Chương trình mới giúp học sinh hào hứng học tập hơn
Ngày 17/3, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM.
Báo cáo với Đoàn giám sát thực hiện Chương trình mới của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 phù hợp với tinh thần đổi mới và bậc học phổ thông khi học sinh được chọn môn học mà mình yêu thích, qua đó sớm có định hướng nghề nghiệp. Chương trình cũng giúp giảm tải nội dung môn học.
Đặc biệt, chương trình GDPT mới giúp hệ thống các môn học mở rộng hơn, hoạt động trải nghiệm cũng đa dạng hơn, mang lại sự thích thú cho học sinh.
“Việc học tập của học sinh chủ động, các em tiếp thu dễ dàng hơn khi tải lượng kiến thức được mở rộng và được trải nghiệm nhiều hơn. Học sinh thích thú hơn với việc chọn môn học theo nguyện vọng, hứng thú với các môn năng khiếu âm nhạc và mỹ thuật. Cái khó là học sinh phải cập nhật kiến thức chương trình của năm học trước (lớp 9) khi bắt đầu và tiếp tục kiến thức của năm học bắt đầu (lớp 10)” – cô Hiền nói.
Ngoài những thuận lợi và những điều mới mẻ mà chương trình GDPT mới mang lại, theo cô Hiền khi bắt đầu cũng có những khúc mắc khó khăn, như công tác tổ chức lớp cho giáo viên, xếp thời khóa biểu cho các môn bắt buộc và các môn tự chọn. Bước đầu triển khai việc học tập trải nghiệm và tài liệu giáo dục địa phương cũng gặp khó vì giáo viên chưa được tập huấn cho hoạt động trên.
"Nhân sự cho các môn mới cũng là vấn đề lớn, nhưng nhờ trường được tự chủ tuyển dụng nên đã tuyển đủ giáo viên bộ môn âm nhạc và mỹ thuật. Tuy nhiên, nguồn giáo viên cho hai bộ môn rất ít nên dự báo trong những năm sau trường sẽ gặp khó khăn cho công tác tuyển dụng thêm. Về SGK, hiện trường đang triển khai 4 môn ngoại ngữ gồm; Anh, Pháp, Trung, Nhật nhưng mới chỉ có sách tiếng Anh nên cũng đang gặp khó khăn trong công tác triển khai dạy học" - cô Hiền thông tin.
Chia sẻ với nhà trường, ông Đinh Công Sỹ, Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng chương trình GDPT mới có những điểm rất mới (khiến nhiều nơi gặp khó khăn trong việc đồng bộ giáo viên, cơ sở vật chất dạy học) nhưng với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không phải là thách thức quá lớn bởi trường may mắn có nền tảng khoa học và sự chủ động của đội ngũ CBQL, giáo viên.
"Sự phù hợp của chương trình so với thực tiễn của nhà trường và qua sự nhận xét đánh giá của học sinh, giáo viên - có thể thấy chương trình GDPT mới triển khai ở bậc phổ thông sẽ thuận lợi hơn khi tính chủ động của học sinh và giáo viên cũng cao hơn. Nút thắt đáng ngại nhất ở bậc này trong giai đoạn tới có lẽ là giải pháp để hút giáo viên bộ môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh...
Để thu hút người có trình độ đại học ngành Âm nhạc và Mỹ thuật vào môi trường giáo dục theo quy định thật sự rất khó. Đây rõ ràng là điều cần phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách và cơ chế thì mới giải quyết được" - ông Sỹ đánh giá.
Cô Nguyễn Thị Ái Vân, tổ trưởng tổ Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhìn nhận: Chương trình GDPT mới được xây dựng trên nền tảng tổng quát, có tầm nhìn cho giai đoạn 5-10 năm tới nên rất tốt.
"Thực tế khi dạy chương trình học sinh đã rất hào hứng, các kỹ năng được hình thành tốt hơn, các em được học trong không gian mở hơn, tiếp thu kiến thức, hình thái kỹ năng qua nhiều thể loại diễn đạt, học tập... Từ đó mở ra cho học sinh nhiều góc nhìn về cuộc sống, cảm nhận và thẩm thấu các giá trị của tác phẩm tốt hơn" - cô Vân nói.
Thầy Vũ Tánh Linh, giáo viên bộ môn Tin học cho rằng với môn Tin học đó là một sự giải phóng khi triển khai chương trình GDPT mới. Bởi chương trình 2016 có bộ SGK sử dụng một bộ phần mềm. Nhưng ở chương trình mới nội dung của môn Tin học rất đa dạng, lượng kiến thức đa chiều giúp cả người dạy lẫn người học đều rất hứng thú. Giáo viên muốn dạy tốt thì bản thân cũng phải học và lĩnh hội thêm nhiều phạm trù kiến thức mới.