Chút ân tình cho trẻ mồ côi
Người lớn mất nhau còn có thể tìm lại được người khác, trẻ nhỏ mất cha mẹ thì sẽ bị khiếm khuyết tình cảm suốt cuộc đời. Có lẽ đây là thứ duy nhất không gì có thể bù đắp được…
Khi biết chúng tôi chuẩn bị trao học bổng hỗ trợ trẻ có cha mẹ mất do Covid-19, trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn trên địa bàn quận 6, TP.HCM, cô em đồng nghiệp phụ trách mảng Công nhân – Công đoàn của một tờ báo tại TP.HCM, gởi gắm: “Bên đó có một trường hợp em gặp mấy lần thấy thương lắm. Mẹ bị Covid mất lúc bầu hơn 7 tháng nên phải mổ lấy em bé ra, bé nặng có 1 ký à, giờ bé học mầm non mà nhiều bệnh do sanh non. Bé còn một người anh nữa. Không có mẹ, bà nội phải ở nhà chăm sóc, đưa rước 2 cháu; ông nội làm công nhân, ba là lao động tự do, cuộc sống khó khăn lắm…”.

Quang cảnh buổi trao học bổng cho các cháu mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn quận 6, TP.HCM.
Khi thấy danh sách Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 6 gởi lên, tôi gọi cho anh Lê Đình Duy, ba của 2 bé để hỏi thêm về hoàn cảnh gia đình, anh nói 4 năm qua thực sự là khoảng thời gian vô cùng khó khăn của gia đình. Vợ mất giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, con sanh non tính mạng bị đe dọa, có lúc anh thấy kiệt sức và tuyệt vọng. Nhưng may mắn là giờ đây mọi việc cũng tạm ổn. Hiện anh làm tài xế xe công nghệ và chỉ mong có đủ sức khỏe để nuôi con, chăm lo cho gia đình.
Các con của anh Duy là 2 trong số 50 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 8 gồm quận 6 và huyện Bình Chánh) thông qua Tạp chí Người Đô Thị trao 50 suất học bổng (Mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) để giúp các cháu một phần chi phí chuẩn bị cho năm học mới 2025-2026. Buổi trao học bổng đã diễn ra thật ấm áp trong buổi sáng 29.4.2025.
Những đoạn phim rất buồn
Năm mươi đứa trẻ mồ côi, đứa lớn nhất 15 tuổi và nhỏ nhất mới 4 tuổi. Những dòng ghi chú ngắn gọn: cha mất, mẹ mất, cha mẹ mất… bên cạnh tên tuổi các cháu như những đoạn phim buồn: Tất cả trong số đó chỉ còn cha hoặc mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ; hơn một nửa phải sống với ông bà, người thân mà không có cha mẹ bên cạnh; có cháu vừa cất tiếng khóc chào đời đã mồ côi…

Bé Trương Vân Anh và mẹ.
Ba của hai cháu Trương Vân Anh (sinh năm 2016, đang học lớp 3), Trương Vân Đào (sinh năm 2018, lớp 1), anh Trương Văn Tỷ, là tài xế, mất do Covid tháng 8.2021. Là lao động chính trong gia đình nên khi anh mất đi, mọi gánh nặng dồn cả lên vai vợ anh, chị Trương Thị Huyên. Ngoài 2 con gái, chị Huyên còn phải chăm sóc người chị chồng năm nay đã ngoài 70 tuổi sống chung nhà.
“Em làm giúp việc gia đình theo giờ hoặc ai kêu gì làm nấy. Thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu, cộng với tiền tuất của hai đứa nhỏ nhận từ chế độ BHXH của cha tụi nó, mỗi tháng được 1,1 triệu/ đứa”, chị Huyên cho biết.
Tôi nhẩm tính như vậy tổng cộng thu nhập chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng cho 4 người ở đất Sài Gòn thì rất chật vật. Nghe tôi tính, chị Huyên cười: “Khi nào thắt ngặt quá thì em nhắn cho thằng em ở Sóc Trăng gởi đồ ăn lên, dưới đó cá mắm rẻ”.

