Chung tay chăm lo bữa trưa cho học sinh vùng biên
Tại Trường Tiểu học Thuận (xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), việc tổ chức cho học sinh từ lớp 1-3 lưu trú buổi trưa tại trường đang phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ sự chung tay của nhà trường, phụ huynh, cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các nhà tài trợ, hàng trăm học sinh được chăm lo bữa ăn trưa và có chỗ nghỉ ngơi, góp phần duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận và Thiếu tá Lê Văn Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thuận, BĐBP Quảng Trị chăm lo bữa trưa cho học sinh lưu trú buổi trưa tại trường. Ảnh: Văn Chương
Buổi trưa tại xã Thuận, các em học sinh lớp 4 và lớp 5 rời Trường Tiểu học Thuận về nhà dưới ánh nắng gay gắt và hơi nóng hầm hập. Thiếu tá Hoàng Văn Vương, cán bộ BĐBP tăng cường, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuận và Thiếu tá Lê Văn Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thuận đến thăm các cô giáo đang trực lo bữa ăn và giấc ngủ cho học sinh các lớp 1, 2, 3 với 6 lớp học.
Cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận hướng dẫn cô bé Hồ Thị Thỏ, học sinh lớp 2A, người dân tộc Bru-Vân Kiều, ngồi tư thế ngay ngắn khi ăn cơm. Thiếu tá Lê Văn Cường nghiêng chiếc cặp lồng mang cơm và đếm được thức ăn cháu nhỏ này mang theo cho bữa trưa là một chú cá giếc to hơn hạt mít. Cô bé thỏ thẻ nói: “Ba bắt cá ở ngoài sông Sê Pôn”. Cậu bé Hồ Văn Thời thì mang theo một miếng thịt khô nhỏ bằng 3 ngón tay. Cậu bé người dân tộc Pa Kô nói: “Mấy hôm trước, cháu chỉ mang theo cơm không”. Toàn bộ 171 em học sinh các lớp 1, 2, 3 ở lại trường để ăn cơm và ngủ trưa được nhà trường hỗ trợ thêm món canh, cá hoặc thịt.
Để những cháu nhỏ có giấc ngủ ngon và bữa ăn trưa đầy đủ, mỗi ngày có 2 phụ huynh tình nguyện đến trường tham gia nấu ăn. Nhà trường luôn cắt cử 3 giáo viên, kể cả hiệu trưởng, hiệu phó trực buổi trưa, ngủ lại ngay trong căn phòng đầy hơi nóng của gió Lào. Cô Trần Thị Linh Đan và cô Trần Thị Mỹ Liên đi lại trong căn phòng, xoa đầu từng em, ân cần như chăm sóc những người con của mình. Sau khi ăn xong và nằm xuống dãy bàn kê sát nhau, chỉ vài phút, những đứa trẻ có bộ quần áo lấm lem đã chìm vào giấc ngủ. Cô bé Hồ Thị Thanh Đan nằm co người như thời còn được địu trên lưng mẹ; cậu bé Hồ Văn Nguyên thì vừa ngủ, vừa mỉm cười, tay duỗi ra như đang hò reo quanh đống lửa của người dân tộc Pa Kô.
Lý do các em từ lớp 1-3 ở lại trường ngủ và ăn trưa là vì Trường Tiểu học Thuận nằm ngay trung tâm xã nên theo quy định sẽ không có chế độ học sinh nội trú. Quy định này áp dụng toàn quốc, nhưng trên thực tế không phù hợp với một số nơi có địa hình sông suối, đồi núi và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ví dụ, ở tận vùng đất mũi Cà Mau, mỗi ngày, cha mẹ phải đi đò 2 lần để đón con, chi phí qua đò hết khoảng 700 nghìn đồng/tháng. Còn ở xã Thuận, nằm giáp Lào, đi bộ 2-3km đến trường trong cái nóng hầm hập của gió Lào khiến quãng đường này dường như dài hơn gấp bội đối với học sinh nơi đây.

