Chương trình trung học nghề tích hợp mở rộng cánh cửa phân luồng

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi có điểm đáng chú ý là chương trình trung học nghề kết hợp kiến thức văn hóa cấp THPT với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.

Bà Phan Thị Lệ Thu (hàng thứ 2), Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Viễn Đông tư vấn cho học sinh, phụ huynh chương trình học nghề. Ảnh minh họa: NVCC

Bà Phan Thị Lệ Thu (hàng thứ 2), Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Viễn Đông tư vấn cho học sinh, phụ huynh chương trình học nghề. Ảnh minh họa: NVCC

Đây được xem như hướng đi mới để phân luồng học sinh hiệu quả.

Nhiều cơ hội mới

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi bổ sung chương trình trung học nghề tích hợp giữa kiến thức cốt lõi của chương trình THPT và chuyên môn nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS; trường trung học nghề; công nhận kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy; vai trò của doanh nghiệp…

Theo bà Nguyễn Thị Hoàn Cẩm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Am (Hà Nội): Trung học nghề tích hợp mở ra nhiều cơ hội cho học sinh THCS sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là hướng đi phù hợp với học sinh hạn chế về học thuật nhưng có năng lực thực hành tốt, giúp các em sớm đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.

Bà Cẩm dẫn chứng thêm, một chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa người Ấn Độ năm nay 26 tuổi nhưng đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này. Được biết sau khi tốt nghiệp THCS, anh lựa chọn học trung học nghề. Những năm học ở trung học nghề, anh học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm sau đó vừa làm, vừa học liên thông lên. Từ thực tế cho thấy, trung học nghề trên thế giới đã được áp dụng từ lâu.

Bà Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Viễn Đông cũng đánh giá trung học nghề phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới bởi sự tích hợp giữa việc học văn hóa với học nghề, giúp thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian học tập để tham gia thị trường lao động và có tay nghề sớm hơn. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa hơn nữa chương trình đào tạo để gắn liền với kiến thức phục vụ việc học nghề, không phải dàn trải.

Ví dụ, đối với các môn văn hóa theo chương trình học nghề được thực hiện theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT hiện nay có 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và 1 môn tự chọn. Tuy nhiên, một số ngành như y, điện, tự động hóa… không quá cần môn Lịch sử mà thay vào đó là Vật lí, Hóa học, Sinh học.

“Tôi mong sẽ có sự chuyển đổi sao cho phù hợp với ngành nghề mà người học hướng đến. Đặc biệt nội dung chương trình văn hóa tập trung nhiều vào kiến thức trọng tâm phục vụ nghề, không mang tính dàn trải”, bà Thu bày tỏ và đề nghị bằng trung học nghề trong Luật Giáo dục nghề nghiệp cần quy định rõ giá trị và xác định tương đương với bằng THPT để đảm bảo quyền lợi cho học sinh được tham gia xét tuyển lên các trường đại học thuận lợi.

Bởi một số khối ngành sức khỏe hay sư phạm không chấp nhận học viên hoàn thành chương trình THPT mà yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT, do đó, cần cụ thể hóa đối tượng liên thông trong Luật Giáo dục đại học, gồm người tốt nghiệp THPT, trung học nghề hoặc tương đương (khoản 3 điều 5 dự thảo Luật). Như vậy các trường mới vận hành dễ, người học đảm bảo được quyền lợi.

 Nhiều học sinh sau khi học xong lớp 9 lựa chọn học nghề. Ảnh minh họa: NVCC

Nhiều học sinh sau khi học xong lớp 9 lựa chọn học nghề. Ảnh minh họa: NVCC

Chung tay phân luồng

Theo ông Nguyễn Phúc Thọ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Quốc Việt chia sẻ, câu chuyện phân luồng hướng nghiệp đã được các nhà trường thực hiện nhiều năm nay, song hiệu quả mỗi địa phương một khác. Vì vậy để đạt được như kỳ vọng, các địa phương đặc biệt sở GD&ĐT cần phối hợp với nhà trường thực hiện.

Ông Thọ nói thêm, hiện nay nhiều địa phương chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường THPT công lập còn trên 80% thì nhóm học sinh vào các trường trung học nghề, trung cấp nghề sẽ giảm. Một số địa phương thu hẹp chỉ tiêu còn hơn 60% vào THPT công lập thì người dân ý kiến, phản ánh mất cơ hội học tập tại các trường THPT công lập… Dù học nghề có nhiều chính sách tốt như: Miễn học phí, hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp… nhưng nhiều gia đình, học sinh không mặn mà.

“Muốn công tác phân luồng hiệu quả, phụ huynh, học sinh hiểu được giá trị việc học trung học nghề cần có sự vào cuộc của liên ngành để tuyên truyền cho người dân, phụ huynh thay đổi tư duy.

Đồng thời, địa phương cần dành chỉ tiêu cụ thể cho các trường trung học nghề trong tuyển sinh, không để quá chênh lệch so với các trường THPT công lập”, ông Thọ nói và cho biết thêm, từ trước đến nay, các sở GD&ĐT chưa thực sự chú trọng vào đào tạo của các trường trung cấp nghề hệ 9+, GDNN-GDTX mà đầu tư nhiều vào các trường THPT công lập dẫn đến phân luồng khó khăn.

Vì vậy, muốn trung học nghề phát huy thế mạnh, các sở, ban ngành của địa phương phải vào cuộc; có thêm những chương trình giáo dục định hướng sớm cho học sinh, phụ huynh. Từ đó, người học, phụ huynh hình dung được trung học nghề thế nào, cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp ra sao. Và quyết sách lớn nhất để phân luồng hiệu quả chính là không để chênh lệch chỉ tiêu quá lớn như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hoàn Cẩm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Am cho rằng, nhà trường và phụ huynh phải ngồi lại với nhau cùng nhìn nhận những hiệu quả, giá trị của các chương trình mang lại cho người học từ đó định hướng phân luồng cho học sinh. Chương trình GDPT 2018, đặc biệt quan trọng các hoạt động giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, giáo viên phải thường xuyên đánh giá năng lực học sinh từ đó phân tích, tư vấn phù hợp cho các em và phụ huynh.

“Đối với Trường THCS Thanh Am, hàng năm đã phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề tổ chức tư vấn hướng nghiệp trực tiếp, gián tiếp, giúp học sinh hiểu rõ hơn về chương trình trung cấp nghề, trung học nghề. Qua đó giúp phụ huynh, học sinh hiểu học trung học nghề hay trung cấp nghề không có nghĩa học sinh mất đi cơ hội thi đại học hoặc theo đuổi ngành nghề mong muốn.

Bên cạnh đó, học nghề từ sớm không chỉ giúp các em tích lũy kinh nghiệm mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển sự nghiệp thay vì bị bó hẹp cơ hội như suy nghĩ của nhiều phụ huynh”, bà Cẩm nhấn mạnh.

“Tôi kiến nghị với cơ quan chức năng để đối tượng học sinh học trung học nghề vẫn được hưởng chế độ hỗ trợ học phí theo Nghị định 81/2021 và 97/2023 nhằm thu hút tuyển sinh. Bởi hiện nay, các trường THPT công lập được miễn học phí thì cần có chính sách hỗ trợ các em chọn hướng trung học nghề”, bà Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Viễn Đông chia sẻ.

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-trung-hoc-nghe-tich-hop-mo-rong-canh-cua-phan-luong-post738075.html
Zalo