Chuyển 425 triệu USD qua biên giới, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường bị đề nghị mức án 14-16 năm tù

Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường bị cáo buộc dùng nhiều công ty để lập khống hồ sơ, chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hồng Kông và ngược lại) với tổng số 425,1 triệu USD, tương đương gần 9.500 tỷ đồng.

Ngày 22/4, phiên tòa xét xử 13 bị cáo trong vụ vận chuyển hơn 425 triệu USD (tương đương hơn 9.492 tỷ đồng) qua biên giới tiếp tục với phần tranh luận.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Ngọc Phương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường) bị đưa ra xét xử về các tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ông Phương bị cáo buộc dùng nhiều công ty để lập khống hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hồng Kông và từ Hồng Kông về Việt Nam) với tổng số 425,1 triệu USD, tương đương gần 9.500 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Phương tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Phương tại phiên tòa.

Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng, việc truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi lập khống hồ sơ vay vốn của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt lớn. Các hành vi làm giả tài liệu, lập khống hợp đồng chuyển tiền trái phép qua biên giới đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước…

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường Nguyễn Ngọc Phương mức án 14 - 16 năm tù về 2 tội ''Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới'' và ''Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng''. Các bị cáo còn lại bị đề nghị tuyên phạt mức án từ 2 - 8 năm tù.

Ngoài ra VKS cho rằng, có dấu hiệu vi phạm của các tổ chức tín dụng và CQĐT đã tách hồ sơ, ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành điều tra để tiếp tục xử lý sau.

Trước đó trả lời tại tòa, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường thừa nhận cáo buộc đã lập nhiều công ty để vay vốn đầu tư dự án. Bị cáo khai thực hiện hành vi trên chỉ vì muốn tìm cách duy trì công việc kinh doanh.

Bị cáo thừa nhận vai trò điều hành chung các hoạt động của công ty, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải cầm cố nhà đất, tài sản, phải vay mượn khắp nơi. Trong khi đó, vợ bị cáo cũng đang bị truy nã, các con ở với ông bà khiến bị cáo rất đau lòng.

Ngoài ra, cũng vì bị cáo thể hiện, vì hành vi của bản thân mà người khác vướng vòng lao lý.

Trình bày thêm về việc vay vốn ông Phương , quá trình này vướng nhiều vấn đề, dự án không đủ điều kiện được vay nên bị cáo đã lập các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa qua lại giữa các công ty để được ngân hàng phê duyệt, giải ngân. Khi thực hiện các dự án, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bị cáo bị lỗ, thiệt hại nặng nề, gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.

Cũng trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Hồng Nga (vợ của ông Phương) dù bị cho rằng có liên quan đến vụ án, đồng phạm với chồng, nhưng đã xuất cảnh sang Hàn Quốc từ năm 2023, chưa nhập cảnh về Việt Nam và đang bị truy nã.

Theo cáo trạng, Nguyễn Ngọc Phương có 7 doanh nghiệp trong nước và 3 công ty Hồng Kông. Các công ty trong nước gồm: Công ty Phú Cường, Công ty Quốc tế DPC, Công ty Lăng Nguyên, Công ty DPC Hà Nội, Công ty Giá Diệp, Công ty Aqua-com, Công ty Đông Đô.

Bị can Phan Thị Thu Thủy được giao nhiệm vụ đứng tên Giám đốc Công ty Quốc tế DPC và giúp Phương trực tiếp quản lý điều hành chung từ năm 2011. Trong khi đó, Đinh Thị Diệu Thúy được Nguyễn Ngọc Phương giao nhiệm vụ phụ trách tài chính kế toán từ năm 2014 – 2018.

Để có tiền chuyển ra nước ngoài, Nguyễn Ngọc Phương đã câu kết với cán bộ ngân hàng và chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ để vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng. Trong đó, Phương gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 42 tỷ.

Sau khi trao đổi và thống nhất chủ trương vay vốn tại các ngân hàng, Phương giao cho đồng phạm làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân.

Quá trình điều tra xác định, từ năm 2014 – 2018, Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo nhân viên sử dụng hệ thống 10 công ty nói trên để lập khống hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài. Việc chuyển tiền được thực hiện thông qua 7 tổ chức tín dụng của Việt Nam với tổng số tiền hơn 214 triệu USD, tương đương hơn 4.719 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cũng từ năm 2014 đến năm 2018, Nguyễn Ngọc Phương còn chuyển trái phép tiền từ nước ngoài về Việt Nam, với tổng số tiền 212 triệu USD, tương đương 4.773 tỷ đồng.

Viện kiểm sát cáo buộc, với vai trò chủ mưu, cầm đầu, Nguyễn Ngọc Phương đã chỉ đạo các bị can đồng phạm thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới giữa Việt Nam và Hồng Kông với tổng số tiền chuyển trái phép đi/về là 426 triệu USD, tương đương 9.492 tỷ đồng.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-425-trieu-usd-qua-bien-gioi-giam-doc-cong-ty-vang-phu-cuong-bi-de-nghi-muc-an-14-16-nam-tu-169250422132100083.htm
Zalo