Chút tiếc nuối màu xanh của Hà Nội

Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô, tôi vẫn nghĩ sẽ là tuyệt vời hơn nếu Thủ đô vẫn còn những hàng cây cổ thủ một thời xanh rợp bóng. Có chút hiểu biết về ngành lâm nghiệp tôi rất mong Hà Nội ngày càng văn minh hơn giàu đẹp hơn và nhất là xanh hơn...

Ông bạn kiến trúc sư người Hà Nội gốc nói như trách với tôi rằng, đô thị và cây xanh như hình với bóng, bão số 3 làm cây xanh thủ đô Hà Nội đổ, gẫy nghiêm trọng, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy chuyên gia, nhà quản lý lâm nghiệp nào lên tiếng, dù ở Việt Nam có hẳn một khoa Lâm nghiệp đô thị nằm trong trường Đại học Lâm nghiệp. Dù buồn, tôi phải công nhận ông nói đúng.

Cây xanh từng là hình ảnh quen thuộc của Hà Nội

Cây xanh từng là hình ảnh quen thuộc của Hà Nội

Từ lâu thủ đô Hà Nội thiếu quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững cây xanh. Để chứng minh cho nhận định này chúng ta có thể thấy sự vi phạm rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn mà vụ một loạt ca sĩ, người nổi tiếng xây biệt thự trên đất rừng phòng hộ ầm lên một thời, rồi bị chìm xuống. Hệ thống cây xanh trong các công viên, cây xanh đường phố, cây xanh dọc các triền đê sông Hồng... bị xâm hại. Hai hàng cây xà cừ dọc đường Nguyễn Trãi bị đốn hạ không ai bị quy vi phạm luật pháp...

Tôi đã qua nhiều nước, như Hoa Kỳ, Singapore nếu chặt cây xanh và vi phạm rừng phòng hộ như ở Hà Nội thì chắc chắn người vị phạm phải bị xử lý, thậm chí bị phạt tù.

Bão số 3 đã minh oan cho loài này vì những cây xà cừ bị đánh dấu để chặt bên đường Lê Duẩn cùng thời và rất nhiều cây xà cừ cổ thụ vẫn còn nguyên trong khi nhiều loài khác bị đổ la liệt.

Cây xanh trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội)

Cây xanh trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội)

Người Pháp quy hoạch, xây dựng Hà Nội dựa trên kiến thức đỉnh cao và thực thi bài bản nên thủ đô Hà Nội về kiến trúc và cây xanh, hồ nước - các điểm nhấn để thủ đô Việt Nam một thời là thành phố đẹp thứ 2 châu Á, sau Tokyo.

Nhớ lại thập kỷ 90 thế kỷ 20, giáo sư Kay Sẻm Chun Cao, người Thái Lan và sau đó chuyên gia lâm nghiệp cấp cao FAO tại Băng Cốc - ngài Kasio, người Nhật, đều yêu cầu tôi đưa 2 ông đi thăm quan cây xanh tại mấy quận nội thành phố Hà Nội. Từ quận Hoàn Kiếm (xung quanh không gian hồ Hoàn Kiếm), đến quận Ba Đình (khu biệt thự thời Pháp) và rồi quận Hai Bà Trưng (đường Lò Đúc, công viên Thống Nhất), quận Đống Đa (Văn Miếu)...

Cả hai ông đều có chung nhận xét đại ý: "Cây xanh Hà Nội độc đáo, rất quý và đẹp, cùng với hồ nước và khu đô thị, với các công trình kiến trúc kiểu châu Âu, kiến trúc sư Pháp đã Việt Nam hóa cần được bảo vệ, quản lý chặt chẽ".

Ngài Kasio thấy lạ khi loài tếch được trồng tại công viên Thống Nhất, hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc. Sau bão số 3 hai loại này vẫn còn dù lá tếch rất to và sao đen rất cao.

Những hàng cây cổ thụ đi vào ký ức người Hà Nội

Những hàng cây cổ thụ đi vào ký ức người Hà Nội

Tôi đã nhắc một cháu sinh viên làm báo cáo tốt nghiệp với đề tài "Quản lý cây xanh bền vững quanh hồ Hoàn Kiếm" do tôi và thầy Quỳnh là hướng dẫn đầu năm 90 thế kỷ 20 rằng, nghiên cứu hệ thống cây xanh ở đây cần phải đánh giá vị trí, vai trò và mối liên hệ, thực trạng của chúng, với kiến trúc đô thị và hồ Hoàn Kiếm. Kết quả báo cáo tốt nghiệp em đạt xuất sắc.

Mới rồi đi từ Phương Mai, quận Đống Đa lên tới quận Tây Hồ và về theo 2 tuyến đường khác nhau thấy đa phân cây mới trồng bị đổ do bật rễ. Nhà đài VTV1 đã đưa ra con số, tại Hà Nội, khoảng 10% cây xanh bị đổ, gẫy và tôi bổ sung trong đó tới 80% là cây mới trồng khoảng 10 năm vừa qua. Bởi vì người trồng chọn cây to với đường kính trên 10cm, có loài không thích hợp như trên đường Nguyễn Chí Thanh, đào hố nông chỉ vừa lấp bầu ngang mặt vỉa hè và trồng cây còn chưa bỏ vỏ bầu nilon.

