Chuyển biến trong chống khai thác IUU

Dự kiến tháng 11/2024, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra lần 5 về khắc phục những khuyến nghị đã đưa ra, đồng thời xét, tháo gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' IUU cho ngành thủy sản Việt Nam. Cùng với nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương có biển trên cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, mang lại những chuyển biến đáng ghi nhận.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường tuyên truyền về Luật Thủy sản và quy định chống khai thác IUU cho ngư dân địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường tuyên truyền về Luật Thủy sản và quy định chống khai thác IUU cho ngư dân địa phương.

Với mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế và chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cộng đồng ngư dân chấp hành. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 6.683 tàu, thuyền, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 1.112 chiếc. Để khắc phục tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa đã phân công cán bộ phụ trách đến từng hộ, từng chủ tàu để hướng dẫn thực hiện các thủ tục giấy tờ theo quy định. Đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng, cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá vừa để tuyên truyền công tác chống khai thác IUU vừa xử lý, phát hiện những trường hợp vi phạm.

Theo đó, tại hội nghị giao ban ngày 15/10, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cho biết, các địa phương, như: Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn... đã tuyên truyền, hỗ trợ cho 74 tàu cá “2 không”, “3 không” thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Lũy kế nâng số tàu cá có đăng ký lên 2.774/3.171 tàu, đạt tỷ lệ 87,5%. Đồng thời, 156 tàu mất kết nối giám sát hành trình (GSHT) (theo thống kê ngày 1/10) đã được chủ tàu khôi phục kết nối, kịp thời nhận các cảnh báo khi tiếp cận vùng biển không được phép đánh bắt. Cùng với đó, kết nối, tuyên truyền, vận động cho các chủ tàu mới, tàu chưa lắp thiết bị GSHT tiếp tục lắp đặt để bảo đảm quy định khi khai thác; nâng tỷ lệ tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình lên 99,5% và 100% tàu cá được đánh dấu theo quy định...

Nhờ công tác tuyên truyền, cộng đồng ngư dân tại các địa phương đã ký cam kết về việc chấp hành nghiêm quy định khi đánh bắt hải sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phần lớn ngư dân đều tuân thủ nghiêm quy định của Luật Thủy sản. Ông Nguyễn Hữu Hà, ngư dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), chủ tàu TH-90387 khai thác vùng khơi Vịnh Bắc bộ cho biết: “Trước đây, bà con ra khơi có thời điểm còn đánh bắt theo phương thức tận diệt. Sau khi được lực lượng biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn, ngư dân hiểu rõ hơn quy định khi đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Từ đó, bà con thay đổi phương thức khai thác khi vươn khơi đánh bắt. Đồng thời, khai thác đúng vùng quy định, quy trình kết nối giám sát hành trình trong suốt quá trình khai thác”.

Không chỉ ngư dân huyện Hoằng Hóa mà với sự tuyên truyền, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, nhận thức của mỗi ngư dân trên địa bàn tỉnh đều có sự thay đổi rõ rệt, góp phần cùng cả nước chống khai thác IUU và sớm gỡ “thẻ vàng” của EC.

Để duy trì thành quả bước đầu này, các hoạt động nhằm gỡ “thẻ vàng” vẫn tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ. Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: Lực lượng biên phòng tỉnh đã và đang kiểm soát các loại phương tiện tàu thuyền, tập trung tuần tra, giám sát chặt chẽ tàu cá khai thác hải sản xa bờ; tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường biển, tự giác chấp hành quy định trong đánh bắt, khai thác hải sản. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con ngư dân hoàn thiện thủ tục, giấy tờ bảo đảm đúng, đủ khi vươn khơi khai thác theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho thuyền trưởng và các thuyền viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy, hải sản.

Theo ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh, để chuẩn bị tốt các điều kiện làm việc với EC và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến tháng 11, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục duy trì giao ban 10 ngày/lần để nắm rõ kết quả, khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác chống khai thác IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Đối với các tàu cá không đủ điều kiện đăng kiểm, cấp giấy phép, yêu cầu chủ tàu đưa tàu về âu neo đậu hoặc đưa lên bờ nếu cần thiết, tuyệt đối không để tàu đi khai thác. Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, chính quyền địa phương tuyên truyền, theo dõi, tạo điều kiện tàu ra, vào cảng, bốc dỡ sản phẩm, ra vào cảng đúng nơi quy định. Những nỗ lực và thành quả bước đầu của tỉnh sẽ góp phần quan trọng cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU và phát triển hiệu quả, bền vững ngành thủy sản.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-bien-trong-chong-khai-thac-iuu-228674.htm
Zalo