Chuôn Ngọ giữ lửa nghề khảm trai: Hành trình bền vững giữa thử thách thời đại số

Nổi tiếng với những sản phẩm khảm trai tinh xảo, làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Nội) không chỉ là cái nôi của nghề truyền thống mà còn là minh chứng cho nỗ lực giữ gìn văn hóa giữa thời đại số. Trước những thách thức về nhân lực, thị trường và công nghệ, người dân nơi đây đang tìm cách để vừa bảo tồn nghề tổ, vừa thích ứng với nhu cầu thời đại.

Chuôn Ngọ - Cái nôi của khảm trai Việt Nam

 Một số sản phẩm khảm trai được trưng bày ở Hợp tác xã - Ảnh: Hiền Lành

Một số sản phẩm khảm trai được trưng bày ở Hợp tác xã - Ảnh: Hiền Lành

Theo ghi chép của làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai nơi đây bắt đầu hình thành và phát triển vào khoảng thế kỷ XI - XVI (thời vua Lý Nhân Tông) với ông tổ nghề khảm là ngài Trương Công Thành. Năm 1099, trước khi mất, ngài đã truyền nghề khảm trai cho người dân thôn Ngọ.

Từ đó, nghề khảm trai phát triển và được truyền rộng ra nhiều làng trong xã Chuyên Mỹ cũng như một số vùng khác, hình thành nên làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, nơi gắn bó với nghệ thuật khảm trai – một nghề thủ công tinh xảo đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ bậc nhất.

Khảm trai Chuôn Ngọ không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của Việt Nam, được biết đến với những sản phẩm trang trí có giá trị cao như đồ gỗ mỹ nghệ, bàn thờ, cửa gỗ, tranh ảnh, hộp, đĩa, khay... Mỗi sản phẩm khảm trai không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng sự kỳ công và tâm huyết của người thợ.

Thách thức trong quá trình phát triển

Dù có bề dày lịch sử và danh tiếng nhất định, khảm trai Chuôn Ngọ vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng.

“Khó khăn chứ, nhóm khách của sản phẩm khảm trai khá đặc thù và khó tiếp cận khách hàng, từ lúc sau dịch tới giờ thì đầu ra càng ít dần. Giá của sản phẩm cũng không thấp như những sản phẩm gỗ CNC nên cũng kén người mua hơn”, chị Mai Hoa, chủ cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ Huân Hoa Hào chia sẻ.

 Vỏ trai nguyên liệu thô sau khi làm sạch và cắt gọt lần đầu - Ảnh: Hiền Lành

Vỏ trai nguyên liệu thô sau khi làm sạch và cắt gọt lần đầu - Ảnh: Hiền Lành

Trước đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất trong làng từng tiếp cận được thị trường châu Âu. Thế nhưng, sau dịch, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều trở ngại.

“Thời gian hoàn thiện 1 sản phẩm cũng tùy, một bức tranh to thì cũng mất tầm 30 đến 35 ngày, còn như một cái đĩa hay khay trà thì cũng 1 tuần hoặc 10 ngày. Toàn bộ là phải làm bằng thủ công, không cho máy móc vào nên thời gian cũng mất khá nhiều nên cũng mong là những sản phẩm này cũng tạo lòng tin cho mọi người để khỏi mai một nghề”, nghệ nhân Nguyễn Thị Khách chia sẻ.

Không chỉ đối diện bài toán đầu ra, làng nghề còn đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ – một vấn đề chung của nhiều làng nghề truyền thống.

“Thợ thì càng ngày càng ít đi, người trẻ chạy theo công nghệ nên những người kế thừa nghề truyền thống của gia đình cũng ít dần, các bạn trẻ không còn hứng thú với những công việc yêu cầu sự tỉ mỉ cao và mất nhiều thời gian như đồ mỹ nghệ này”, chị Mai Hoa cho biết.

Nghề khảm trai vốn yêu cầu sự kiên nhẫn, khéo léo và thời gian rèn luyện dài. Với xu hướng nghề nghiệp hiện nay, giới trẻ khó tìm thấy cơ hội phát triển bền vững từ nghề thủ công, dẫn đến tình trạng “già hóa” lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, yếu tố môi trường cũng là rào cản lớn. Việc khai thác nguyên liệu phục vụ cho nghề khảm trai – đặc biệt là vỏ trai, sò – ngày càng khó khăn và đắt đỏ, đồng thời gây tác động tiêu cực tới hệ sinh thái biển.

Giữ lửa cho nghề khảm

 Quá trình cắt gọt mảnh vỏ trai thành họa tiết khảm lên gỗ - Ảnh: Hiền Lành

Quá trình cắt gọt mảnh vỏ trai thành họa tiết khảm lên gỗ - Ảnh: Hiền Lành

Trước những thách thức đó, địa phương và người dân Chuôn Ngọ đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống làng nghề khảm trai.

Chẳng hạn như chính quyền địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh. Đến năm 2024, Hợp tác xã Chuyên Mỹ được thành lập nhằm tập hợp các hộ sản xuất, tổ chức trưng bày sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động quảng bá.

Ông Nguyễn Văn Thông – Phó chủ tịch Hợp tác xã cho biết: “Hiện nay chính quyền đang đầu tư và mở rộng Hợp tác xã. Ở đây, tất cả những mặt hàng của các hộ gia đình được tập hợp và trưng bày, khi khách tham quan vào đây thì sẽ xem được hết, đỡ phải đi loanh quanh trong làng mà không biết vào nhà nào để xem hàng”.

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ là rất quan trọng. Chính quyền cũng hỗ trợ quảng bá hiệu quả, đặc biệt thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm và truyền thông trên mạng xã hội nhằm tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tại Hợp tác xã, các buổi hướng dẫn livestream (phát trực tiếp) giúp các hộ kinh doanh quảng bá sản phẩm trực tiếp tới khách hàng tiềm năng thông qua mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề.

 Chính quyền địa phương rất tích cực trong việc bảo vệ nghề truyền thống Khảm trai Chuôn Ngọ - Ảnh: Hiền Lành

Chính quyền địa phương rất tích cực trong việc bảo vệ nghề truyền thống Khảm trai Chuôn Ngọ - Ảnh: Hiền Lành

Nhờ những thay đổi này, nhiều người trẻ đã bắt đầu quay lại với nghề, học hỏi và tiếp nối truyền thống gia đình – dấu hiệu tích cực cho sự hồi sinh của làng nghề.

Khảm trai Chuôn Ngọ là một phần không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Dù trải qua nhiều thăng trầm, những nghệ nhân nơi đây vẫn ngày ngày miệt mài cống hiến, từng nét khảm, từng sản phẩm đều mang theo cả tinh hoa và tâm huyết.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, việc kết hợp giữa bảo tồn truyền thống với thích ứng hiện đại là chìa khóa để khảm trai Chuôn Ngọ tiếp tục sống, không chỉ trong bảo tàng ký ức, mà cả trên thị trường và trong đời sống đương đại.

Hiền Lành

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuon-ngo-giu-lua-nghe-kham-trai-hanh-trinh-ben-vung-giua-thu-thach-thoi-dai-so-post341711.html
Zalo