Chung tay phòng, chống HIV/AIDS
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990, Việt Nam đã 34 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước. Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Châu Á - Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm), giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được các nguy cơ lây nhiễm HIV. Mỗi năm, cung cấp các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu lượt người; phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Năm 2024, cả nước có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; gần 70.000 người được điều trị PrEP...
Việt Nam đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc chi trả các dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế, các địa phương đã tăng cường ngân sách cho chương trình thông qua các đề án hoặc kế hoạch đảm bảo tài chính, đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào phòng, chống HIV/AIDS…
Việt Nam đã và đang ngăn chặn đà gia tăng của đại dịch, khống chế dịch trên 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS. Việt Nam tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Đồng thời, triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Việt Nam là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao để giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cho rằng: HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe con người và tương lai nòi giống, phòng, chống HIV/AIDS là mối quan tâm lớn của cả nhân loại. Để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS trước năm 2030, Phó Thủ tướng đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm chương trình phòng, chống HIV/AIDS; đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ngành y tế huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV.
Đồng thời, đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật, giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học - kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt, để Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đề ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nhất là ngăn ngừa kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Đông Âu và Trung Á kêu gọi: “Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc Việt Nam cần dồn tổng lực để đẩy mạnh đáp ứng với HIV nhằm thực hiện được mục tiêu quốc gia. Các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao cần được mở rộng hơn nữa. Khoảng trống còn lớn giữa số người được chẩn đoán nhiễm HIV và số người tham gia điều trị kháng HIV cần được lấp đầy. Các hành động để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và đảm bảo mọi người dân có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Và để làm được như vậy, Việt Nam cần gia tăng nỗ lực trong công tác xây dựng chính sách và phối hợp liên ngành phòng, chống HIV”…
An Giang có khoảng 7.500 người nhiễm HIV còn sống; tổng số người nhiễm HIV tử vong là 6.082. Trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, có hơn 80% là nam giới và 78% lây nhiễm qua đường tình dục. Theo dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2000 - 2023, dịch HIV có xu hướng tăng trở lại và gia tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15 - 30, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ. Tình hình dịch HIV/AIDS diễn biến phức tạp, nhất là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp Campuchia, nên việc kiểm soát, giám sát gặp nhiều khó khăn.