Chuỗi chương trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp
Bộ Công Thương và UNDP phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trong khuôn khổ Dự án 'Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp', nhằm chuẩn bị cho làn sóng tiêu dùng xanh và các tiêu chuẩn môi trường khắt khe từ thị trường toàn cầu.

Đại diện doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn. Ảnh: UNDP
Từ ngày 14 đến 18/7 tại TP HCM, chuỗi chương trình đào tạo trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp” (ACE-Biz) đã diễn ra với hơn 100 đại biểu tham dự. Dự án do Bộ Công Thương phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện, được tài trợ bởi Chính phủ Hà Lan.
Chương trình gồm một khóa đào tạo cơ bản về kinh tế tuần hoàn và hai khóa chuyên sâu dành riêng cho lĩnh vực nhựa (15–16/7) và dệt may (17–18/7). Hình thức học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia đến từ Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion (Hà Lan), UNDP Việt Nam, Viện Kinh tế tuần hoàn (ICED), cùng đại diện từ các hiệp hội, tổ chức tư vấn và doanh nghiệp sản xuất tiên phong tại Việt Nam.
“Kinh tế tuần hoàn không còn là một khái niệm của tương lai, mà là một yêu cầu cấp thiết trong hiện tại,” ông Patrick Haverman, Phó rưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh tại lễ khai mạc.
Theo ông Haverman, trong bối cảnh người tiêu dùng quan tâm đến tính bền vững và chuỗi cung ứng toàn cầu siết chặt tiêu chuẩn môi trường, mô hình tuần hoàn chính là “cơ hội đổi mới, tiết kiệm chi phí và tạo khác biệt trên thị trường.” Ông khẳng định: “Đối với doanh nghiệp, tuần hoàn không chỉ là trách nhiệm mà còn là khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng.”
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương, nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với áp lực lớn trong việc tuân thủ các yêu cầu sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả và đáp ứng tiêu chuẩn xanh từ thị trường quốc tế.
“Việc áp dụng các mô hình bền vững, tuần hoàn đem lại các lợi ích thiết thực, các cơ hội mới về mở rộng thị trường đối với các sản phẩm xanh, được dán nhãn sinh thái,” bà Giang nói.
Từ lý thuyết tới hành động
Tại khóa đào tạo cơ bản, GS. Tim Haaker đến từ Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion (Hà Lan) đã cập nhật các chính sách xanh nổi bật của EU như Thỏa thuận xanh (EU Green Deal), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP), Quy định thiết kế sinh thái (ESPR), Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (DPP), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững (CSRD)...
Những khung chính sách này đang từng bước trở thành hàng rào kỹ thuật mà doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường châu Âu hay toàn cầu không thể bỏ qua.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED). Ảnh: Thanh Minh
PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), đi sâu phân tích hệ thống chính sách trong nước thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nổi bật là Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 05/2025/NĐ-CP về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cùng các Quyết định số 687/QĐ-TTg và 222/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia.
Ông Quân cũng chỉ ra rằng các yêu cầu từ EU về trách nhiệm xã hội (CSR), quản trị bền vững (ESG) và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) đang dần trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Song song với nội dung chính sách, chương trình cung cấp các công cụ kỹ thuật giúp doanh nghiệp chuyển hóa nhận thức thành hành động. Học viên được tiếp cận phương pháp đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), bộ công cụ đo lường tác động môi trường (Higg FEM), và được hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 59010:2024 – một tiêu chuẩn mới hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Ở phần đào tạo chuyên sâu, các phiên học dành riêng cho ngành nhựa và dệt may tập trung vào thực hành thiết kế sinh thái, sử dụng vật liệu tái chế, ứng dụng công nghệ tái chế phù hợp (cơ học hoặc hóa học), và thiết lập logistics thu hồi sản phẩm sau tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hướng dẫn cách xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn, đánh giá vòng đời sản phẩm và lập kế hoạch tiếp cận các nguồn tài chính xanh để triển khai giải pháp chuyển đổi.
Chia sẻ tại chương trình, TS. Đỗ Thu Nga (Viện Sinh thái và Môi trường – EEI), nhấn mạnh vai trò nền tảng của các khái niệm như sản xuất – tiêu dùng bền vững, chuỗi cung ứng xanh, cộng sinh công nghiệp và tư duy vòng đời sản phẩm.
Theo bà Nga, những mô hình như 9R hay năm nguyên tắc cốt lõi của sản xuất – tiêu dùng bền vững không chỉ giúp tối ưu hóa tài nguyên mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong một thị trường ngày càng “xanh hóa”.
Hợp lực đa bên – chìa khóa chuyển đổi
“UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn – thông qua đối thoại chính sách, thiết kế và triển khai sáng kiến, huy động khu vực tư nhân và thúc đẩy học hỏi giữa các nước đang phát triển,” ông Haverman nói thêm.

Bà Fleur Gribnau, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: UNDP
Từ phía nhà tài trợ, bà Fleur Gribnau – Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, tin tưởng rằng chương trình đào tạo sẽ giúp các doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với khung pháp lý quốc tế, tăng cường năng lực chuyển đổi xanh để các sản phẩm trở nên cạnh tranh và có thể xuất sang thị trường châu Âu.
"Như vậy, chúng ta có thể cùng xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững và toàn diện cho thế hệ mai sau,” bà Gribnau nhận định.

Dự án do Bộ Công Thương phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện, dưới sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan. Ảnh: UNDP
Chuỗi chương trình đào tạo là một phần trong các hoạt động của Dự án ACE-Biz, hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực chuyển đổi xanh, thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế và đóng góp vào tăng trưởng xanh.
Sau khóa học, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đồng hành qua các phiên học hỏi chuyên sâu, kết nối với chuyên gia quốc tế và tham gia Ngày trình diễn kết quả.