Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Kỳ 4: Cần có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả hơn
Bên cạnh những nỗ lực mang lại kết quả tích cực, Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khi đang thiếu nhân lực, tài lực, phương tiện và quyền hạn. Các nhà khoa học tâm huyết với công tác phục hồi vịnh Nha Trang cho rằng, tỉnh cần có cơ chế phối hợp liên ngành rõ ràng hơn về quyền và trách nhiệm, huy động nguồn lực từ sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, những người đang thụ hưởng và sử dụng các giá trị của vịnh Nha Trang.
“4 thiếu, hạn chế”
Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 có 16 nhiệm vụ, trong đó UBND TP. Nha Trang, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang được giao chủ trì thực hiện 10/16 nhiệm vụ. Đây là các nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Vậy nhưng, theo ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang: "BQL vịnh Nha Trang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố nên vị trí, vai trò trong công tác xâu chuỗi đầu mối tham mưu cho UBND thành phố gặp nhiều khó khăn. Khi triển khai nhiệm vụ cần sự hỗ trợ, góp ý của các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị sẽ mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp báo cáo nên ảnh hưởng tiến độ chung của Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang”.
Ông Vân cũng chia sẻ những khó khăn khi hiện nay, nhân lực thực hiện nhiệm vụ kế hoạch còn thiếu và hạn chế về kinh nghiệm do đề án nâng cao năng lực cho BQL vịnh chưa được triển khai thực hiện. Cùng với đó, hiện nay, BQL vịnh Nha Trang được UBND thành phố giao quyền tự chủ tại Quyết định 1393 ngày 18-7-2022 (đơn vị tự chủ chi thường xuyên), được quyền tuyển dụng viên chức, người lao động phù hợp với nhu cầu công việc, quỹ tiền lương của đơn vị. Tuy nhiên, ngân sách từ hoạt động thu phí, giá không đảm bảo các hoạt động chi thường xuyên của đơn vị, do đó chưa thực hiện được kế hoạch xét tuyển viên chức. Số lượng viên chức cần thiết bổ sung cho các vị trí công tác chưa đảm bảo về trình độ và năng lực để đáp ứng các nhiệm vụ trong việc thực hiện kế hoạch. Do đó, việc xét tuyển viên chức nhằm đáp ứng công tác quản lý của đơn vị là một vấn đề cần được xem xét, giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi thời điểm Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 triển khai được 1 năm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cũng nêu ra thực trạng chung, từ năm 2010, cả nước đã quy hoạch được hệ thống 16 khu bảo tồn biển (trong đó có Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang), nhưng đến nay chỉ có 11 khu bảo tồn biển có BQL và chưa có quy định chung rõ ràng về mô hình thể chế quản lý các khu bảo tồn biển này. Hiệu quả và hiệu lực quản lý các khu bảo tồn biển còn ở mức thấp, thậm chí 5/16 khu bảo tồn biển vẫn chưa được quản lý, vẫn có danh nghĩa trên giấy. BQL vịnh Nha Trang phải đảm trách các mảng nhiệm vụ của cả khu bảo tồn biển, Câu lạc bộ Vịnh đẹp toàn cầu. Thực tế, BQL phải thực thi các quy chế quản lý đôi khi khác nhau về thẩm quyền, trong khi đang còn có những hạn chế về nhân lực, tài lực, phương tiện và quyền hạn. Các đánh giá gần đây đối với cả hệ thống khu bảo tồn biển cho thấy đều vấp phải “4 thiếu, hạn chế” nói trên, không riêng gì BQL vịnh Nha Trang. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cũng đánh giá cao nhiệm vụ thử nghiệm xây dựng một khu vực sinh thái biển quốc tế theo cơ chế hợp tác công tư trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang. Mô hình này khi triển khai thành công sẽ giảm thiểu khó khăn nêu trên cho BQL vịnh Nha Trang, đóng góp vào thể chế hóa mô hình quản trị khu bảo tồn biển trên phạm vi toàn quốc.
Cần sớm có những giải pháp tháo gỡ
Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học cho rằng, trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, BQL vịnh Nha Trang được giao rất nhiều nhiệm vụ nhưng thiếu quyền lực và tài lực: “Trong các hội thảo khoa học tổ chức ở tỉnh, tôi đã kiến nghị nhiều lần là cần có một bộ quy chế phối hợp, trong đó phải có một cơ quan điều hành, ai tham gia, trách nhiệm gì, quyền lợi ra sao trong quy chế này. Quy chế phối hợp cần có cơ quan đủ quyền lực để có thể chi phối được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động du lịch ở vịnh Nha Trang. Tỉnh Khánh Hòa đã có đề tài nghiên cứu về bộ quy chế phối hợp nghiệm thu từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Nếu chúng ta chưa triển khai, thực hiện một bộ quy chế phối hợp rõ ràng, thì việc phục hồi vịnh Nha Trang vẫn mang tính tự phát, không ai đánh giá, tổng kết, không ghi nhận nỗ lực của từng đơn vị cụ thể, những người không tham gia chưa quy trách nhiệm”.
Theo ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đã đặt ra nhiệm vụ số 8 “Nâng cao năng lực cho BQL vịnh Nha Trang và Đội công tác liên ngành trên vịnh Nha Trang”. Hiện nay, để đảm bảo tính hiệu quả cho hoạt động quản lý liên ngành trong công tác kiểm tra ngăn chặn, xử lý vi phạm trên vịnh Nha Trang, thành phố đang lấy ý kiến các sở, ngành của tỉnh đối với các nội dung: Bổ sung lực lượng từ các đơn vị để tham gia thường xuyên trong Đội công tác liên ngành đối với lực lượng thanh tra chuyên ngành; rà soát, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực trên vịnh Nha Trang theo quy định pháp luật; xây dựng quy trình xử lý các hành vi vi phạm theo từng nhiệm vụ, vụ việc cụ thể theo lĩnh vực chuyên ngành trên vịnh Nha Trang, phù hợp với thẩm quyền của sở, ban, ngành theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo Phòng Nội vụ hướng dẫn BQL vịnh Nha Trang thực hiện kế hoạch xét tuyển bổ sung đối với các viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác. Sau khi kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy và đề án vị trí việc làm của BQL vịnh Nha Trang được phê duyệt, UBND thành phố sẽ chỉ đạo BQL vịnh Nha Trang tổ chức triển khai đề án, bố trí nhân sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu công tác. Thành phố sẽ ban hành Đề án Nâng cao cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý vịnh Nha Trang, đáp ứng các nhiệm vụ của Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Với nhiệm vụ số 16 “Tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vịnh Nha Trang”, BQL vịnh đã xây dựng Đề án Thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang, đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2661 ngày 7-11-2023; đồng thời, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết triển khai thực hiện. Sau khi đề án được HĐND tỉnh thông qua, sẽ triển khai các phương án thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan theo quy định. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các quy định tài chính liên quan; xây dựng phương thức thực hiện trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác các giá trị trong vịnh Nha Trang, đảm bảo các giá trị được khai thác đúng mức, bền vững.
THÁI THỊNH
Kỳ 1: Từng bước phục hồi rạn san hô
Kỳ 2: Nâng cao nhận thức, ứng xử thân thiện với môi trường
Kỳ 3: Xanh hóa những làng chài giữa biển
Kỳ cuối: Hướng đến sự phát triển kinh tế biển xanh, bền vững