Chương trình 1719 - Động lực mới cho phát triển bền vững ở tỉnh Quảng Nam
Để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy phát triển bền vững, tỉnh Quảng Nam đã triển khai tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh có 70 xã và 230 thôn được hưởng các chính sách hỗ trợ từ chương trình này. Dự án 1, trọng điểm của chương trình, tập trung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số, giúp giảm nghèo và tạo sinh kế bền vững.
Quảng Nam là một tỉnh thuộc miền Trung, trải dài từ bờ biển Đông đến dãy Trường Sơn hùng vĩ, giáp nước bạn Lào. Với diện tích khoảng 10.438 km² và đường bờ biển dài hơn 125 km, tỉnh có địa hình đa dạng từ đồng bằng, trung du đến đồi núi. Điều này mang lại nhiều lợi thế cho Quảng Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, sự đa dạng địa hình cũng đặt ra thách thức trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công ở vùng sâu, vùng xa nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 18 huyện, thị xã và thành phố, trong đó vùng miền núi tỉnh Quảng Nam là địa bàn cư trú của các thành phần dân tộc thiểu số từ lâu đời, bao gồm dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Ca Dong, Giẻ Triêng và Co, tập trung ở 6 huyện vùng cao Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My,… Chính sự đa dạng văn hóa ấy đã tạo nên bản sắc đặc trưng cho tỉnh nhưng cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Các cộng đồng dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi, nơi tỷ lệ hộ nghèo cao và điều kiện sống còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, các huyện miền núi chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt như mưa kéo dài gây lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, khiến cuộc sống của người dân càng khó khăn.
Năm 1997, khi mới chia tách tỉnh, miền núi Quảng Nam có 101 xã miền núi, phân định theo 3 khu vực theo trình độ phát triển gồm khu vực I (12 xã), khu vực II (38 xã) và khu vực III (51 xã); dân số toàn tỉnh 1.376.530 người; trong đó, dân tộc thiểu số 88.719 người gồm dân tộc Cơ Tu 38.546 người, Xê Đăng 27.777 người, Giẻ Triêng 16.777, Cor 4.434 người… Cơ sở hạ tầng khi mới chia tách rất thấp kém; về giao thông trên 50% số xã miền núi chưa có đường cho xe máy đến được trung tâm xã, hầu hết trường học thôn tạm bợ, tranh tre, nứa lá, 50% trường học xã thuộc diện bán kiên cố, mái tôn, tường ván, về công trình nước sạch, thủy lợi tuy có xây dựng nhưng chỉ ở một số xã vùng thấp nơi có điều kiện đi lại, còn ở vùng cao hầu như chưa có…
Với tinh thần đổi mới, công tác dân tộc thời kỳ này từng bước hòa nhập vào công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội với một nhịp độ phát triển mới của đất nước, cơ quan công tác dân tộc tiếp tục được kiện toàn theo Nghị định số 11/CP ngày 20/3/1993, Nghị định số 59/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998, Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 và Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/2/2004 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan công tác dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, nhằm hoàn thiện bộ máy công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng thành Quyết định số 72/QĐ-HĐBT ngày 13/3/1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Hai văn kiện này đã mở đường cho sự đổi mới công tác dân tộc.
Hội nghị Trung ương 7 khóa IX của Đảng đã ra Nghị quyết về công tác dân tộc với chủ trương, quan điểm phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Nam đã ban hành hai nghị quyết về miền núi; theo đó, các chương trình hành động về miền núi cũng được triển khai sâu rộng đến địa bàn thôn, xã. Tháng 1/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; hầu hết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống đều thuộc về tỉnh Quảng Nam, nơi đây cũng là vùng còn nhiều khó khăn, nghèo đói, cơ sở hạ tầng yếu kém, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tự cung tự cấp còn phổ biến… Trước tình hình đó, dựa vào chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành một số Nghị quyết; trong đó nổi bật là Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/10/2002 về một số chủ trương và giải pháp trọng tâm về dân tộc và miền núi giai đoạn 2002 - 2007 để định hướng cho chiến lược phát triển miền núi Quảng Nam sau khi mới tái lập tỉnh.
