Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ở Sông Công

Là một trong những địa phương được tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm đô thị thông minh, TP. Sông Công xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng. Với sự nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ, tuyên truyền đến người dân về ứng dụng chuyển đổi số (CĐS), đến nay, công tác CĐS trên địa bàn TP. Sông Công đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đô thị.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC TP. Sông Công giúp chính quyền điều hành công việc hiệu quả hơn.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC TP. Sông Công giúp chính quyền điều hành công việc hiệu quả hơn.

Vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC

Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đề ra nhiệm vụ triển khai xây dựng đô thị thông minh, trước mắt đầu tư nguồn lực cho 3 đô thị, trong đó có TP. Sông Công. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh; hệ thống giám sát an ninh thông minh; số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục.

Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh trên địa bàn theo Quyết định số 4394/QĐ-UBND ngày 31/12/2019, đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm đô thị thông minh trên địa bàn TP. Sông Công.

Để triển khai Chương trình CĐS hiệu quả, TP. Sông Công đã vào cuộc quyết liệt, đến nay địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bước đột phá quan trọng đầu tiên phải kể đến là thành phố đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC, với nhiều hạng mục như: Hệ thống phản ánh hiện trường, ứng dụng trên điện thoại cho người dân; hệ thống hồ sơ sức khỏe toàn dân; tích hợp camera giám sát tại các cửa ngõ ra vào của thành phố để quản lý an ninh trật tự…

Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng và cài đặt nền tảng đô thị thông minh (SCP) và các phân hệ phần mềm thuộc nền tảng lên máy chủ đặt tại Trung tâm dữ liệu tỉnh Thái Nguyên. Triển khai thí điểm dịch vụ phản ánh hiện trường (tiếp nhận ý kiến người dân) bao gồm các phân hệ: Ứng dụng phản ánh hiện trường trên thiết bị mobile; ứng dụng tiếp nhận, điều phối và xử lý phản ánh của người dân cài đặt trên môi trường Web, ứng dụng phân quyền, quản lý tài khoản, quản lý thông báo, theo dõi và lưu vết.

Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm điều hành thông minh IOC đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của nhà nước và giải quyết phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các hiện tượng vi phạm về giao thông, trật tự đô thị, đất đai, môi trường và vi phạm pháp luật khác giảm.

Cùng với đó, thông qua ứng dụng phản ánh hiện trường trên thiết bị mobile, người dân muốn phản ánh đến cơ quan quản lý chỉ cần chụp ảnh hiện trường, nêu ý kiến và gửi qua ứng dụng Sông Công Smart City. Tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh, ý kiến của người dân được chuyển ngay đến chuyên viên phụ trách để xử lý. Việc xử lý được theo dõi sát sao trên hệ thống điều hành về thời gian, mức độ xử lý công việc, qua đó nâng cao tính minh bạch và đánh giá được chất lượng thực thi công vụ của cán bộ trực tiếp xử lý công việc.

Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công, đánh giá: Trung điều hành thông minh IOC đã tạo ra kênh thông tin tương tác giữa người dân với chính quyền và ngược lại thông qua ứng dụng Sông Công Smart City. Qua đó góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường hành chính công khai, minh bạch.

Nhân viên Viettel Sông Công hướng dẫn người dân ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh.

Nhân viên Viettel Sông Công hướng dẫn người dân ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh.

Nhiều người được tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số

TP. Sông Công đang đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. 100% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình đạt trên 95%; 100% văn bản đi, đến được gửi, nhận trên phần mềm quản lý và điều hành văn bản Vinaphone - Ioffice; 100% văn bản chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của thành phố và các trang thông tin điện tử của xã, phường.

Cán bộ, công chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ @thainguyen.gov.vn trong công việc; 100% văn bản đi của các cơ quan, đơn vị, các xã, phường sử dụng chữ ký số. TP. Sông Công cũng triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; hầu hết người dùng điện thoại thông minh đều cài đặt và ứng dụng C-ThaiNguyen; 100% đảng viên sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử. Các chợ trung tâm thành phố đều triển khai mô hình Chợ 4.0…

Chị Trần Thị Nguyên, công chức Văn phòng thống kê xã Bá Xuyên, chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi đều thực hiện công việc trên môi trường mạng. Ngay cả khi người dân thanh toán các khoản chi phí cũng không dùng tiền mặt nên rất tiết kiệm thời gian, công sức.

Bà Phạm Thị Nga ở phường Mỏ Chè cho hay: Từ khi các chợ trên địa bàn thành phố triển khai mô hình chợ 4.0, tôi đi chợ không cần phải mang theo ví tiền, chỉ cần mang điện thoại thông minh vừa an tâm, vừa thuận tiện.

Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công, cho biết thêm: Thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục nâng cao tính năng hệ thống hạ tầng Trung tâm điều hành thông minh, khảo sát và phát triển hạ tầng băng rộng cáp quang. Phấn đấu đến năm 2025 địa phương có trên 90% thủ tục hành chính được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; khoảng 300 doanh nghiệp và 50% số dân có tài khoản thanh toán điện tử và trở thành một trong những địa phương đi đầu tỉnh về CĐS.

Sông Hương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202410/chuyen-bien-tich-cuc-trong-chuyen-doi-so-o-song-cong-c49095d/
Zalo