Cô Trần Thị Mỹ Liên chia sẻ với Thiếu tá Hoàng Văn Vương về việc chăm lo cho học sinh ở lại trường vào buổi trưa. Ảnh: Văn Chương
Vì chương trình học một ngày 2 buổi, trưa về nhà, chiều quay lại lớp học, nên có một số em học sinh từ lớp 1-3 không trở lại trường vào buổi chiều; hoặc khi đến lớp thì ngủ gật, có em chưa kịp ăn vì bố mẹ đi rẫy chưa về, hoặc mùa mưa phải lội suối... Trước tình hình đó, nhà trường đã tổ chức chương trình lưu trú buổi trưa để buổi chiều các em đều có mặt đông đủ trong lớp học, các chỉ tiêu “học sinh chuyên cần” không bị ảnh hưởng.
Nhưng để có được nguồn kinh phí mua cá, thịt, canh... cho học sinh, nhà trường đã phối hợp với Đồn Biên phòng Thuận để kết nối, kêu gọi các nhà tài trợ từ thành phố Hồ Chí Minh. Cô Nguyễn Thị Thuận cho biết, khi bắt đầu chương trình từ năm 2023, Đồn Biên phòng Thuận đã kêu gọi được 60 triệu đồng; năm tiếp theo là 50 triệu đồng. Trong năm 2025, nguồn tiền kêu gọi dự báo sẽ hết từ tháng 6.
Cô bé Hồ Thị Thỏ nói giọng đáng thương về việc tới trường được ăn ngon hơn ở nhà: Cháu thèm rất nhiều thứ, từ đùi gà, kem, bánh mì... Thiếu tá Hoàng Văn Vương tâm sự: "Người dân ở đây vất vả, anh em BĐBP đang cố gắng chung tay góp sức để san sẻ với nhà trường và mong được các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ, chia sẻ".

Các cô giáo luôn đi kiểm tra để chăm sóc giấc ngủ cho các em. Ảnh: Văn Chương
Tại khu vực thôn Úp Ly, giữa buổi trưa nắng chói chang, thỉnh thoảng mới thấy thấp thoáng vài bóng người già ngồi dưới bóng cây và tiếng gà văng vẳng từ phía bờ sông Sê Pôn. Đồng bào ở Úp Ly cũng như các thôn khác, cứ sáng sớm tinh mơ lại lên nương rẫy và chiều tối trở về nhà. Ông Hồ Văn Phong khi được hỏi cho biết: "Các cháu nhỏ được nhà trường cho ăn, ngủ lại và chiều tiếp tục học là rất thuận lợi, vì nếu trở về nhà thì bữa trưa chỉ là mấy cục cơm nguội; có cháu ăn vội một cục cơm rồi lăn ra sàn nhà ngủ, việc trở lại lớp học đều đặn không phải cháu nào cũng có thể thực hiện được".
Xã Thuận có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người vẫn còn tư tưởng phải sinh nhiều con để có con trai, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến số học sinh lưu trú tại trường vẫn tiếp tục tăng. Vì vậy, BĐBP thường xuyên phối hợp vận động đồng bào không sinh con thứ ba. Ngồi trò chuyện với đồng bào trong những ngôi nhà sàn giữa cái nóng hầm hập và gió Lào rát mặt, càng hiểu sâu sắc hơn mô hình lưu trú cho học sinh tại trường; giữa trưa nắng, các cô giáo vẫn dõi theo giấc ngủ của bao đứa trẻ bằng tình cảm của những người mẹ.
Cô Nguyễn Thị Thuận chia sẻ: "Năm 2023, tôi được phân công về ngôi trường này, khi khảo sát tỷ lệ chuyên cần thì thấy rất nóng ruột và lo lắng nên đã tổ chức mô hình cho các em lưu trú lại để các cô chăm sóc. Nhà trường cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện chương trình hỗ trợ bếp ăn cho các em, góp phần xây dựng tình quân dân, nghĩa cô trò gắn bó bền chặt".