'Chúng ta làm luật rất công phu, nhưng có luật còn chưa thực hiện đã thấy khó'
'Chúng ta làm luật rất công phu, nhưng có luật vừa ra, còn chưa thực hiện đã thấy khó', Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thẳng thắn nhận xét.
Chiều 24-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp, chiều 24-4
Tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định, nội dung dự án Luật cơ bản bảo đảm tính hợp Hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Doanh nghiệp (2 đạo luật này cùng quy định về thuật ngữ pháp lý “chủ sở hữu hưởng lợi”); rà soát các dự án luật đang đồng thời trình UBTVQH xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (như dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo), chuyển những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp tại các dự án luật này sang quy định thống nhất tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Người đứng đầu cơ quan thẩm tra cũng đề nghị báo cáo, làm rõ tác động làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nhất là về điều kiện bảo đảm mức độ đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tính thuyết phục của đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Trong số các nội dung cụ thể, liên quan hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất và tác động của quy định điều kiện khống chế “có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành” để báo cáo Quốc hội.
“Bên cạnh đó, với các điều kiện về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được thắt chặt hơn, kiểm soát rủi ro tốt hơn, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, xem xét việc có thể mở đối tượng được tiếp cận với trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng bao gồm cả cá nhân (vẫn khống chế số lượng nhà đầu tư) để mở rộng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp khi điều kiện thực tế cho phép, bảo đảm phát triển bền vững thị trường trái phiếu, bảo đảm sự thống nhất của các quy định pháp luật về trái phiếu”, ông Phan Văn Mãi nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu quan điểm thẩm tra
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cơ bản tán thành các nội dung sửa đổi, bổ sung; song đề nghị rà soát rất kỹ để đảm bảo “tuổi thọ” của luật, tránh tình trạng vừa sửa xong lại phải sửa.
Đề cập đến quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ, bà Lê Thị Nga nhận định: “Điều kiện để phát hành trái phiếu riêng lẻ là doanh nghiệp có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành sẽ gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp lớn, vì các doanh nghiệp này thường có hệ số nợ lớn hơn doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, người mua cần phải tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Quang cảnh phiên họp
Cho rằng hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu, song Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp phải thể hiện được tinh thần đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động của mọi thành phần doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Cụ thể là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, không tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Việc nào của Quốc hội thì sửa, không đưa những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào luật.
Cùng quan điểm với bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất việc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung pháp luật. “Chúng ta làm luật rất công phu, nhưng có luật vừa ra, còn chưa thực hiện đã thấy khó”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thẳng thắn nhận xét.