Chuối, dứa, dừa, chanh dây 'vươn mình' thành nông sản tỷ đô
Sáng 18/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã tổ chức Diễn đàn 'Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa'. Sự kiện nhằm tìm kiếm giải pháp toàn diện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu cho các loại trái cây nhiệt đới chủ lực.

Quang cảnh diễn đàn.
Thách thức của ngành hàng tỷ đô
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam cho biết, cây ăn quả đang ngày càng khẳng định vai trò động lực trong tăng trưởng nông nghiệp. Năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,28 triệu ha, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, ngành hàng này đang đối mặt với thách thức lớn về sự phát triển bền vững. Dù có hơn 50 loại cây ăn quả, đến nay mới chỉ có sầu riêng vươn lên thành mặt hàng "tỷ đô" với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024. Trong khi đó, thanh long từng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và đã liên tục sụt giảm, chỉ còn hơn 534 triệu USD vào năm 2024.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.
Đặc biệt, bối cảnh 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, mặt hàng sầu riêng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả bị giảm sau 2 năm tăng trưởng cao liên tiếp. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải định vị lại lợi thế cạnh tranh, tìm kiếm những trụ cột tăng trưởng mới.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Phát triển sản phẩm quốc gia không thể thiếu vai trò của vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến và thương hiệu. Trái cây Việt Nam có cơ hội vươn xa nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và chinh phục thị trường bằng chất lượng, minh bạch và sự chuyên nghiệp”.
ThS. Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II cho rằng, không thể tiếp cận thị trường quốc tế bằng tư duy bán trái tươi giá rẻ. “Bộ NN&MT đã xác định rõ lộ trình phát triển chuyên biệt cho từng nhóm cây trồng theo hướng chuẩn hóa vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và chinh phục các thị trường khó tính”, ThS. Ngô Quốc Tuấn nói.
Đặc biệt, theo ThS. Ngô Quốc Tuấn, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, khi mặt hàng sầu riêng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giảm tăng trưởng so với cùng kỳ, dẫn tới xuất khẩu rau quả bị giảm sau 2 năm liên tục tăng trưởng cao lại càng thôi thúc ngành hàng rau quả Việt Nam cần phải định vị lại lợi thế cạnh tranh của các nhóm mặt hàng, nhất là các mặt hàng có nhiều lợi thế, đang trên đà tăng trưởng, tiệm cận đạt và vượt cột mốc tỷ đô la Mỹ như chuối, dứa, dừa và chanh dây.

Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, phát biểu tại diễn đàn.
Bộ tứ "tiệm cận tỷ đô"
Theo Bộ NN&MT, chuối, dứa, dừa và chanh dây được xác định là những đại diện tiêu biểu, hội tụ đủ lợi thế tự nhiên, giá trị kinh tế và tiềm năng thị trường để trở thành những động lực tăng trưởng mới.
Về chuối, tính đến tháng 6/2025, Việt Nam có khoảng 161,1 nghìn ha chuối với năng suất bình quân 207 tạ/ha. Năm 2024, giá trị xuất khẩu chuối đạt 380 triệu USD, chiếm 2,5% thị phần toàn cầu (15,3 tỷ USD). Việt Nam hiện đứng thứ 9 thế giới về xuất khẩu và thứ 4 về tốc độ tăng trưởng, sau Ấn Độ, Colombia và Mexico. Sản phẩm chuối đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ...
Về dừa, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu dừa lớn thứ 4 tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 trên thế giới, với diện tích hơn 202 nghìn ha và sản lượng trên 2,28 triệu tấn/năm. Năm 2024, dừa và các sản phẩm từ dừa đã chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ đô khi đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD (riêng dừa tươi đạt 391 triệu USD). Thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng sang EU, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc... bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc.
Về dứa, cả nước hiện có hơn 52,5 nghìn ha dứa. Dự kiến sản lượng sẽ đạt 807.000 tấn vào năm 2026 (tăng từ 726.000 tấn năm 2021), với tốc độ tăng trưởng trung bình 1,8%/năm. Với dự báo thị trường dứa toàn cầu có thể đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2028, tiềm năng cho dứa Việt Nam tại các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản là rất lớn.
Cuối cùng là chanh dây, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn nhất thế giới, với hơn 12 nghìn ha và sản lượng trên 200 nghìn tấn/năm. Khoảng 70 - 80% sản lượng được xuất khẩu đến hơn 20 thị trường. Năm 2024, xuất khẩu chanh dây đạt 172 triệu USD. Đặc biệt, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch đã đạt 89,5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Ngành nông nghiệp tìm động lực tăng trưởng mới cho ngành trái cây xuất khẩu "tỷ đô" như chuối, dứa, dừa, chanh dây.
Ngoài ra, trong tổng thể Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2030, Bộ Bộ NN&MT cũng đã định hướng phát triển chuối, dứa, dừa và chanh dây, đồng thời vạch ra lộ trình phát triển cụ thể cho từng nhóm cây trồng chủ lực đến năm 2030.
Cụ thể, cây chuối sẽ được duy trì diện tích 165.000 - 175.000 ha, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, đẩy mạnh chế biến sâu và xây dựng thương hiệu quốc gia để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn. Cây dứa tiếp tục duy trì 55.000 - 60.000 ha, nâng cao năng suất nhờ trồng rải vụ, đầu tư chế biến và tận dụng EVFTA để mở rộng xuất khẩu.
Đối với cây dừa, ổn định trong khoảng 195.000 - 210.000 ha, khuyến khích trồng xen, nuôi xen nhằm tăng giá trị, đồng thời phát triển các sản phẩm chế biến như nước dừa đóng lon, dầu tinh luyện và mỹ phẩm kết hợp với du lịch sinh thái. Chanh dây sẽ được mở rộng lên 12.000 - 15.000 ha với trọng tâm là giống kháng bệnh và chất lượng cao, hướng đến các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ngành trái cây cần được tái cấu trúc toàn diện nhằm hội nhập vào hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững. Điều này bao gồm quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung gắn với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến; cải tiến giống cây trồng, kỹ thuật canh tác và giảm chi phí đầu vào; nâng cấp hệ thống chế biến và logistics nông sản; phát triển thương hiệu gắn với xúc tiến thương mại và mở rộng xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại chuỗi liên kết, nâng cao vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp đầu chuỗi, đồng thời đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường quốc tế.