Chuyện chưa kể về nhiệm vụ cứu hộ khó khăn 'chưa từng có' tại Myanmar

Bốn ngày sau khi trở về Việt Nam, Đại úy Lê Diên Anh (Đội 3, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; Công an thành phố Hà Nội) vẫn chưa thể quên được ca cứu hộ mà anh và đồng đội cho rằng 'gần như bất khả thi' tại Myanmar.

Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được thi thể người phụ nữ thì phát hiện nạn nhân nằm trên một chiếc giường lớn và bị thanh dầm xuyên qua. Việc đục, phá dầm hoàn toàn có khả năng khiến toàn bộ khối nhà bị sụp đổ thứ cấp.

Thế nhưng, với quyết tâm không lùi bước, các chiến sĩ đoàn Bộ Công an Việt Nam đã đưa thành công nạn nhân trở về với gia đình bằng một phương án tác chiến táo bạo, chưa từng có.

4 ngày sau khi trở về Việt Nam, Đại úy Lê Diên Anh (Đội 3, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; Công an thành phố Hà Nội) vẫn chưa thể quên được ca cứu hộ mà anh và đồng đội cho rằng “gần như bất khả thi” tại Myanmar.

“Trong 2 ngày 2-3/4, đoàn nhận nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ tại tại tòa nhà 2204, thị trấn Zabu Thiri, thành phố Naypyidaw. Khi tới nơi, chúng tôi xác định có 2 mẹ con bị mắc kẹt, trong đó nạn nhân lớn tuổi bị 2 thanh dầm đè lên. Thậm chí, một cột chống của tầng nhà cắm xuyên qua mình bà. Trước đó, đã có hai đoàn cứu nạn quốc tế đến khảo sát, nhưng sau đó đều đã phải rời đi do đánh giá quá khó khăn để thực hiện”, Đại úy Lê Diên Anh nhớ lại.

Vị trí 2 mẹ con nạn nhân mắc kẹt. Phần tầng 1 đã sập hoàn toàn. Người mẹ nằm ở khu vực tầng 2, bị đè bởi 2 thanh dầm ngang. Thanh cột nhà xuyên qua 1 phần thi thể và cắm chặt vào sàn.

Vị trí 2 mẹ con nạn nhân mắc kẹt. Phần tầng 1 đã sập hoàn toàn. Người mẹ nằm ở khu vực tầng 2, bị đè bởi 2 thanh dầm ngang. Thanh cột nhà xuyên qua 1 phần thi thể và cắm chặt vào sàn.

Sau khi khảo sát địa hình, đánh giá nguy cơ sập đổ thứ cấp, đội cứu hộ Việt Nam quyết định trước hết cần phải mở rộng vị trí làm việc để đưa các thiết bị vào. Trong quá trình này, đội cứu hộ lại phát hiện mùi tử khí rất nặng nên nhanh chóng đào sâu hơn thì thấy người con gái đã tử vong. Nạn nhân này đã được đưa ngay ra ngoài để bàn giao lại cho người nhà đang chờ đợi.

“Trường hợp của bà mẹ thì phức tạp hơn rất nhiều. Nạn nhân nằm dưới 2 thanh dầm cắt ngang. Phần cột nhà đâm xuyên qua một phần cơ thể và găm nạn nhân dính chặt vào phần đệm giường cũng như lớp sàn phía dưới. Chúng tôi xác định nếu phá dầm để nhanh chóng đưa nạn nhân ra ngoài thì kết cấu nhà sẽ không bảo đảm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ nhất là toàn bộ sẽ đổ sập, không ai kịp thoát ra ngoài”, Đại úy Diên Anh hồi tưởng.

Sơ đồ vị trí người mẹ mắc kẹt. Do bị 2 thanh dầm đè qua nên nếu sử dụng cách đục phá dầm, kết cấu của toàn bộ công trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sơ đồ vị trí người mẹ mắc kẹt. Do bị 2 thanh dầm đè qua nên nếu sử dụng cách đục phá dầm, kết cấu của toàn bộ công trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khá nhiều phương án đã được đưa ra. Sau cùng, chỉ huy trực tiếp tại hiện trường thống nhất lựa chọn cách “thô sơ và tốn nhiều công nhất”: Đó là dùng sức người đào sâu xuống khoảng 50cm so với mặt sàn tầng 1, sau đó tiếp tục khoét ngang vào bên trong, xuyên qua 2 căn phòng, tiếp cận không gian phía dưới điểm có thi thể.

“Mục tiêu là tạo một ‘địa đạo’ ngầm để tiếp cận vị trí nạn nhân. Sau khi tiếp cận được, anh em sẽ dùng đục để phá nhẹ phần sàn phía trên để toàn bộ chiếc giường mà nạn nhân nằm rơi xuống dưới, từ đó tự thoát khỏi phần cột nhà đang đâm xuyên qua”, anh tiếp tục giải thích.

Phương án cuối cùng được đưa ra là đục sàn, sau đó khoét đất, chèn chống để tạo thành "hầm ngầm" dài khoảng 1,5m chạy song song với sàn tới tận phía dưới điểm nạn nhân nằm.

