Chung tay vì người khuyết tật
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có hơn 7 nghìn người khuyết tật; trong đó, hơn 5.200 người khuyết tật nặng và gần 1.900 người khuyết tật đặc biệt nặng đang được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên hằng tháng theo quy định hiện hành.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật, Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Theo đó, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật những năm qua đã tạo ra chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và quyền của người khuyết tật cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đinh Văn Thơ cho biết: Trong những năm qua, công tác trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh Lào Cai về người khuyết tật được tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có hơn 7 nghìn người khuyết tật được hưởng trợ cấp thường xuyên từ ngân sách nhà nước (không bao gồm người khuyết tật là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học) với kinh phí trên 50 tỷ đồng/năm. Bênh cạnh đó, mỗi năm Lào Cai có hơn 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; có trên 500 trẻ và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và hơn 1.000 người được cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp... Qua đó, góp phần trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và vượt qua khó khăn, tự vươn lên trong cuộc sống.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 28 người khuyết tật. Bà Trần Thị Hương Giang, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm luôn chú trọng chăm lo, bảo đảm chế độ, quyền lợi cho người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị, như cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh định kỳ, tổ chức các hoạt động trị liệu... Bên cạnh đó, người khuyết tật đang được chăm sóc tại trung tâm còn nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ các cá nhân, nhà hảo tâm, tổ chức nhân đạo trong và ngoài tỉnh. Những sự quan tâm và sẻ chia ấy đã giúp người khuyết tật vươn lên, vượt qua hoàn cảnh hiện tại để hòa nhập cộng đồng.
Theo Sở Y tế, việc triển khai các quy định Luật Người khuyết tật được các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng lồng ghép công tác người khuyết tật vào chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể và triển khai từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; công tác khám sàng lọc, tư vấn, giáo dục sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, thực hiện chế độ chính sách cho người khuyết tật được đảm bảo. Đơn cử, năm 2023, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế tuyến huyện đã triển khai thực hiện 11 đợt khám sàng lọc khuyết tật cho 4.700 người, trong đó, khám học sinh mầm non các trường mầm non trên địa bàn thành phố Lào Cai là 3.850 lượt, người dân tại huyện Bắc Hà, xã Y Tý huyện Bát Xát là 850 người…
Liên quan đến vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật ở Lào Cai, ông Đinh Xuân Học, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục Phú Minh cho biết: Việc làm với người khuyết tật rất quan trọng, bởi sẽ giúp họ điều kiện được học tập các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, những ngành nghề cơ bản. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là tạo việc làm cho người khuyết tật có nhu cầu, để từ đó có tư vấn, hỗ trợ học nghề phù hợp. Do đó, thời gian qua Trung tâm đã mở các lớp đào tạo nghề cho gần 100 người khuyết tật trong tỉnh tham gia các nghề trồng nấm và nhân giống nấm, tin học, kỹ thuật chế biến món ăn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật ở Lào Cai vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đơn cử như trong công tác xác nhận người khuyết tật, một số hội đồng cấp xã còn lúng túng trong xác nhận dạng tật, mức độ khuyết tật, chưa vận dụng được những chứng bệnh thực tế của đối tượng vào các dạng khuyết tật để xác định mức độ khuyết tật; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong hội đồng, còn phụ thuộc khá nhiều vào cán bộ y tế nên tiến độ thực hiện còn chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật…
Thời gian tới, để công tác chăm lo cho người khuyết tật được hiệu quả, đảm bảo đúng chính sách an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông chính sách về Luật Người khuyết tật, những chủ trương, chính sách trợ giúp đối với người khuyết tật theo quy định hiện hành, qua đó nâng cao trách nhiệm các cấp, ngành, tổ chức hội đoàn thể, cộng đồng dân cư và gia đình.
Các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật, làm căn cứ thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật. Có cơ chế khuyến khích các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt, tiên tiến, sẵn sàng nhận người khuyết tật vào học nghề, đào tạo để họ có thể tự tạo việc làm ở nhà, gia đình, hoặc tham gia vào thị trường lao động.
Với sự phát triển mạnh mẽ về cơ chế chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương, hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã và đang nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật.