Chung tay ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người
Tội phạm mua bán người, một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn đối với loại tội phạm này.
Tích cực phòng ngừa
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người (MBN) diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, thăm thân, người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động..., những kẻ MBN thông qua nhiều hình thức kết nối khác nhau, để dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân, đưa sang nước ngoài, buộc phải lao động nặng nhọc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê, làm nô lệ tình dục...
Nguyên nhân của vấn nạn này là do trình độ dân trí thấp, hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là người dân ở vùng điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào DTTS, trong đó phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, thất học dễ bị dụ dỗ nhất. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được thực hiện quyết liệt; công tác quản lý nhà nước về phòng, chống MBN có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt.
Trước tình hình đó, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, nhân rộng các phong trào, mô hình đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Đào An Xuân cho biết: Phụ nữ nhẹ dạ, cả tin dễ bị tội phạm MBN khai thác tình trạng dễ bị tổn thương, khó khăn, lợi dụng, lôi kéo và lừa bán để trục lợi.
Để góp phần phòng ngừa loại tội phạm này, các cấp hội phụ nữ luôn coi trọng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, thực hiện thông qua vai trò của người mẹ và gia đình. Hội LHPN tỉnh đã tập trung tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong hội viên phụ nữ về pháp luật và những kiến thức cơ bản về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm MBN; xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình…
Huyện Sông Hinh là địa bàn có gần 50% đồng bào DTTS; mặt bằng chung trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân địa phương này còn nhiều hạn chế, dễ bị các đối tượng phản động, MBN dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh qua nước ngoài trái phép bằng đường tiểu ngạch.
Để ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm MBN, từ khi triển khai Luật Phòng, chống MBN đến nay, với vai trò Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của huyện, Công an huyện Sông Hinh đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành 13 chỉ thị, hơn 125 kế hoạch, 175 công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Đồng thời chỉ đạo các ban, ngành liên quan và địa phương phối hợp với lực lượng công an tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm MBN. Qua đó lồng ghép thông qua hơn 200 buổi họp dân, phát trên hệ thống truyền thanh, truyền hình huyện hơn 250 lượt tin, bài, duy trì sinh hoạt hơn 100 lượt mô hình đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện với hơn 8.950 người tham gia.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người
Trước sự nguy hiểm khó lường của tội phạm MBN, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, toàn diện về phòng, chống tội phạm này. Sau 12 năm triển khai Luật Phòng, chống MBN, Phú Yên đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Nói về công tác này, thượng tá Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an tỉnh thông tin: Hằng năm, Phòng PC02 tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa tội phạm MBN cho lực lượng cảnh sát hình sự triển khai thực hiện; thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị triển khai Luật Phòng, chống MBN, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh và của Giám đốc Công an tỉnh về công tác đấu tranh phòng chống MBN.
Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN đến các tầng lớp nhân dân; thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ cùng với sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể.
Từ năm 2022 đến nay, Phòng PC02 và công an các địa phương tiếp nhận 40 đơn trình báo của công dân bị dụ dỗ, lừa đảo xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động, làm việc nhẹ, lương cao. Sau đó họ bị cưỡng bức lao động, ép thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại các công ty do người Trung Quốc làm chủ, nếu làm việc không đạt chỉ tiêu sẽ bán cho các công ty khác trên lãnh thổ Campuchia hoặc liên hệ với gia đình nạn nhân để đòi tiền chuộc...
Khi tiếp nhận thông tin của người nhà nạn nhân về trường hợp người thân của họ bị lừa bán qua Campuchia, bị uy hiếp đến sức khỏe, Phòng PC02 tiếp nhận, xác minh thu thập thông tin, tài liệu, đồng thời hướng dẫn cho người nhà nạn nhân trình báo đến các cơ quan chức năng để giải cứu nạn nhân.
Mới đây, tại hội nghị tuyên truyền các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Công an tỉnh tổ chức, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, các ban ngành, địa phương nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống MBN đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống MBN; phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm MBN; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; về nguồn lực bảo đảm; trong công tác hợp tác quốc tế về MBN...
Đặc biệt, những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ các quy định của Luật Phòng, chống MBN và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống MBN. Điều này đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng chống MBN; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống MBN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng chống MBN hiện nay. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng chống MBN, góp phần ổn định tình hình an ninh, TTATXH; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng chống MBN…
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, sau 12 năm triển khai Luật Phòng, chống MBN đã đạt nhiều kết quả tích cực như: Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống MBN được tiến hành đồng bộ với nội dung, hình thức đa dạng phù hợp với các đối tượng tuyên truyền. Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng hơn, bảo đảm quyền của nạn nhân. Công tác hỗ trợ nạn nhân được các cấp, ngành quan tâm, bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân. Công tác hợp tác quốc tế đã được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương trên nhiều diễn đàn trên thế giới và khu vực.