Chuyển Bộ Công an quyết định việc áp dụng nguyên tắc 'có đi có lại' trong dẫn độ
Sáng 24/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Dẫn độ và dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình.
Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 4 chương và 45 điều. Trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 1 điều so với Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dẫn độ.
Dự thảo luật bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.
Luật này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước Việt Nam trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Dự thảo Luật quy định Bộ Công an là cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng theo dự thảo Luật, trường hợp là nước chuyển giao, Việt Nam chi trả các chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh đến thời điểm bàn giao người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp là nước nhận, Việt Nam chi trả mọi chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh từ thời điểm tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác…
Về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định TAND khu vực nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận.
Về thẩm quyền xem xét chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, dự thảo Luật quy định TAND khu vực nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù quyết định việc chuyển giao.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng luật.
Về nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, cơ quan thẩm tra cho biết, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Bộ Công an cần lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao trước khi áp dụng, nhằm bảo đảm tính đầy đủ, thận trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
Về kinh phí chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành với dự thảo Luật.
Đa số ý kiến trong Ủy ban cũng cho rằng việc bổ sung quy định về tự nguyện đóng góp, hỗ trợ chi phí cho người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao là cần thiết, góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước, tôn trọng sự tự nguyện đóng góp của các chủ thể.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định có tính nguyên tắc để phân định rõ giữa khoản chi do ngân sách Nhà nước bảo đảm và khoản chi do tự nguyện đóng góp, hỗ trợ.
Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định "kinh phí cho công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước".
Bởi, nếu bổ sung khoản kinh phí tự nguyện đóng góp, hỗ trợ thì khó tách bạch với kinh phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Dự thảo Luật chưa có quy định về việc hủy quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, hủy quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Do đó, đề nghị, nghiên cứu bổ sung bảo đảm đầy đủ, bao quát trường hợp đang được quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành và các trường hợp có thể xảy ra trên thực tiễn.