Chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt nhiều dấu ấn
Thành ủy Hà Nội đánh giá 4 năm qua thành phố đã đạt nhiều mục tiêu trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17-3-1930 đến 17-3-2025), sáng 28-3, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đã tổ chức hội nghị tổng kết tại Bảo tàng Hà Nội.
Chương trình 06 của được triển khai từ năm 2021 với mục tiêu phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, gồm 18 chỉ tiêu, 51 đề án, kế hoạch, cùng 22 nhóm dự án.

Ban Thường vụ Thành ủy đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có những đóng góp về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Sau hơn 4 năm thực hiện, tất cả các chỉ tiêu đều hoàn thành đúng kế hoạch, trong đó có hai chỉ tiêu vượt mức đề ra. Cụ thể, trong lĩnh vực du lịch, Hà Nội đã tổ chức thành công 4 lễ hội thiết kế sáng tạo, phát triển các sản phẩm du lịch đêm như tour “Đêm Thiêng liêng” tại di tích Hỏa Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Về thể thao, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đào tạo huấn luyện viên, vận động viên cho các giải đấu lớn như Olympic và ASIAD. Tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội đặt trọng tâm vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai các mô hình trường học tiên tiến, hiện đại. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc, tăng 13 bậc so với năm 2021.
Nhất là nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đã được triển khai thực tế vào cuộc sống, tạo nên một nét văn hóa riêng cho Thủ đô, đồng thời làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
Trong đó đã có những mô hình đã trở thành nếp sống thường nhật ở từng khu phố, thôn xóm, trường học như: “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch”, “Tổ dân phố, thôn không ma túy”; “Nói không với bạo lực học đường”; “Học sinh Thủ đô ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông”; “Em yêu Hà Nội”, “Nhà giáo Hà Nội thanh lịch, văn minh”…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, sau hơn 4 năm thực hiện, Chương trình số 06-CTr/TU tạo được sự chuyển biến về nhận thức một cách toàn diện, từ thành phố đến cơ sở.
“Hà Nội đã có các sản phẩm cụ thể và thiết thực về văn hóa, con người, khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị thế của Thủ đô, góp phần quan trọng vào việc khơi nguồn sáng tạo trong xã hội, từ đó, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế”, ông Phong nhấn mạnh.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo trên thế giới, tận dụng tiềm năng công nghiệp văn hóa để phát triển bền vững, trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, có sức cạnh tranh cao và kết nối toàn cầu.
Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
UBND TP Hà Nội cũng biểu dương 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Chương trình 06-CTr/TU.
Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU khẳng định quyết tâm của Hà Nội trong việc phát huy giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng một Thủ đô giàu bản sắc, sẵn sàng hội nhập trong kỷ nguyên mới.