Chuyện bất ngờ sau bức ảnh 'cậu bé da cam' gây bão mạng xã hội

Hơn 30 năm sau bức ảnh lay động mạng xã hội, 'cậu bé da cam' Nguyễn Hồng Lợi nay trở thành kình ngư không chân, mang câu chuyện vượt nghịch cảnh phi thường.

Một bức ảnh cũ, nhuốm màu thời gian, ghi lại khoảnh khắc hai cậu bé đứng bám tay lên khung sắt. Một bé chỉ có tay trái, đôi chân không còn nguyên vẹn. Em còn lại khuyết tật cả hai tay. Hai đôi mắt trong veo hướng về phía máy ảnh. Bức ảnh lan truyền khắp mạng xã hội những ngày qua.

Ít ai ngờ, một trong hai đứa trẻ từng mang danh “cậu bé da cam” năm xưa giờ là vận động viên bơi lội nổi tiếng, sống lạc quan, đầy tự hào về tuổi thơ của mình ở Làng Hòa Bình - nơi vẫn ngày đêm chăm sóc những phận đời khuyết tật.

Bức ảnh đánh thức tuổi thơ

Đầu tháng 7, trang Facebook Tifosi đăng tải một bức ảnh màu chụp hai cậu bé khuyết tật, kèm chú thích:

"Một nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam đang học chung một lớp với những bạn nhỏ cùng lứa tuổi. Gương mặt ngây thơ, thánh thiện, đôi mắt to tròn đầy hồn nhiên, nhưng sinh ra với hai tay bị teo nhỏ lại, một tay giống như cái mụn thịt, bên tay kia thì dị tật không hình thù gì cả.

Dù chiến tranh đã qua lâu, khoảng nửa thế kỷ gì đó, nhưng những vết tích chiến tranh vẫn còn lại đọng lại với những thế hệ thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4 sau này. Có rất nhiều người sống cả đời với những vết thương chiến tranh, nhưng họ chưa từng trải qua bất cứ giây phút chiến tranh nào."

Chỉ sau vài giờ, bài viết lan nhanh khắp mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác. Nhiều người bày tỏ thương cảm, xót xa và đặt câu hỏi: “Liệu hai em bé còn sống không? Giờ đang ở đâu?”.

Không ít người để lại bình luận đầy thương cảm như "Không ai chọn được nơi mình sinh ra", "Cầu mong cho các bé ấy lớn lên hạnh phúc"... Nhiều người tưởng rằng cậu bé trong hình đã mãi nằm lại đâu đó trong một phận đời bất hạnh.

Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Một trong 2 cậu bé ấy tên là Nguyễn Hồng Lợi, 38 tuổi, từng là trẻ khuyết tật được nuôi dưỡng ở Làng Hòa Bình, một đơn vị trực thuộc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).

Giờ đây, anh là vận động viên bơi lội khuyết tật hàng đầu Việt Nam, đã giành nhiều huy chương trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, anh còn là huấn luyện viên bơi cá nhân, người chồng, người cha đầy trách nhiệm.

Ký ức về Làng Hòa Bình của "kình ngư không chân"

"Tôi tình cờ thấy lại bức ảnh ấy trên Facebook. Tôi nhận ra ngay. Thằng nhóc không chân, bám tay vào khung sắt, ánh mắt nghịch ngợm… là tôi. Cảm xúc lúc đó không buồn, mà bồi hồi. Cả tuổi thơ tràn về như cuộn phim tua ngược", anh Lợi nói với Tri thức - Znews.

Tôi vẫn giữ lại bức ảnh ấy. Không phải để buồn, mà để nhớ nơi đã cưu mang mình, nhắc mình rằng mình đã từng được yêu thương và mình phải tiếp tục lan tỏa điều đó.

