Chương trình mới giúp học sinh dân tộc năng động và tự tin hơn
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc tại Trường THPT dân tộc nội trú N'Trang Lơng (Đắk Nông).
Chiều 22/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng về thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Thầy cô đồng lòng
Thông tin với đoàn giám sát, cô Đỗ Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng cho biết, trường có 456 học sinh với 14 dân tộc gồm: M’Nông, Mạ, Ê đê, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, H’Mông, Hoa, Cao Lan, Kinh. Riêng khối lớp 10 có 5 lớp học với 169 học sinh. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường là 57 người.
Cô Hà cho biết, Chương trình GDPT 2018 với lớp 10 bước đầu cơ bản bảo đảm mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chương trình được xây dựng theo hướng khái quát, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động, sáng tạo thực hiện trong điều kiện khoa học, công nghệ và xã hội liên tục phát triển, thường xuyên đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục. Chương trình cập nhật kiến thức hiện đại, phù hợp với nhận thức của học sinh.
“Nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Ngay từ hè, ban giám hiệu đã triển khai và yêu cầu giáo viên ở tất cả bộ môn soạn; dạy các tiết mẫu, tổ chức dạy thử nghiệm để ban giám hiệu và đồng nghiệp dự giờ, nhận xét, góp ý, xây dựng thành những tiết học hoàn chỉnh theo phương pháp mới đã được tập huấn. Các tổ chuyên môn tổ chức đánh giá, góp ý giờ dạy để trao đổi kinh nghiệm, phân tích hoạt động của học sinh, đưa ra giải pháp dạy học phù hợp với từng lớp, học sinh”, cô Hà thông tin.
"Các bản sách giáo khoa trình bày đẹp, nội dung bài học được xây dựng theo chủ đề. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên có sự linh hoạt trong lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức dạy theo từng chủ đề cụ thể, ứng với từng tiết học trên lớp. Các chủ đề trong sách giáo khoa, bài dạy, nội dung kiến thức có sự đổi mới rõ rệt, tiếp cận việc hình thành kỹ năng và năng lực phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên sách giáo khoa mới vẫn còn một số bất cập như giá sách vẫn cao đối với hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, cô Hà thẳng thắn chia sẻ.
Cô Hà chia sẻ, với Chương trình GDPT 2018, giáo viên đóng vai trò chủ động, quyết định sự thành công. Do đó sau khi kết thúc các đợt tập huấn của Sở GD&ĐT Đắk Nông, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên soạn giảng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Đến thời điểm hiện tại, trường tiến hành giảng dạy đúng tiến độ, đáp ứng các yêu cầu của chương trình; giáo viên tích cực áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới.
Trên cơ sở số lượng giáo viên hiện có, nhà trường đã bố trí các tổ hợp môn tự chọn cho học sinh đăng ký và xếp lớp. Về cơ bản, nhà trường đã sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy cân đối, phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, do có sự thay đổi các môn học tự chọn dẫn đến tình trạng thừa/thiếu cục bộ nên không thể sắp xếp môn học tự chọn theo nguyện vọng của học sinh.
Học sinh chủ động
Cô Phạm Thị Ngát, giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 10, Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng khẳng định, Chương trình GDPT 2018 có nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở, nhiều tác phẩm văn học mới, đa dạng về nội dung và thể loại… Mỗi tiết học bám sát hoạt động giao tiếp với các kỹ năng đọc, nói, nghe, viết; sách giáo khoa là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy học chứ không phải pháp lệnh,…
Đặc biệt, giáo viên không còn lệ thuộc một ngữ liệu bắt buộc như trước mà có quyền lựa chọn văn bản phù hợp học sinh; được chủ động toàn bộ hoạt động giáo dục theo kế hoạch chuyên môn đã phê duyệt. Tùy vào học sinh, người dạy có thể đi sâu, mở rộng hoặc không dạy một số đơn vị kiến thức, nên không bị áp lực về thời gian, không lo “cháy giáo án” hoặc không hoàn thành bài dạy như chương trình cũ.
“Sự linh hoạt về phương pháp, kỹ thuật dạy học, đa dạng hình thức, phương thức và kết hợp giữa kiểm tra định tính qua hồ sơ học tập, quan sát, nhận xét với kiểm tra định lượng cho điểm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và cuối kỳ, giúp học trò không sợ giờ Văn, biết viết văn, biết diễn đạt ý và giảm lỗi chính tả, dùng từ,…
Tuy nhiên việc chuyển từ phương pháp dạy đọc chép, ghi nhớ sang phương pháp hướng dẫn học sinh, lần đầu tiên chủ động tìm hiểu, cảm nhận và trình bày ý hiểu là việc không dễ và cần thời gian để các em tiếp cận và thích ứng”, cô Ngát bày tỏ.
Tương tự, cô Võ Thị Hoàng Anh, giáo viên môn Vật lý, Tổ trưởng bộ môn Lý-Hóa-Sinh-Âm Nhạc nhận định, chương trình mới phù hợp về mục tiêu, yêu cầu đổi mới nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực cốt lõi cho học sinh. Đội ngũ giáo viên bộ môn đáp ứng tốt, học sinh tự lựa chọn môn học nên phần lớn chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Đặc biệt số môn học ít hơn, học trò có thời gian đầu tư vào các môn theo định hướng nghề nghiệp.
“Chương trình mới giúp học sinh năng động, tích cực, tự tin hơn trong giờ học tập và thực hiện các nhiệm vụ học tập của giáo viên giao”, cô Hoàng Anh nhấn mạnh.
Còn cô Trần Thị Bích Ái, giáo viên dạy môn Sinh học cho rằng, môn Sinh học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. Chương trình mới đã xây dựng được một bức tranh tổng thể về môn học, từ đó kích thích và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 10.
“Dạy học bằng phương pháp tìm tòi, khám phá, giải quyết câu hỏi, bài tập có vấn đề, thiết kế dự án học tập, học sinh được rèn luyện các kỹ năng tiến trình, cách học, cách khai thác sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, từ đó được rèn nhiều năng lực, phẩm chất”, cô Ái nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Chí Nghĩa đánh giá cao sự chuẩn bị của nhà trường cũng như các ý kiến tâm huyết của thầy cô gửi gắm đến đoàn giám sát. Ông Nghĩa cho biết, qua ghi nhận, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đã tiếp cận, triển khai chương trình mới nhanh chóng và đạt được những kết quả bước đầu. Đặc biệt, giáo viên giảng dạy chương trình mới đã nắm chắc vấn đề, chương trình giảng dạy và luôn hết lòng với học sinh.