Di chuyển nhanh hơn bất kỳ vật thể nhân tạo nào, tàu thăm dò Mặt trời Parker của NASA sẽ sớm tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách gần nhất, giúp các nhà khoa học khám phá những bí ẩn và những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
NASA có thể biến đêm Giáng sinh năm nay thành một đêm đáng nhớ khi tàu thăm dò Mặt trời Parker (Parker Solar Probe) tiên phong của họ chuẩn bị tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay.
Trong hành trình vĩ đại này, Parker Solar Probe phải chịu nhiệt độ khắc nghiệt và bức xạ tàn khốc trong suốt chuyến bay. Do con tàu đang ở sát Mặt trời, các nhà khoa học không thể thiết lập liên lạc được với nó.
Bên cạnh đó, tàu thăm dò cũng sẽ trải qua tốc độ siêu thanh khi di chuyển với tốc độ khoảng 690.000 km/giờ, được cho là nhanh như một chuyến bay từ Washington DC đến Tokyo trong chưa đầy một phút.
Tiến sĩ Nicola Fox, người đứng đầu khoa học tại NASA cho biết: "Trong nhiều thế kỷ, con người đã nghiên cứu Mặt trời, nhưng bạn không thể trải nghiệm bầu khí quyển của một nơi cho đến khi bạn thực sự đến thăm nơi đó”.
Các nhà khoa học NASA hy vọng nhận được tín hiệu từ Parker Solar Probe dự kiến sẽ có vào ngày 27/12 để xác nhận con tàu vẫn còn sống sót.
Chuyến hành trình này của Parker Solar Probe hy vọng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách Mặt trời hoạt động khi con tàu thăm dò tiếp cận gần nhất với Mặt trời được gọi là cận điểm.
Được phóng vào năm 2018, sứ mệnh của Parker Solar Probe là hướng đến trung tâm hệ mặt trời. Tàu thăm dò đã đi qua Mặt trời tổng cộng 21 lần, ngày càng gần hơn, nhưng chuyến thăm vào đêm Giáng sinh năm nay có thể phá kỷ lục.
Hoàng Vân