Nguyễn Hồng Lợi

Về cậu bé còn lại trong bức ảnh, anh Lợi cho hay đó là Nguyễn Khương Duy, bạn cùng lứa, cùng cảnh ngộ, từng sinh hoạt, ăn ngủ bên nhau tại Làng Hòa Bình. Dù hơn 30 năm trôi qua, ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí Lợi, từ buổi chiều các cô đưa đi tắm, những bữa ăn bón từng thìa, cho đến lúc được bế ra cổng gặp mẹ cuối tuần.

"Tôi không có cảm giác tủi thân vì cơ thể khuyết tật. Ở Làng Hòa Bình, chúng tôi được yêu thương nhiều lắm. Các bác sĩ, các cô giáo, y tá đều chăm sóc tận tình. Bác sĩ Phượng, bà nội Chung ai cũng như người thân của tụi nhỏ", anh nói.

Hàng ngày, những đứa trẻ không lành lặn ấy được học ăn, học chữ, học cách sống tự lập trong khả năng ít ỏi của mình.

 Nguyễn Hồng Lợi khi còn ở tại Làng Hòa Bình. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Hồng Lợi khi còn ở tại Làng Hòa Bình. Ảnh: NVCC.

Trong ký ức của Nguyễn Hồng Lợi, Làng Hòa Bình là một thế giới vừa khép kín vừa rực rỡ, nơi những đứa trẻ tưởng như bị bỏ lại, lại được chắp cánh để mơ.

Rời làng lúc 10 tuổi, Nguyễn Hồng Lợi trở về sống cùng gia đình, tập làm quen với thế giới ngoài kia. Hàng ngày, cậu bé không chân bán vé số bên bến đò sông Sài Gòn, vừa mưu sinh, vừa mang theo một nỗi sợ thường trực "Nếu đò lật, ai sẽ cứu mình?".

 "Cậu bé da cam" ngày nào, giờ đã là "kình ngư không chân" Nguyễn Hồng Lợi. Ảnh: NVCC.

"Cậu bé da cam" ngày nào, giờ đã là "kình ngư không chân" Nguyễn Hồng Lợi. Ảnh: NVCC.

Nỗi sợ đó trở thành động lực thôi thúc anh học bơi. Năm 18 tuổi, Lợi đến với hồ bơi lần đầu tiên, đôi tay và phần thân trên gắng sức đạp nước. Những ngày đầu, anh nuốt nước nhiều hơn là bơi, tay rộp lên vì chống đỡ cả cơ thể. Nhưng không bỏ cuộc.

"Lúc đó tôi không nghĩ đến thi đấu gì cả. Chỉ đơn giản là học bơi để biết cách tự cứu mình", anh nói.

Thế rồi, anh được một huấn luyện viên phát hiện, tập luyện chuyên sâu và dần tham gia các giải thể thao dành cho người khuyết tật.

Từ đó đến nay, Nguyễn Hồng Lợi đã có 16 năm thi đấu chuyên nghiệp, tham gia các nội dung 100m, 200m và 400m tự do nam hạng thương tật S6. Anh giành được 24 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng, đặc biệt là Huy chương Đồng tại Asian ParaGame 2014 ở Myanmar. Anh cũng là người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ lặn Quốc tế.

Mỗi năm hè về, tôi lại thấy tin đuối nước. Có khi chỉ vì một cái trượt chân. Tôi muốn dạy cho càng nhiều người biết bơi càng tốt. Một đứa bé biết bơi là một mạng sống được giữ lại.

Nguyễn Hồng Lợi

Khi không thi đấu, Nguyễn Hồng Lợi là huấn luyện viên bơi cá nhân cho mọi lứa tuổi. Anh nói mình chọn nghề này không chỉ để kiếm sống, mà để cứu người.

Không chỉ trên đường đua xanh, anh còn có chiếc huy chương vô giá ở một nơi khác - gia đình. Năm 2020, anh kết hôn với nhà thiết kế áo dài Phan Thị Tường Nghĩa và có 1 bé gái. Trong ngôi nhà nhỏ, vợ chồng anh cùng nhau buôn bán đồ thủ công, áo dài vẽ tay. Cô con gái 3 tuổi rưỡi hiếu động, lanh lợi và rất tình cảm.

