Chung tay ngăn chặn hoạt động đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Mặc dù thường xuyên được BĐBP và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động cũng như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tuy nhiên tình trạng ngư dân sử dụng xung điện và thuốc nổ để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra. Hiểm họa từ vấn nạn này rất khôn lường, ngoài gây nguy hiểm cho người sử dụng, thì việc gây tổn thất về nguồn lợi thủy sản là hiện hữu. Trước thực trạng đó, BĐBP đã phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các hình thức vi phạm này, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn lợi thủy sản.

Nhiều người dân Cà Mau tự nguyện giao nộp xung điện và cam kết không tái phạm. Ảnh: Lê Khoa

Nhiều người dân Cà Mau tự nguyện giao nộp xung điện và cam kết không tái phạm. Ảnh: Lê Khoa

Xử lý nghiêm hành vi sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản

Chỉ tính 7 tháng của năm 2024, BĐBP Cà Mau đã phát hiện, bắt giữ 34 vụ ngư dân sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản; qua đó, đã tịch thu, tiêu hủy 42 bộ xung điện và xử phạt hành chính với số tiền gần 250 triệu đồng. BĐBP Kiên Giang tịch thu 10 bộ xung điện, 2 bình ắc quy, 280m dây điện, 12 ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.

Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau cho biết: "Việc người dân sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước tự nhiên; gây mất an ninh trật tự trên biển. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người".

Theo Đại tá Phạm Anh Chương, để ngăn chặn, hướng tới chấm dứt tình trạng dùng các công cụ, phương thức đánh bắt trái quy định của pháp luật trên khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau, BÐBP Cà Mau đã phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác có liên quan. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn, hải đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ phương tiện trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, khai thác thủy sản trong khu vực cấm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; tuyệt đối không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản.

Trên tinh thần thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị thuộc BĐBP Cà Mau đã vận động ngư dân tự giác giao nộp 80 bộ xung điện; đồng thời, vận động 149 hộ dân cam kết không sản xuất, buôn bán, sử dụng xung điện để khai thác thủy sản; đi đôi với khai thác, đánh bắt là phải bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hiểm họa khôn lường từ vấn nạn thuốc nổ

Vào cuối năm 2023, BĐBP Kiên Giang đã phát hiện, bắt quả tang 1 tàu đánh cá của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang tàng trữ lượng lớn thuốc nổ để dùng đánh bắt thủy sản trên vùng biển tỉnh Kiên Giang.

Ông Hồ Ngọc Dũng và tang vật thuốc nổ bị BĐBP Kiên Giang bắt giữ. Ảnh: Tiến Vinh

Ông Hồ Ngọc Dũng và tang vật thuốc nổ bị BĐBP Kiên Giang bắt giữ. Ảnh: Tiến Vinh

Theo đó, vào ngày 18/10/2023, trong khi tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, khi đến khu vực vùng biển thuộc ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, lực lượng làm nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Rạch Tràm (BĐBP Kiên Giang) phát hiện và kiểm tra tàu đánh cá BV 99227 TS có dấu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện trong ca bin tàu đánh cá BV 99227 TS có 18 khối hình tròn được bọc bao nilon bên ngoài, bên trong chứa chất rắn, mỗi khối có đường kính khoảng 5cm, nghi là vật liệu nổ; 7 sợi dây màu đen dài 10cm, hai đầu có gắn 2 ống kim loại màu trắng hình trụ tròn dài 3,8cm, nghi là kíp nổ đã gắn dây cháy chậm; 68 ống kim loại màu trắng hình trụ tròn dài 3,8cm được đựng trong hộp giấy màu trắng có kích thước 6x8cm, trên hộp giấy có chữ in là “kíp nổ đốt số 8", số lượng 100 cái, nghi là kíp nổ; 1 cuộn dây màu đen dài 6,85m nghi là dây cháy chậm.

Tàu đánh cá BV 99227 TS do ông Hồ Ngọc Dũng (43 tuổi, ngụ tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) làm thuyền trưởng, đi trên tàu còn có 11 thuyền viên khác.

Làm việc với cán bộ điều tra Đồn Biên phòng Rạch Tràm, ông Hồ Ngọc Dũng khai nhận, toàn bộ tang vật được BĐBP phát hiện trên tàu nói trên đều là thuốc nổ, kíp nổ và dây cháy chậm dùng để đánh bắt thủy sản.

Qua điều tra, xác minh của Đồn Biên phòng Rạch Tràm cho thấy, tàu đánh cá BV 99227 TS do bà Nguyễn Thị Lương (ngụ tại phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm chủ và giao cho ông Hồ Ngọc Dũng làm thuyền trưởng. Ông Hồ Ngọc Dũng khai nhận, vào ngày 6/10/2023, ông Dũng điều khiển tàu đánh cá BV 99227 TS từ cảng cá Phước Tỉnh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ra biển khai thác thủy sản. Khi chuẩn bị xuất bến thì bà Nguyễn Thị Lương đã đưa cho ông Dũng 1 bọc nilon, bên trong chứa các trái nổ hình tròn, các kíp nổ và dây cháy chậm để đánh bắt, khai thác hải sản. Sau đó, ông Dũng điều khiển tàu chạy đến vùng biển Phú Quốc để hoạt động.

Đến ngày 18/10/2023, ông Dũng điều khiển tàu cá đến khu vực vùng biển thuộc ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc. Phát hiện có cá, ông Dũng đã lấy một trái nổ ra gắn kíp nổ thả xuống biển và cho các thuyền viên thả lưới đánh bắt. Khi đang kéo lưới lên thì lực lượng BĐBP tuần tra, kiểm tra và phát hiện, bắt giữ toàn bộ số chất nổ còn lại.

Đại tá Nguyễn Trường Giang, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang cho biết: Sau khi điều tra, xác minh làm rõ, Đồn Biên phòng Rạch Tràm ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu và bàn giao toàn bộ vụ án cho cơ quan Công an thành phố Phú Quốc tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

"Trong thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều trường hợp thương vong do sử dụng thuốc nổ, xung điện để đánh bắt hải sản trên biển. Không chỉ tự gây mất an toàn cho bản thân và những người xung quanh, việc đánh bắt bằng chất nổ, xung điện còn trực tiếp hủy hoại nguồn lợi thủy sản và môi trường biển, cần được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh” - Đại tá Nguyễn Trường Giang khuyến cáo.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-tay-ngan-chan-hoat-dong-danh-bat-thuy-san-mang-tinh-huy-diet-post479347.html
Zalo