Meta lại tuyển thêm 2 nhân tài AI của Apple
Vừa thành công tuyển dụng được nhân sự cấp cao Apple chưa lâu, Meta lại có thêm 2 nhân tài của nhà Táo. Điều này khiến cuộc đua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nóng lên khi các ông lớn công nghệ không chỉ cạnh tranh về sản phẩm mà còn bước vào một cuộc săn nhân tài khốc liệt.
Không lâu sau khi lôi kéo được kỹ sư Ruoming Pang – trưởng nhóm ngôn ngữ lớn của Apple với mức đãi ngộ lên đến hàng trăm triệu USD thì mới đây, Meta Platforms tiếp tục gây chú ý khi chiêu mộ thành công hai nhà nghiên cứu AI kỳ cựu từng làm việc tại Apple.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, hai cái tên mới gia nhập Meta là Mark Lee và Tom Gunter, những nhân vật chủ chốt trong nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Apple. Cả hai sẽ đầu quân cho Superintelligence Labs, một đơn vị mới được Meta thành lập với mục tiêu phát triển siêu trí tuệ cá nhân. Trong đó, Mark Lee đã chính thức bắt đầu công việc tại Meta, còn Tom Gunter sẽ gia nhập trong thời gian tới.
Điểm đáng chú ý là cả hai đều từng sát cánh với kỹ sư Ruoming Pang. Mark Lee thậm chí là người đầu tiên được Pang tuyển dụng khi bắt đầu thành lập nhóm nghiên cứu AI tại Apple, trong khi Gunter là một kỹ sư kỳ cựu, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nhóm.

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, coi AI là ưu tiên hàng đầu của công ty, chi mạnh tay cho nhân tài và trung tâm dữ liệu nhằm theo kịp các đối thủ như OpenAI, Google - Ảnh: Bloomberg.
Sự ra đi liên tiếp của những nhân sự trụ cột cho thấy dấu hiệu bất ổn bên trong đội ngũ phát triển AI của Apple, đặc biệt là tại Apple Foundation Models (AFM). Đây vốn là bộ phận đang chịu trách nhiệm xây dựng nền tảng AI tạo sinh cho các sản phẩm của công ty, bao gồm cả Siri và hệ thống Apple Intelligence.
Hiện tại, các lãnh đạo cấp cao phụ trách AI của Apple, bao gồm Phó chủ tịch John Giannandrea, Giám đốc nghiên cứu Daphne Luong và hai lãnh đạo phần mềm Mike Rockwell cùng Craig Federighi, đang cùng nhau rà soát lại chiến lược AI của công ty. Trong đó có phương án cân nhắc sử dụng mô hình AI từ bên thứ ba như ChatGPT của OpenAI hoặc Claude của Anthropic thay vì tiếp tục phát triển độc lập nền tảng nội bộ.
Apple cũng đang phát triển song song hai phiên bản Siri mới. Một phiên bản sử dụng AI nội bộ và phiên bản còn lại dựa trên công nghệ đối tác. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trước khi phiên bản Siri nâng cấp chính thức ra mắt vào mùa Xuân năm sau.
Trong bối cảnh đó, Meta đã nhanh chóng tận dụng sự dao động trong chiến lược của Apple để tiếp cận và lôi kéo nhân tài bằng những lời đề nghị hấp dẫn. Theo nguồn tin ban đầu, mức đãi ngộ mà Meta đưa ra có thể cao gấp nhiều lần so với những gì Apple trả cho các kỹ sư AFM. Mặc dù Apple đã phải tăng lương cho khoảng 100 kỹ sư AI nhằm giữ chân nhân sự nhưng vẫn khó có thể cạnh tranh nổi với phía Meta.
Mark Zuckerberg - CEO Meta, đang cho thấy quyết tâm lớn trong việc đưa công ty trở thành một thế lực dẫn đầu trong kỷ nguyên AI. Ông tuyên bố công ty sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng điện toán để xây dựng "siêu trí tuệ”, thuật ngữ chỉ những hệ thống AI có khả năng vượt trội so với con người trong nhiều lĩnh vực.
Không chỉ mạnh tay xuống tiền, Zuckerberg còn đích thân tham gia vào quá trình chiêu mộ, thường xuyên tổ chức gặp gỡ trực tiếp tại nhà riêng ở Thung lũng Silicon và hồ Tahoe, cũng như chủ động liên hệ với các ứng viên tiềm năng. Một số thương vụ đáng chú ý gần đây có thể kể đến như Alexandr Wang (Scale AI), Daniel Gross (startup AI), Nat Friedman (cựu CEO GitHub), cùng nhiều nhà nghiên cứu từ OpenAI và Anthropic như Yuanzhi Li và Anton Bakhtin.
Đầu tháng 6 vừa qua, Meta đã tiến hành tái cấu trúc các nhóm AI. Phần lớn ngân sách dự kiến hàng chục tỷ USD của công ty trong năm nay sẽ được phân bổ cho hạ tầng kỹ thuật như trung tâm dữ liệu và chip xử lý.
Bên cạnh đó, Meta cũng đang xây dựng hệ thống hạ tầng khổng lồ để phục vụ tham vọng AI dài hạn. Trung tâm dữ liệu đầu tiên với công suất đa gigawatt mang tên Prometheus dự kiến sẽ vận hành vào năm 2026, trong khi trung tâm Hyperion sẽ có khả năng mở rộng lên tới 5 gigawatt trong những năm tiếp theo.
Mark Zuckerberg tiết lộ, công ty còn đang xây dựng thêm nhiều cụm siêu máy tính Titan, trong đó có một cụm chiếm diện tích tương đương một phần quận Manhattan, vốn biểu tượng của kinh tế và công nghệ của thành phố New York.
Trang SemiAnalysis thậm chí nhận định rằng, Meta đang trên đà trở thành phòng thí nghiệm AI đầu tiên đưa vào vận hành cụm siêu máy tính có công suất hơn 1 gigawatt, một cột mốc đáng kể trong ngành điện toán.
Việc Meta liên tiếp chiêu dụng nhân tài từ Apple không chỉ là cuộc đối đầu cá nhân giữa hai công ty mà còn là dấu hiệu cho thấy sự chuyển động sâu rộng trong ngành công nghệ toàn cầu. Dù từng chậm chân hơn các đối thủ như OpenAI hay Google, nhưng với chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào cả nhân lực lẫn hạ tầng, Meta đang cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ và sẵn sàng cạnh tranh ở tầm cao mới. Trong khi đó, Apple cũng sẽ phải đưa ra lựa chọn chiến lược rõ ràng nếu không muốn tiếp tục mất đi những nhân sự cốt lõi.