Nhiều cây lớn gẫy đổ sau bão Yagi

Nhiều cây lớn gẫy đổ sau bão Yagi

Cây xanh quanh hồ Tây chưa tương xứng với cảnh quan, kém xa hệ thống cây xanh quanh hồ Hoàn Kiếm. Đường Nguyễn Chí Thanh, đường Đại Cồ Việt và đường Giải Ghóng... trồng nhiều loài, với mật độ cao trên dải đất giữa đường là không hợp lý, tốn ngân sách.

Tôi còn thấy cây xanh trong nội thành Hà Nội bị đổ còn do chính quyền thường xuyên cho đào vỉ hè, đào đường phố đã làm rễ cây bị cắt, dẫn đến khi mưa, bão bị đổ, gây hậu quả nghiêm trọng đối với cư dân, của cải.

Đã chuyển công tác từ lâu, đôi khi được cán bộ lâm nghiệp, nhà đầu tư mời tư vấn quy hoạch, xây dựng hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hiện nay là quy hoạch thủ đô Hà Nội, tôi nhấn mạnh cần quan tâm hệ thống cây xanh. Việc quy hoạch, xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là phù hợp do vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt trong phòng hộ từ xa và bảo vệ đa dạng sinh học thủ đô Hà Nội.

Vườn quốc gia Ba Vì có tiềm năng, lợi thế lớn trong giáo dục, đào tạo môi trường và phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại miền Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng mà tại Chiếu dời đô vua Lý Công Uẩn khẳng định "Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương ở khu vực giữa trời đất, có được thế đất rồng cuốn, hổ ngồi; chính vị đông, tây, nam, bắc; tiện nghi phía trước là sông, phía sau là núi. Khu vực ấy rộng rãi, bằng phẳng; đất ở đấy cao ráo, sáng sủa, dân cư không bị ngập chìm tối tăm khổ sở, muôn vật thịnh vượng, tốt tươi".

Nhiều lần khảo sát vùng đồi bát úp chuyển tiếp giữa vùng núi thấp và vùng đồng bằng ngày trước hoang vắng, khí hậu khắc nghiệt vì gần núi đá vôi, nay đã trở nên sầm uất, khí hậu trong lành, với tầm nhìn chiến lược 100 năm. Vì trường Đại học Lâm nghiệp từ Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chuyển về Xuân Mai, có đất trồng rừng thay vì về Đầm Vạc, Mê Linh hay khu đất gần Đại học Ngoại ngữ mà biết bao thế hệ tinh hoa trước khi sang học tại Đông Âu, đều phải theo học.

Hà Nội cần có quy hoạch đạt chuẩn quốc tế để phát triển cây xanh

Hà Nội cần có quy hoạch đạt chuẩn quốc tế để phát triển cây xanh

Hơn 40 năm sinh sống tại Hà Nội, thấy buồn vì đoạn sông Hồng chảy qua các quận trung tâm và huyện ngoại thành vẫn hoang dã, nguy hại nhiều nơi trở thành chỗ đổ vật liệu phế thải và bị san lấp nhiều. Đó là hạn chế, yếu kém trong quản lý đô thị do xây dựng nhiều công trình, khu đô thị vi phạm hệ thống đê điều, chặt phá cả cây xanh trong khi các nước kè, làm đường và trồng cây xanh mà không thu hẹp dòng chảy.

Xem trên truyền hình trong nước, quốc tế dẫn ra trên 300 người chết, sự thiệt hại lên tới 1,5 tỷ USD trong cơ bão Yagi thật xót xa. Ngành lâm nghiệp, chuyên gia lâm nghiệp cũng có phần liên đới vì để mất rừng và đồng ý chuyển rừng sang canh tác nông nghiệp lạc hậu. Nghiên cứu các dự án quy hoạch mới được phê duyệt thấy phần lâm nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu còn hạn chế do Luật quy hoạch 2019 vì không có Điều cấm, với 3 khâu (lập, thực hiện và quản lý quy hoạch), cao hơn là quản trị quốc gia do chưa làm rõ, quản lý tốt lâm phận quốc gia.

Tóm lại, thủ đô Hà Nội cần quy hoạch lại, với 3 khâu (lập, thực hiện và quản lý) đạt chuẩn mực quốc tế và phù hợp điều kiện nhiệt đới để duy trì và phát triển bền vững hệ thống cây xanh quý giá, đặc sắc này. Bắt đầu là hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vòng ngoài, tiếp đến là hệ thống cây xanh trên cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn và hệ thống đê điều sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Tích, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...

Đặc biệt quan tâm, quản lý ở trình độ cao bằng IT và Quản trị tinh gọn hệ thống cây xanh các tuyến phố và trên các công viên, vườn hoa... nhất định phải tuân theo quy chế quản lý chuẩn mực và thực hiện việc trồng, tỉa cành, chăm sóc cây xanh đô thị đúng quy chuẩn. Lựa chọn loại cây trồng tại vị trí cụ thể, với đường kính, chiều cao và độ sâu, bề rộng hố trồng cần được quy định lại. Cần sớm bổ sung quy định nghiêm cấm và trừng phạt thích đáng về kinh tế, phạt tù, bắt lao động công ích như các nước đã làm đối với bất kể ai vi phạm hệ thống cây xanh thủ đô Hà Nội...

PGS TS Hoàng Sỹ Động - nguyên Trưởng ban Phát triển các Ngành sản xuất - Viện Chiến lược phát triển quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chut-tiec-nuoi-mau-xanh-cua-ha-noi-20241009161305522.htm
Zalo