Đến nay, Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, tỉnh đã có những thay đổi, huyện lỵ Tam Kỳ đã trở thành thành phố loại 3; đặc biệt ở các khu kinh tế trọng điểm như Khu Kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp Tam Thăng, Điện Nam - Điện Ngọc, đóng góp lớn vào GDP của tỉnh và tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngành du lịch cũng là mũi nhọn phát triển, với các điểm đến nổi tiếng như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, các huyện miền núi vẫn còn tụt hậu so với khu vực đồng bằng và ven biển, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, tạo nên sự mất cân đối trong phát triển giữa các khu vực.
Để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy phát triển bền vững, Quảng Nam đã triển khai tích cực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025 (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh có 70 xã và 230 thôn được hưởng các chính sách hỗ trợ từ chương trình này. Dự án 1, trọng điểm của chương trình, tập trung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số, giúp giảm nghèo và tạo sinh kế bền vững, đặt nền tảng cho việc xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, Trung ương đã phân bổ cho Quảng Nam hơn 1.200 tỷ đồng để thực hiện chương trình, bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Sau gần bốn năm triển khai, tỉnh đã lồng ghép các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như nhựa hóa và bê tông hóa 51 tuyến giao thông, xây dựng và nâng cấp 10 công trình thủy lợi và điện, 56 công trình giáo dục, 23 công trình văn hóa, cùng nhiều dự án bảo tồn giá trị văn hóa gắn với du lịch.
Dự kiến với nguồn vốn chuyển từ năm 2023 và nguồn vốn năm 2024, Quảng Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình 1719. Mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn và giảm ít nhất 3% số hộ nghèo mỗi năm, từ đó nâng cao đời sống và ổn định kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh.
Sau 3 năm triển khai, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Dự án 1. Những văn bản này bao gồm các quyết định, chỉ thị và hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ hiệu quả nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho người dân, đảm bảo việc thực hiện chính sách ở cấp huyện được đồng bộ và kịp thời.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam đã đạt những kết quả đáng kể trong giải ngân và thực hiện Dự án 1. Tỷ lệ giải ngân vốn đạt cao so với kế hoạch, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua thống kê, hàng trăm hộ đã được cấp đất ở và đất sản xuất, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Đặc biệt, các huyện miền núi như Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang đã triển khai dự án hiệu quả, hỗ trợ đất ở cho hàng chục hộ dân và phát triển các mô hình nông nghiệp giúp bà con có sinh kế lâu dài.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã có những sáng kiến riêng, hỗ trợ các mô hình canh tác phù hợp với địa hình và văn hóa của từng dân tộc, góp phần vào thành công chung của Dự án 1.
Quảng Nam cũng tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn về vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt cho nguồn vốn năm 2024. Mục tiêu của tỉnh là giảm tối thiểu 3% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai Dự án 1 không chỉ dừng lại ở việc cấp đất sản xuất mà còn cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật giúp người dân chuyển sang mô hình nông nghiệp hiện đại, tối ưu hóa lợi nhuận từ đất sản xuất.
Đến nay, Chương trình 1719 đã có những tác động tích cực, giúp người dân vùng cao cải thiện đời sống, tăng cường cơ sở hạ tầng và hình thành các mô hình kinh tế bền vững. Những khu vực được hỗ trợ đã dần phát triển các mô hình kinh tế điển hình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống tại địa phương.
