Chương trình hành động của Tỉnh ủy Nam Định về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Ban TVTU vừa ban hành Chương trình hành động số 49-Ctr/TU, ngày 19/8/2024 về thực hiện Chỉ thị số 37/CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình nhằm đạt mục tiêu tổng quát là đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT; cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho LĐNT.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động, Ban TVTU yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Huy động sự tham gia, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng địa phương. Nghiên cứu, triển khai chương trình, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hóa phổ thông để nâng cao kiến thức văn hóa và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động; xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe, có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
Tăng cường công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho LĐNT, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho LĐNT đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn. Quảng bá, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt sau học nghề.
Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT. Coi trọng thực hành, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình đào tạo. Đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học, phát huy tính chủ động của người học. Đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư vấn nghề; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.