Chương trình 1719: Kỳ tích giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số

Với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống gần 4%. Đây được xem là kỳ tích, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới.

(Ảnh minh họa. Nguồn: PanNature)

(Ảnh minh họa. Nguồn: PanNature)

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là hiệu quả từ nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719), Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống gần 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung kết quả trên là kỳ tích về giảm nghèo, qua đó đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” của thế giới.

Bệ đỡ giúp người dân miền núi thoát nghèo

Từ nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong năm 2024, nhiều địa phương ở tỉnh Hòa Bình đã xây dựng, nhân rộng mô hình sinh kế bền vững với hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Đơn cử tại xã Thành Sơn (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), nhờ triển khai mô hình phát triển nuôi bò vỗ béo, sinh sản kết hợp với kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân đã cải thiện rõ rệt.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Thành Sơn Ngần Văn Diễn, cho biết Thành Sơn là một xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình, chủ yếu là dân tộc Thái chiếm 60,7% và dân tộc Mường chiếm 31%, còn lại các dân tộc khác. Tập quán canh tác của nhân dân là sản xuất trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, nên nhiều hộ kinh tế rất khó khăn.

“Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2024, xã Thành Sơn đã được hỗ trợ về sản xuất và chúng tôi tập trung vào chủ yếu vào chăn nuôi đại gia súc như nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản giống địa phương,” ông Diễn nói và cho biết dù mới triển khai mô hình được gần 1 năm, nhưng đến nay bò đang phát triển tương đối tốt và hiệu quả.

Thậm chí, theo chia sẻ của ông Diễn, có một số hộ gia đình mới mang về được vài tháng - bò đã đẻ con, có sản phẩm luôn, nên bà con rất phấn khởi.

 Xã Thành Sơn (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) từ một xã nghèo đã phát triển rất nhanh, đời sống đồng bào cơ bản được đổi thay. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Xã Thành Sơn (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) từ một xã nghèo đã phát triển rất nhanh, đời sống đồng bào cơ bản được đổi thay. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nở nụ cười vui sướng khi đời sống của người dân địa phương đang ngày tốt hơn, ông Diễn cho biết đến nay, trên địa bàn xã đã có 79 hộ được hưởng Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719. Trong năm 2025, xã Thành Sơn sẽ tiếp tục triển khai chương trình vì mô hình phát triển nuôi bò vỗ béo, sinh sản đang rất hiệu quả và thực sự người dân được hỗ trợ cũng rất hạnh phúc.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh đây là chương trình rất nhân văn, hướng tới thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống phúc lợi của người dân. Mục tiêu lớn nhất là đem lại hạnh phúc và sự công bằng cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Điều đáng mừng là sau một thời gian ngắn triển khai chương trình ý nghĩa, nhân văn trên, với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống gần 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, các dự án, tiểu dự án và nội dung chính sách của Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 cũng đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo trên địa bàn. Đây là kỳ tích, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới.

Cần tầm nhìn rộng hơn với tâm thế vì người dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, việc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia vẫn còn một số khó khăn, thách thức.

Đơn cử như một số nội dung thuộc chương trình triển khai còn chậm; kết quả giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; trong quá trình triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, nhiều địa phương còn lúng túng...

Từ những khó trên, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho rằng cần tìm cách tháo gỡ những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 và các chính sách dân tộc, tôn giáo nói chung; đề xuất các giải pháp, định hướng thiết thực, phù hợp để nâng cao hiệu quả thực hiện.

 Hoạt động thăm khám miễn phí cho người dân ở xã Thành Sơn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hoạt động thăm khám miễn phí cho người dân ở xã Thành Sơn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đó, có 3 chỉ tiêu quan trọng mà ông Dung nhấn mạnh cần tập trung giải quyết. Thứ nhất là vấn đề về đất đai hiện nay vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là vấn đề hạ tầng cứng (giao thông, điện, nước…) và hạ tầng mềm (giáo dục, y tế, công nghệ thông tin) cần cải thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Thứ ba là cần có chiến lược để đạt được mục tiêu xóa nghèo bền vững.

“Dù chúng ta có nguồn lực tài chính dồi dào, nhưng việc triển khai các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần phải thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn để thực hiện chương trình một cách hiệu quả hơn,” ông Dung lưu ý.

Đối với mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030, ông Dung đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như giáo dục, y tế, nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể về công tác giáo dục, ông Dung cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần mở rộng chính sách miễn học phí cho học sinh, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học miền núi và xây dựng nhà ở miễn phí cho giáo viên ở những khu vực khó khăn.

Về y tế, cần chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số như miễn phí toàn bộ dịch vụ khám chữa bệnh; cũng như nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Đối với vấn đề về nhà ở cho người nghèo và gia đình chính sách, lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thiện 1 triệu căn nhà và xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát. Riêng trong năm 2025, cả nước phải hoàn thành việc xây dựng 400.000 căn nhà cho các hộ khó khăn.

Đặc biệt, người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương nhấn mạnh cần phải đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam không còn hộ nghèo. “Đây là mục tiêu khó khăn nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta tập trung vào các chương trình giảm nghèo bền vững,” ông Dung nhận định.

Ngoài ra, tư duy thực hiện cũng cần phải đổi mới, bởi sức mạnh không chỉ đến từ nguồn lực tài chính mà còn từ tư duy sáng tạo và cách thức tham mưu đúng đắn. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tư duy đột phá trong công tác lãnh đạo để tạo ra những bước tiến vượt bậc trong công tác dân tộc, tôn giáo.

Với tinh thần đó, người đứng Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhấn mạnh rằng cần phải có quyết tâm chính trị cao hơn, tầm nhìn rộng hơn, hành động có hiệu quả hơn, tạo những thay đổi cơ bản, tạo chuyển động thực sự cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 trong thời gian tới, với tâm thế vì người dân./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuong-trinh-1719-ky-tich-giam-ngheo-o-vung-dan-toc-thieu-so-post1026830.vnp
Zalo