Chung tay ngăn chặn ma túy học đường

Sau hơn 6 tháng phối hợp giữa lực lượng Công an và ngành Giáo dục, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030 đã và đang ngày càng hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng 'bức tường thành' bảo vệ học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma túy, cũng như đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy trong học sinh, sinh viên.

Học sinh, sinh viên là mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, hiện nay, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để sản xuất rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt, thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ, đồng thời ngụy trang núp bóng dưới dạng: “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử... để đối phó với cơ quan chức năng.

Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã khám phá nhiều chuyên án như vụ các đối tượng pha chế, đóng gói ma túy nước uống do Nguyễn Thị Hoài, ở TP Hồ Chí Minh cầm đầu; chuyên án tẩm tinh dầu cần sa vào thuốc lá điện tử do đối tượng Lê Anh Thơ, trú tại Hà Nội cầm đầu. Các đối tượng nhằm vào thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên với lời quảng cáo không phải ma túy và không gây nghiện…

Đáng ghi nhận, nhiều trường hợp ngộ độc cần sa như trường hợp một phụ nữ ở Hà Nội ngộ độc sau khi vô tình ăn bỏng ngô tầm cần sa. Tương tự, một người phụ nữ làm nghề tạp vụ, ở TP Hồ Chí Minh phải đi cấp cứu vì ăn chocolate chứa cần sa. Trước đó, ở TP Đà Nẵng cũng có 6 học sinh phải cấp cứu do ngộ độc ma túy “nước vui”.

Người sử dụng ma túy tổng hợp kéo dài dẫn đến rối loạn tâm thần “ngáo đá”, mất khả năng kiểm soát hành vi, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, gây ra tình trạng mất ANTT ở nhiều địa bàn, với nhiều vụ án gây dư luận xấu trong nhân dân. Trong năm 2023, có gần 1.500 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, gây ra 30 vụ phạm pháp hình sự.

Theo thống kê đến tháng 8/2024, cả nước có hơn 227.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 - 15 tuổi. Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy túy tổng hợp thì có tới 70 - 75% người trong độ tuổi 17 - 35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên. Có thể thấy học sinh, sinh viên là những đối tượng trẻ tuổi, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới nên đã và đang trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.

Cũng theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, các cơ sở giáo dục đã chủ động phối hợp với lực lượng Công an tăng cường công tác nắm tình hình về tội phạm và tệ nạn ma túy tại các khu vực trường học, đặc biệt là các trường đóng trên địa bàn có tình hình phức tạp về tội phạm ma túy, những địa bàn là nơi học sinh có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi sử dụng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, từ đó có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời nhằm bảo đảm ANTT tại khu vực xung quanh trường học. Chủ động rà soát, kịp thời phát hiện học sinh có dấu hiệu liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, xử lý theo quy định, bảo đảm môi trường giáo dục, học tập an toàn, văn minh, không để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật về ma túy hoặc dụ dỗ lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia tệ nạn ma túy, nhất là ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo thống kê của các địa phương, đã phát hiện 4 trường hợp cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật về ma túy; đối với học sinh, sinh viên phát hiện 61 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ma túy.

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong giới trẻ, Bộ Công an đã phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh trấn áp mạnh, kiên quyết không khoan nhượng với tội phạm ma túy; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền tác hại của ma túy với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên vẫn tăng cao, đòi hòi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Trên cơ sở đó, ngày 22/1/2024, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký thực Chương trình phối hợp số 03 về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030.

Các em học sinh nhiệt tình tham gia Cuộc thi “Trường học không ma túy”.

Các em học sinh nhiệt tình tham gia Cuộc thi “Trường học không ma túy”.

Hình thức tuyên truyền hấp dẫn, sáng tạo

Thực hiện chương trình phối hợp, Cục CSĐT tội phạm về ma túy tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 262 về tổ chức Cuộc thi “Trường học không ma túy”. Cục CSĐT tội phạm về ma túy và Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được giao đồng chủ trì tham mưu tổ chức cuộc thi. Cuộc thi được ghi hình, phát sóng trên kênh VTV2 và các nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam.

Năm 2023, cuộc thi “Trường học không ma túy” được tổ chức ở 5 địa phương (Hà Nội, Lạng Sơn, Nam Định, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh) với 10 chương trình. Qua đánh giá bước đầu có thể nhận thấy, đây là hình thức tuyên truyền hấp dẫn, sáng tạo, học sinh các trường rất hào hứng và thích thú khi tham dự cuộc thi. Các em không còn thụ động trong cách tiếp cận thông tin, các em phải tự tìm tòi, tự nghiên cứu và tự trình bày những hiểu biết của mình về công tác phòng, chống ma túy. Điều này giúp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không còn khô khan, hình thức, mà giúp các em dễ nhớ, ấn tượng sâu sắc hơn. Chính các em là những tuyên truyền viên tới người thân và các bạn cùng lớp, cùng trường về công tác phòng, chống ma túy.

Từ thành công của Cuộc thi “Trường học không ma túy” năm 2023, năm 2024, cuộc thi được mở rộng, với 20 chương trình dành cho đối tượng học sinh THPT tại 10 tỉnh, thành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Đà Nẵng), 9 chương trình dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và 1 chương trình gala tổng kết, dự kiến tổ chức tại Hà Nội. Đây là lứa tuổi dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; thậm chí không ít các em quan niệm sai lầm rằng “ma túy tổng hợp không gây nghiện”. Để từ đây chúng ta có thể chủ động tích cực chung tay đẩy lùi ma túy vì một trường học an toàn, vì một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Ngoài ra, Công an các cấp tham mưu chính quyền chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo cùng cấp tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong trường học; đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện. Nhiều địa phương đã xây dựng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác phòng, chống ma tuy ở các trường học như mô hình “Trường học nói không với ma túy”, “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường”. Câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng, chống ma túy"; xây dựng và duy trì hoạt động Website, Facebook, Fanpage nhằm chia sẻ trên mạng các thông tin về hoạt động của trường, đoàn trường; đồng thời định hướng giáo dục trên không gian mạng… Kết quả, tính đến 30/6, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức 19.945 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma túy, thu hút 3.495.230 học sinh, sinh viên và cán bộ công nhân viên tại các cơ sở giáo dục tham gia.

Để công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được tăng cường và nâng cao hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết của toàn dân. Đặc biệt, là công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, trong đó có cuộc thi “Trường học không ma túy”. Từ đó, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên thấy được hậu quả, sự nguy hại của ma túy để phòng tránh, không bị ma túy cám dỗ, trở thành những thanh niên có ước mơ, hoài bão, lý tưởng, đóng góp công sức xây dựng đất nước.

Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/chung-tay-ngan-chan-ma-tuy-hoc-duong-i743488/
Zalo