Chuyển biến tích cực sau 3 tháng cao điểm đảm bảo Trật tự an toàn giao thông
Sau 3 tháng triển khai đợt cao điểm, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí…
Chiều 24-10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá tổng kết 3 tháng cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) - (20-6 đến 20-9-2022). Đại tá Trần Phòng, Phó giám đốc CATP chủ trì tại đầu cầu Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương những thành tích lực lượng Công an nói chung, CSGT nói riêng đạt được trong đợt cao điểm, nhất là kết quả kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Qua đợt cao điểm đã tạo đực hình ảnh CBCS Công an, nhất là CSGT đẹp hơn trong lòng dân. Bộ trưởng nhìn nhận: Lực lượng Công an đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong tuần tra xử lý vi phạm TTATGT; bước đầu đã tạo chuyển biến rất tích cực trong tư quy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Việc xử lý nghiêm phương tiện quá khổ, quá tải, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ… được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bộ trưởng cho rằng, về lâu dài, phải duy trì thường xuyên và triển khai quyết liệt các giải pháp công tác đảm bảo TTATGT, không được có tư tưởng “xả hơi” sau cao điểm để tình hình TTATGT phức tạp trở lại. Toàn lực lượng Công an, mà chủ lực là CSGT phải thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn tại hạn chế để trấn chỉnh, khắc phục, tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, làm tốt hơn nữa các mặt công tác đảm bảo TTATGT, kéo giảm tai nạn, trước mắt là các dịp lễ, Tết, giúp nhân dân cả nước đón một mùa xuân tươi vui, an bình. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cam kết với lãnh đạo Bộ về việc duy trì và triển khai quyết liệt các giải pháp công tác đảm bảo TTATGT và chịu trách nhiệm nếu để các hành vi vi phạm tái diễn hoạt động phức tạp trên địa bàn quản lý, nhất là xe chở quá tải, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe hoạt động trở lại.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 03 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch 299/KH-BCA-C08 của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là sau khi thực hiện mệnh lệnh của Bộ trưởng tại Điện số 76, đã tạo được chuyển biến tích cực về tư duy, nhận thức ngay từ các đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo, Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương và CBCS CSGT về vai trò, trách nhiệm của lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSGT nói riêng trong công tác đảm bảo TTATGT. Qua đó, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, quy chế, quy trình công tác TTKS, xử lý vi phạm, tiếp xúc tuyên truyền, hướng dẫn vận động nhân dân, doanh nghiệp. Lực lượng CSGT đã tạo được uy tín trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải, vi phạm về nồng độ cồn..., được nhiều ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân đồng tình ủng hộ, cùng vào cuộc hỗ trợ lực lượng Công an; nhất là về nồng độ cồn, không can thiệp vào công tác xử lý vi phạm.
Với 2.595 vụ TNGT xảy ra, làm chết 1.406 người, bị thương 1.828 người (giảm cả 3 tiêu chí, trong đó giảm 12,18% về số vụ, giảm 14,53% số người chết và giảm 7,49% người bị thương). Đáng chú ý, có 26 địa phương TNGT giảm cả 03 mặt so với thời gian trước khi thực hiện cao điểm. Tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe cơ bản đã được kiểm soát, có địa phương không còn tình trạng xe cơi nới thành thùng hoạt động…
Toàn đợt cao điểm, lực lượng CSGT cả nước huy động hơn 306.000 lượt tổ công tác, với 1.242.788 lượt CBCS tổ chức TTKS; đã phát hiện, xử lý 788.607 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 1.384 tỷ 607 triệu đồng, tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn 134.064 trường hợp; tạm giữ 189.045 phương tiện các loại. Đáng chú ý, kết quả xử lý sau khi triển khai Điện số 76 của Bộ trưởng, đã xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn với 87.206 trường hợp; xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ 35.929 trường hợp; 86.847 trường hợp vi phạm tốc độ.
Cùng với công tác TTKS, xử lý vi phạm, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT. Vận động hơn 31.000 chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia; vận động hơn 25.000 doanh nghiệp, 2.030 nhà máy, 5.545 chủ bến bãi, 3.792 xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô, 190.489 cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe và tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế. Bên cạnh đó, đã đưa tin, tuyên truyền biểu dương lực lượng trong buổi Lễ ra quân thực hiện cao điểm, tạo khí thế ngay từ ngày đầu thực hiện cao điểm, tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật của lái xe và chủ phương tiện…
Tại thành phố Đà Nẵng, trong 3 tháng thực hiện cao điểm, tình hình TTATGT, TTĐT trên địa bàn được kiểm soát, duy trì ổn định, không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông kéo dài, đua xe, cỗ vũ đua xe trái phép. Việc xử lý các chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới”, quá tải, tốc độ… được thực hiện quyết liệt, đưa TTATGT đi vào nề nếp mới. Trong số 28 vụ TNGT xảy ra, làm chết 19 người, bị thương 16 người; so với thời gian liền kề, giảm 5 vụ, giảm 3 người chết, giảm 9 người bị thương. Đợt cao điểm, lực lượng CA các cấp đã bố trí 5.967 tổ TTKS với 22.072 lượt CBCS tham gia, qua đó phát hiện, lập biên bản gần 20.000 trường hợp, ra quyết định xử phạt hơn 19,8 tỷ đồng; tước GPLX 2.698 trường hợp; tạm giữ 2.376 phương tiện. Đáng chú ý, với việc tăng cường xử lý các chuyên đề, lập biên bản 1.737 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 1.737 phương tiện, tước GPLX 991 trường hợp. Hay lỗi vi phạm tốc độ, phát hiện lập biên bản 1.954 trường hợp, tước GPLX 649 trường hợp. Lỗi “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ trên đường bộ phát hiện, lập biên bản 680 trường hợp, tước GPLX 140 trường hợp. Toàn đợt cao điểm, 100% Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai, xây dựng Kế hoạch thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch 299 và Điện số 76 Của Bộ Công an, chủ động phòng ngừa không để xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng và duy trì TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Lực lượng Công an cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động 619 nhà hàng, quán bar, vũ trường nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia; tuyên truyền, vận động 167 doanh nghiệp, 5.244 cá nhân, 229 nhà máy, chủ bến bãi, xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt; vận động hàng chục doanh nghiệp vận tải thủy, chủ bến bãi, doanh nghiệp vận tải... tham gia ký cam kết không vi phạm TTATGT.
Công Hạnh