Chung tay xây dựng văn hóa giao thông

Cùng với Nghị định 168 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, Chính phủ đồng thời ban hành Nghị định 176, trong đó có nội dung về mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, có hiệu lực cùng ngày.

Ngay khi các nghị định có hiệu lực, trên các nền tảng mạng xã hội lan truyền nhiều nội dung có phần hài hước “tiên đoán” sẽ xuất hiện một nghề mới đúng kiểu “việc nhẹ, thu nhập rất cao” (căn cứ vào mức hỗ trợ 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ, việc theo Nghị định 176) khi chỉ cần quan sát, quay phim, chụp hình người vi phạm giao thông và gửi thông tin cho lực lượng chức năng.

Lợi dụng tâm lý này, một số đối tượng bịa đặt và lan truyền thông tin một cá nhân đã nhận được hơn 50 triệu đồng là tiền thưởng khi cung cấp thông tin vi phạm giao thông. Dù cơ quan chức năng đã lên tiếng phản bác, khẳng định đây là thông tin sai sự thật, nhưng không ít người băn khoăn về chính sách hỗ trợ trên.

Theo các chuyên gia, có thể thời gian đầu sẽ có những luồng ý kiến trái chiều về việc hỗ trợ này, song về lâu dài đây là chính sách cần được khuyến khích. Thực tế lâu nay, dù không có mức hỗ trợ nào nhưng không ít người dân vẫn tích cực cung cấp thông tin về vi phạm giao thông, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng, giúp lực lượng chức năng giải quyết sự việc kịp thời, nhanh chóng hơn.

Vì vậy, việc hỗ trợ này bên cạnh khuyến khích người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm thì còn là giải pháp gián tiếp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông, từ đó nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người tố giác vi phạm giao thông cũng sẽ truyền đi thông điệp về “cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng trong giám sát người dân tham gia giao thông. Cùng với mức xử phạt hành chính rất nặng, đây sẽ là “điểm cộng” để người dân không dám vi phạm, góp phần ngăn ngừa tai nạn, hướng đến xây dựng văn minh giao thông.

Hiện Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư 73, có nêu dữ liệu được thu thập, cung cấp phải đảm bảo không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức...

Đây cũng là những tiêu chí bắt buộc để những cá nhân lưu ý khi cung cấp các thông tin vi phạm giao thông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn cụ thể về cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả để người dân hiểu, tránh tình trạng bất chấp “săn” tiền thưởng mà vi phạm quy định chung.

PHƯƠNG UYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chung-tay-xay-dung-van-hoa-giao-thong-post776926.html
Zalo