Mặc dù, đã đạt được nhiều thành tựu, Quảng Nam gặp phải không ít thách thức khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, đặc biệt là trong Dự án 1 về hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các khó khăn này chủ yếu bắt nguồn từ đặc thù địa lý, giới hạn nguồn lực và các thủ tục hành chính phức tạp, trong đó có một số vấn đề cần quan tâm như:
Thứ nhất, Quỹ đất vẫn là trở ngại lớn nhất trong việc bố trí đất ở và đất sản xuất cho người dân miền núi. Diện tích đất sản xuất tại các huyện miền núi rất hạn chế do phần lớn diện tích đất đã là rừng hoặc thuộc quỹ đất bảo tồn, không thể chuyển đổi sang mục đích canh tác. Địa hình miền núi với nhiều đồi dốc cũng gây khó khăn trong việc tìm kiếm những khu vực đất bằng phẳng và phù hợp cho sản xuất. Nhiều hộ gia đình mong muốn có đất để canh tác, nhưng gặp trở ngại trong việc tiếp cận những mảnh đất có vị trí thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.
Thứ hai, tài chính cũng là một trở ngại lớn cho chương trình. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực huy động và phân bổ nguồn vốn, nhu cầu thực tế cao và những yếu tố phát sinh khiến một số giai đoạn vẫn gặp tình trạng thiếu vốn. Việc giải ngân từ Trung ương không phải lúc nào cũng kịp thời, đôi khi chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hạng mục như cấp đất, xây dựng nhà ở cho người dân. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, các chi phí phát sinh từ giao thông vận tải và điều kiện thi công khó khăn tại các khu vực xa xôi cũng gây áp lực lớn lên ngân sách dự án.
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục hành chính cũng là những vướng mắc đáng kể. Lịch sử sử dụng đất phức tạp ở một số khu vực miền núi dẫn đến các tranh chấp quyền sở hữu và khó khăn trong việc xác minh quyền sử dụng đất rõ ràng, gây mất thời gian và chậm trễ trong cấp quyền cho người dân. Thêm vào đó, các thủ tục hành chính như cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn phức tạp và kéo dài. Điều này khiến cho một số huyện gặp nhiều trở ngại trong quá trình cấp đất cho các hộ dân.
Thứ tư, thiếu nhân lực là vấn đề nổi cộm ở các huyện miền núi, nơi lực lượng cán bộ còn thiếu, trình độ chưa đồng đều và năng lực hạn chế. Đặc biệt, việc triển khai các chính sách và hoạt động hỗ trợ đòi hỏi đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nhưng nhân lực không đủ dẫn đến chất lượng công việc không đồng đều, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình. Các cán bộ hiện có phải đảm nhận nhiều công việc, từ điều phối quỹ đất đến quản lý dự án, dẫn đến quá tải và giảm hiệu quả công tác.
Nhìn chung, những khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 không chỉ là thách thức về nguồn lực mà còn đòi hỏi sự nỗ lực trong quản lý và điều phối từ tỉnh. Việc tối ưu hóa quỹ đất, cải thiện cơ chế giải ngân và đơn giản hóa thủ tục hành chính là các bước quan trọng để đảm bảo tiến độ và chất lượng của chương trình trong giai đoạn tới.
Việc triển khai Dự án 1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 thể hiện nỗ lực kiên trì và quyết tâm của tỉnh Quảng Nam trong việc nâng cao điều kiện sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, bất chấp những thách thức không nhỏ về quỹ đất, hạn chế tài chính và các thủ tục hành chính phức tạp. Sự kiên định và sáng tạo của tỉnh trong việc tiếp cận đất ở, đất sản xuất cho người dân đã góp phần cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình tại những khu vực khó khăn nhất.
Những kết quả đạt được không chỉ minh chứng cho quyết tâm của tỉnh mà còn là tiền đề quan trọng cho các bước phát triển bền vững, hướng tới thu hẹp khoảng cách về đời sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số và các khu vực phát triển hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu toàn diện và dài hạn của Chương trình 1719, Quảng Nam rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương và sự hợp tác đồng bộ từ các cấp ngành, cùng những chính sách linh hoạt và kịp thời.
Dù còn nhiều thử thách, nhưng với nền tảng hiện có, Quảng Nam có đầy đủ tiềm năng để biến những khó khăn thành động lực, biến thách thức thành cơ hội, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên những thay đổi sâu rộng và bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.