Con gái bắt đầu nhận ra sự khác biệt của ba. Có lần bé nói "Ba ăn cơm nhiều để sau này ba có chân, có tay giống con với mẹ". Anh nghe vừa buồn cười vừa xúc động. "Con tôi hiểu, nhưng không thấy đó là điều tệ. Con chấp nhận và thương ba", anh Lợi mỉm cười.

Anh Lợi kể thêm, mỗi lần đưa con đi chơi, bé thường giới thiệu ba mình với bạn bè là “vận động viên bơi lội Nguyễn Hồng Lợi” một cách đầy tự hào. Trong mắt cô bé, ba là người hùng thật sự.

Không ai ngờ, đứa trẻ khiếm khuyết năm nào lại vươn lên làm vận động viên, huấn luyện viên, trụ cột gia đình, người cha hạnh phúc và hình mẫu sống đẹp cho bao người.

Ngôi làng của những phận đời bất hạnh

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết hiện Làng Hòa Bình đang nuôi dưỡng và chăm sóc 37 trẻ khuyết tật, phần lớn là nạn nhân của chất độc da cam.

"Hoạt động của Làng được tổ chức có quy chế rõ ràng, có cơ sở pháp lý cụ thể. Mục tiêu không chỉ là nuôi dưỡng mà còn điều trị, giáo dục và đồng hành cùng các em đến khi trưởng thành", bác sĩ Hải nói.

Ngoài sự hỗ trợ từ bệnh viện, Làng Hòa Bình còn nhận được nguồn lực từ nhiều tổ chức xã hội, nhà hảo tâm. Đây là cơ sở duy nhất tại TP.HCM thực hiện việc nuôi dưỡng trẻ em chịu ảnh hưởng da cam một cách bài bản và lâu dài.

Dù đối diện không ít khó khăn về tài chính, nhân sự và điều kiện chăm sóc, nơi đây vẫn kiên cường tồn tại, từng ngày thắp lên hy vọng cho những phận đời bất hạnh.

 Nguyễn Hồng Lợi hạnh phúc bên gia đình. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Hồng Lợi hạnh phúc bên gia đình. Ảnh: NVCC.

"Đến năm 15 tuổi, tôi chọn trở lại Làng Hòa Bình vì cần học nghề, cần trưởng thành và tạo dựng nền tảng cho tương lai. Tôi có khoảng 30 năm gắn bó với nơi này cho đến khi kết hôn và rời Làng năm 33 tuổi. Thi thoảng, tôi vẫn đưa vợ và con mình ghé thăm nơi đã nuôi tôi lớn mỗi khi có dịp", anh Lợi chia sẻ.

Hiện, Nguyễn Hồng Lợi tích cực tập luyện để chuẩn bị thi đấu Giải bơi lội toàn quốc dành cho người khuyết tật vào tháng 9 tới tại TP.HCM. Ngoài ra, anh đang thử sức với môn para-bowling và sẽ thi đấu giao lưu tại Mega Bowling cuối tuần này.

Dù cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng, nhưng Lợi chưa từng than vãn. Anh sống như thể mỗi ngày là một cơ hội để biết ơn, để yêu thương, để truyền lửa.

Bức ảnh “cậu bé da cam” khiến mạng xã hội nghẹn lại hóa ra chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc đời rộng lớn của Nguyễn Hồng Lợi.

"Tôi vẫn giữ lại bức ảnh ấy. Không phải để buồn, mà để nhớ nơi đã cưu mang mình, nhắc mình rằng mình đã từng được yêu thương và mình phải tiếp tục lan tỏa điều đó", anh Lợi chia sẻ.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chuyen-bat-ngo-sau-buc-anh-cau-be-da-cam-gay-bao-mang-xa-hoi-post1569042.html
Zalo