Chung tay cải thiện chất lượng không khí môi trường

Môi trường ô nhiễm ở một số đô thị, nhất là hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP HCM, đã, đang là vấn đề đáng lo ngại. Lâu nay trên thông tin đại chúng, người dân Hà Nội vẫn được cảnh báo hàng ngày về chỉ số chất lượng không khí (AQI), có những thời điểm cảnh báo AQI xấu và rất xấu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mọi người.

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Quản lý môi trường nói chung, trong đó có môi trường không khí, là vấn đề có tính liên ngành, liên lĩnh vực, đòi hỏi sự thống nhất trong chỉ đạo, đồng bộ, phối hợp thực hiện. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 153/TB-VPCP, về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các TP lớn. Văn bản nêu, Hà Nội và TP HCM phấn đấu trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số AQI ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.

Để làm được điều này, các đô thị cần kiểm kê được nguồn thải, đánh giá thực trạng môi trường không khí và xây dựng kế hoạch hành động 5 năm, hàng năm. Nhiệm vụ xác định chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu giảm hạn ngạch khí thải đến từng lĩnh vực theo từng năm để đánh giá việc thực hiện như các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và TP HCM là công việc khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ làm được.

Nhiều năm qua, các đô thị lớn đã đưa vào sử dụng phương tiện vận tải thân thiện môi trường, tuyên truyền về phân loại chất thải ngay tại hộ gia đình... Văn hóa sử dụng phương tiện vận tải công cộng, ý thức bảo vệ môi trường cần tăng cường hơn nữa. Từ phía cơ quan quản lý, việc quy hoạch công nghiệp, đô thị; cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom tái chế chất thải rắn cũng cần được làm bài bản hơn nữa. Và chúng ta cũng cần sớm có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đồng bộ hơn; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm; đề xuất sửa đổi, bổ sung mức phạt với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; để góp phần cải thiện chất lượng không khí, cũng là môi trường sống của tất cả chúng ta.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chung-tay-cai-thien-chat-luong-khong-khi-moi-truong-post544523.html
Zalo