Bé Nguyễn Ngọc Như Ý, mồ côi cha, được ông ngoại đưa đi nhận học bổng.
Chật vật mưu sinh là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Phượng, 37 tuổi, mẹ của hai cháu Nguyễn Thị Kiều My (SN 2010) và Nguyễn Trương Trọng Tiến (SN 2014). Chồng mất, 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học trong khi sức khỏe của chị không được tốt: chân yếu bẩm sinh, cách nay chưa lâu lại bị ngã gãy chân, gần đây phát hiện thêm bệnh bao tử. Đi xin việc ở ngoài khó nên chị Phượng nhận làm đồ hàng mã tại nhà: “Dán mỗi bộ quần áo được 600 đồng, tiền công tuy ít nhưng có việc làm thường xuyên nên cũng có thu nhập trang trải chi tiêu cho 3 mẹ con”.
Khi tôi hỏi: “Nghe nói hai đứa nhỏ buổi sáng đi học, buổi chiều bán vé số, như vậy có ảnh hưởng đến việc học của con không?”, chị Phượng cho biết các con muốn làm thêm để phụ mẹ đóng học phí. Mỗi ngày sau khi tan học thì nhận vé số đi bán, ngày thường bán được khoảng 60 tờ, riêng ngày cuối tuần bán được nhiều hơn, khoảng 100 tờ. Điều làm chị Phượng lo lắng nhất là năm nay bé Kiều My thi chuyển cấp. Bé không đi học thêm, chủ yếu tự học ở nhà, sợ thi rớt.
Tôi an ủi: “Rớt thì học nghề cũng tốt mà”.
Chị Phượng cười buồn: “Chắc phải vậy”.

Bà Nguyễn Thế Thanh, đại diện Tạp chí Người Đô Thị trao học bổng cho các cháu.
Phần nhiều các bé mồ côi cha nhưng cũng có không ít trường hợp mồ côi mẹ. Bé Nguyễn Trần Thanh Trúc (SN 2011) mất mẹ đã 5 năm. Cha em là anh Nguyễn Thanh Lâm, thợ sửa xe. Nguồn sống của hai cha con chủ yếu là thu nhập từ việc sửa xe gắn máy “nhưng không phải lúc nào cũng có… người bị hư xe”, anh Lâm nói. Tuy nhiên vấn đề của những gia đình “gà trống nuôi con”, lại là con gái, không đơn thuần là nuôi ăn, nuôi mặc mà còn là giáo dục một người phụ nữ cho tương lai.
Tôi hỏi anh Lâm: “Con gái đã bước vào tuổi dậy thì, anh có gặp khó khăn hơn trong việc nuôi dạy con?”. Hiểu ý tôi, anh Lâm cười: “Chuyện đó tôi nhờ mấy dì của cháu hướng dẫn, còn những chuyện khác tôi có thể trực tiếp nói với cháu. May mắn là Trúc cũng ngoan, biết thương cha nên cố gắng học hành”.

Ông Lê Kim Hiếu, Phó bí thư Thường trực Quận ủy quận 6, trao học bổng cho các cháu.
Tôi bắt gặp trong danh sách có nhiều cặp anh chị em mồ côi như Phan Thị Thanh Thảo và Phan Thị Thanh Thư (mồ côi mẹ); Ngũ Chấn Hiên và Ngũ Chấn Khang (mồ côi cha); Phạm Chấn Thành và Phạm Kim Ngân (mồ côi cha); Trần Thị Ngọc Bích và Trần Ngọc Thái (mồ côi cha, mẹ có gia đình khác, hai chị em sống với ông bà nội); cặp song sinh Trọng Hiếu và Trọng Nghĩa (mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống cùng ông bà nội)… Một ý nghĩ vụt qua trong đầu: Người lớn mất nhau còn có thể tìm lại được người khác, trẻ nhỏ mất cha mẹ thì sẽ bị khiếm khuyết tình cảm suốt cuộc đời. Có lẽ đây là thứ duy nhất không gì có thể bù đắp được.
Góp phần xoa dịu nỗi đau
Cách nay hơn 1 năm, nhân dịp xuân Giáp Thìn, thông qua Tạp chí Người Đô Thị, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đã trao tặng hơn 100 triệu đồng cho 9 gia đình của 14 trẻ có cha hoặc mẹ qua đời trong đại dịch Covid trên địa bàn huyện Bình Chánh. Khoản chăm lo này nhằm góp phần tạo sinh kế cho gia đình các cháu theo đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện.
Theo báo cáo mới đây của Hội LHPN huyện Bình Chánh, không có cháu nào phải bỏ học, nhiều cháu có kết quả học tập tốt. Đơn cử như cháu Võ Ngọc Mai Hân (SN 2006, ở thị trấn Tân Túc) đã học năm thứ nhất Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại ngành Logistics. Em trai của Hân là Võ Thành Danh (SN 2014) học lớp 5, học lực khá. Cha mất do Covid, mẹ của hai cháu là chị Mai Thị Hạnh bán bánh tráng trộn để nuôi 2 con và cha mẹ chồng đã già yếu.