Phương án cuối cùng được đưa ra là đục sàn, sau đó khoét đất, chèn chống để tạo thành "hầm ngầm" dài khoảng 1,5m chạy song song với sàn tới tận phía dưới điểm nạn nhân nằm.

Trong suốt 8 giờ đồng hồ tiếp theo, từng nhóm cứu hộ của Việt Nam và Myanmar thay nhau khoét sâu xuống phía dưới theo phương án đã định, tạo thành một hầm ngầm dài tới 1,5m chạy song song với nền nhà phía trên. Quá trình làm hết sức chậm chạp do phải liên tục gia cố kết cấu, tăng khả năng chịu lực cho đoạn ngầm. Hơi nóng ngột ngạt, mùi tử khí khiến tất cả càng trở nên căng thẳng và mệt mỏi hơn.

Từng có rất nhiều kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn thực tiễn tại đô thị, Trung tá Nguyễn Đình Dương, Đội trưởng Đội công tác chữa cháy, phòng Cảnh sát chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội vẫn phải “toát mồ hôi hột” khi trực tiếp tham gia vào quá trình cân não này.

Trung tá Nguyễn Đình Dương, Đội trưởng Đội công tác chữa cháy, phòng Cảnh sát chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội bên hiện trường vụ giải cứu "khó chưa từng có tại Myanmar".

Trung tá Nguyễn Đình Dương, Đội trưởng Đội công tác chữa cháy, phòng Cảnh sát chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội bên hiện trường vụ giải cứu "khó chưa từng có tại Myanmar".

Anh cho biết, tới khoảng chiều muộn cùng ngày, sau cùng, nhóm cứu hộ cũng tiếp cận được sàn nhà phía dưới nơi nạn nhân mắc kẹt.

“Chúng tôi dùng banh kẹp để phá phần bê-tông để chiếc giường hạ xuống dưới hầm. Lúc này, theo chiều thẳng đứng, phần đệm và nạn nhân cũng được ‘giải thoát’ khỏi cột nhà phía trên”, Trung tá Dương kể; đồng thời cho biết: Bước sau cùng, lực lượng cứu hộ dùng dây thừng để kéo tấm đệm có thi thể nạn nhân ra ngoài.

“Đây thực sự là một ca cứu hộ khó khăn nhất mà chúng tôi phải đối mặt. Phương án xử lý, điều kiện tác nghiệp, thời gian tác nghiệp đều chưa từng xuất hiện trước đây. May mắn, cuối cùng, anh em vẫn bàn giao được thi thể nạn nhân về với gia đình một cách trọn vẹn”, Trung tá Nguyễn Đình Dương thở phào.

Khi tiếp cận được vị trí, lực lượng cứu hộ sẽ phá sàn để toàn bộ chiếc giường có nạn nhân tuột xuống dưới. Theo hướng thẳng đứng, thi thể nạn nhân sẽ tuột ra khỏi cột nhà.

Khi tiếp cận được vị trí, lực lượng cứu hộ sẽ phá sàn để toàn bộ chiếc giường có nạn nhân tuột xuống dưới. Theo hướng thẳng đứng, thi thể nạn nhân sẽ tuột ra khỏi cột nhà.

Sau đó, lực lượng hỗ trợ phía ngoài sẽ dùng dây kéo cả đệm, cả người ra ngoài.

Sau đó, lực lượng hỗ trợ phía ngoài sẽ dùng dây kéo cả đệm, cả người ra ngoài.

Đúng 19 giờ ngày 3/4, sau hơn 1 ngày làm việc vất vả lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam và Myanmar mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài.

Đúng 19 giờ ngày 3/4, sau hơn 1 ngày làm việc vất vả lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam và Myanmar mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Trưởng đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an cho biết, sau 7 ngày thực hiện công tác cứu trợ quốc tế tại Myanmar, Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam đã tìm kiếm được 7 thi thể nạn nhân trong khu vực sập đổ; phối hợp Đoàn cứu hộ các nước đưa được 7 thi thể nạn nhân khác ra khỏi đống đổ nát để bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình.

Bên cạnh đó, Đoàn công tác đã tổ chức sơ cứu, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 50 bệnh nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng; dựng 4 lều bạt làm nơi tạm trú cho người dân bị mất nhà cửa tại các khu dân cư tập trung và tại Bệnh viện dã chiến 1.000 giường; thực hiện công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các khu dân cư tập trung; tổ chức cấp phát lương thực, nước uống cho người dân.

Đoàn công tác đã chia sẻ, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân thiệt hại, tặng quà cho 185 bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến và ủng hộ thông qua cơ quan cứu trợ thiên tai Myanmar với tổng số tiền 17.000.000 kyat (tương đương hơn 100 triệu đồng tiền Việt).

SƠN BÁCH - THÀNH ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-chua-ke-ve-nhiem-vu-cuu-ho-kho-khan-chua-tung-co-tai-myanmar-post872004.html
Zalo