trưng với chỉ phần lễ và không tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian. Lễ dâng hương tưởng niệm 1981 năm Ngày giỗ Hai Bà Trưng sẽ được UBND huyện Phúc Thọ tổ chức vào ngày 14/4/2024 (mùng 6/3 âm lịch) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-chua-ke-ve-tuc-ruoc-banh-troi-doc-dao-tuong-nho-hai-ba-trung.html
Zalo