Em Dương Nguyễn Minh Triết (thứ ba từ phải) cùng các cháu có cha mẹ mất do Covid-19 nhận tiền hỗ trợ năm 2024. Ảnh: Hồng Nhung
Cháu Bùi Tấn Tài (SN 2010 ở xã Tân Kiên) học lớp 9 Trường THCS Tân Kiên cũng là học sinh giỏi. Cha cháu, anh Bùi Ngọc Thiện mất vì Covid, mẹ không có nghề nghiệp ổn định, mưu sinh bằng công việc lượm ve chai. Tuy gia đình rất khó khăn nhưng Tài vẫn chăm chỉ học tập, thời gian rảnh thì phụ giúp mẹ. Hay như cháu Nguyễn Hoàng Kiều Vân Tuyết (SN 2012, ngụ xã Tân Kiên) cha mất vì Covid, mẹ mắc nhiều bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn làm việc ở cơ sở giấy tư nhân để nuôi 3 chị em ăn học. Tuyết không phụ lòng mẹ khi đạt học sinh giỏi.
Đặc biệt bé Dương Nguyễn Minh Triết (SN 2015, xã Tân Kiên) - đứa bé không có cha từ lúc lọt lòng, đến năm 2021 khi mẹ mất vì Covid bé đã nhất quyết không rời căn phòng trọ của hai mẹ con - nay đã học lớp 4 Trường Tiểu học Tân Kiên và đạt học lực giỏi. Bà ngoại của Triết cho biết cháu đã chịu về ở chung với ông bà và cởi mở hơn. “Hi vọng tâm hồn non nớt của bé sẽ dần được chữa lành…”, các chị ở Hội LHPN huyện Bình Chánh bày tỏ.
Trân trọng những tấm lòng
Phát biểu tại buổi trao học bổng sáng 29.4, bà Lương Thanh Trúc, Chủ tịch LĐLĐ quận 6, TP.HCM chia sẻ: "Dịch bệnh qua đi để lại nỗi đau mất cha, mất mẹ, mất đi những người thương yêu nhất cho những đứa trẻ. Các cháu rất cần sự hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Thời gian qua, trên địa bàn quận có 211 trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid được các cấp, ngành chung tay chăm lo. Chúng tôi rất vui mừng, cảm kích khi biết Luật sư Trương Trọng Nghĩa thông qua Tạp chí Người Đô Thị trao tặng 50 suất học bổng cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các cháu có điều kiện chuẩn bị sách vở, đồng phục… trước thềm năm học mới. LĐLĐ quận đã phối hợp cùng Quận Đoàn và các ban ngành liên quan chọn đúng đối tượng để trao học bổng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sự đóng góp của xã hội. Xin trân trọng cảm ơn Luật sư Trương Trọng Nghĩa và Tạp chí Người Đô Thị".
Các đại biểu Quốc hội: luật sư Trương Trọng Nghĩa và thiếu tướng Đặng Văn Lẫm (giữa) thay mặt tổ đại biểu Quốc hội Bình Chánh - quận 6 tặng chi phí hỗ trợ làm nhà cho 3 hộ nghèo ở quận 6, mỗi hộ 50 triệu đồng; 3 hộ nghèo ở Bình Chánh cũng đã được tặng số tiền như vậy để làm nhà. Ảnh: CTV
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh và quận 6 ngày 18.4.2025, các đại biểu Quốc hội là bà Tô Thị Bích Châu (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), ông Đặng Văn Lẫm (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7) và Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM) đã trao tặng cho Quỹ Vì người nghèo mỗi địa phương 150 triệu đồng. Số tiền này dành để hỗ trợ xây nhà tình thương cho các hộ nghèo trên địa bàn.
________________________
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:
Mong các cháu cố gắng học tập để có tương lai tốt đẹp hơn
Đọc qua danh sách 50 cháu nhận học bổng hôm nay, cảm xúc đầu tiên của tôi là thấy rất xót xa. Cháu nào cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn và khó khăn lớn nhất là thiếu vắng tình thương của cha hoặc mẹ. Con đường các cháu đi tới tương lai rất nhiều trắc trở, thiệt thòi nên cần sự chung tay chăm lo của cả xã hội.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cùng hai anh em Lê Đình Huy, Lê Đình Phương Nghi. Bé Phương Nghi mất mẹ ngay khi mới lọt lòng và chỉ cân nặng 1kg.
Tôi chân thành cảm ơn lãnh đạo quận 6 đã quan tâm tổ chức cuộc gặp gỡ thật chu đáo. Giá trị học bổng tuy không lớn nhưng nó là tấm lòng, là mong muốn thiết thực góp một chút để lo cho các cháu trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Mong các cháu cố gắng học tập để có tương lai tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: Hồng Vân