Chung nhịp đập sẻ chia vì một thế giới bình an
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta tới New York (Hoa Kỳ) tối 20/9 đúng vào ngày đánh dấu mốc son tròn 44 năm Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc (LHQ). Ðánh giá của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres 'Việt Nam luôn là đối tác mạnh nhất của LHQ kể từ khi gia nhập năm 1977' một lần nữa được khẳng định rõ nét trong chuyến Chủ tịch nước tham dự Phiên thảo luận chung Cấp cao Ðại hội đồng LHQ Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Khóa họp Ðại hội đồng LHQ diễn ra trong bối cảnh đại dịch bùng phát trên thế giới. Gần hai năm qua, thời gian không thật dài nhưng đầy cam go, thử thách. "Cơn sóng thần" Covid-19 khiến toàn cầu chao đảo, gây nhiều hệ lụy chưa từng có tiền lệ tới nhiều quốc gia về sức khỏe, những mất mát về người, thiệt hại to lớn về kinh tế, những tác động sâu sắc đối với xã hội và người dân, chưa kể những thách thức gay gắt như an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng... đòi hỏi thích ứng và ứng phó hiệu quả. Với chủ đề "Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ LHQ", Phiên thảo luận chung cấp cao với sự tham dự của nguyên thủ, Thủ tướng và đại diện cấp cao của 193 quốc gia thành viên LHQ tập trung giải quyết những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết đó. Sức nóng không chỉ trong hội trường diễn ra sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh mà còn qua truyền thông, với hàng trăm nhà báo từ các quốc gia có mặt tác nghiệp, đưa tin, bởi sau hai năm gián đoạn, phiên họp trực tiếp mới được tổ chức.
Bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận chung Cấp cao nhấn mạnh những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, dài hạn với các vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay nhằm góp phần gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm trên phạm vi toàn cầu đã gây ấn tượng mạnh, được đông đảo đại biểu tán thưởng, bởi đã nói trúng những vấn đề nhiều quốc gia quan tâm. Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch, các nước phải tự cường trong phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững dựa trên sự hợp tác và cần biến thách thức thành cơ hội cho phát triển, khẩn trương hành động bảo vệ hành tinh xanh, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực tiễn của Việt Nam là minh chứng sinh động, dù ở thời chiến hay thời bình, Việt Nam luôn phát huy nội lực, đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hòa mình trong dòng chảy thời đại để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Cháy bỏng với khát vọng đất nước hùng cường, khi điều kiện vật chất chưa dư dả, trong giai đoạn gian nan nhất của cuộc chiến chống đại dịch, sức mạnh mềm được kích hoạt, khơi dậy mãnh liệt lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết. Lấy người dân là chủ thể, trung tâm, nhất quán quan điểm bảo vệ sinh mạng và sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu, không để ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam quyết tâm chống dịch và phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước phát triển bền vững. Một thế giới bị tổn thương chỉ có thể hàn gắn và hồi phục bằng sự đoàn kết, chia sẻ và Việt Nam đã không đơn lẻ, "cho" đi nhiều và "nhận" lại không ít.
Không chỉ đánh giá cao các đề xuất, sáng kiến thiết thực được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại các phiên họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và lãnh đạo các nước ấn tượng sâu sắc với nỗ lực không ngừng của Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm cao với công việc chung của cộng đồng quốc tế. Trân trọng những lá phiếu tín nhiệm trao trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã làm hết sức mình cùng với sự hỗ trợ quý báu của LHQ và các nước, tạo nên thành tựu nhiều dấu ấn.
Với lịch trình dày đặc trong bốn ngày, Chủ tịch nước đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo LHQ, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo cấp cao các nước. Nhiều cuộc gặp đã vượt qua khuôn khổ xã giao mà nồng ấm, thân tình trong thấu hiểu, sẻ chia chân thành, thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả. Ngoại giao vắc-xin những ngày qua liên tục đón nhận tin vui với số lượng lớn vắc-xin, thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ, cam kết chuyển giao công nghệ để chúng ta có được nguồn vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể, tiếp thêm động lực kiên cường chống dịch. Ðại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc hồ hởi chia sẻ, dù có nhiều khó khăn thách thức, nhất là do dịch bệnh, nhưng quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn thành công toàn diện trên nhiều lĩnh vực, kim ngạch thương mại hai chiều vượt mốc 90 tỷ USD và điểm sáng nổi bật là khi Hoa Kỳ đang căng mình chống dịch, Việt Nam hỗ trợ kịp thời và Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam sáu triệu liều vắc-xin Pfizer và 44 triệu USD.
Con số hàng chục tỷ USD được thống nhất thỏa thuận, ký kết với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ cho thấy niềm tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với nỗ lực của Việt Nam trong tích cực kiểm soát và sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sản xuất, duy trì các chuỗi cung ứng, sẵn sàng sẻ chia, tạo điều kiện, chung tay gỡ khó, từ đó củng cố niềm tin, thu hút, thúc đẩy đầu tư để "sau cơn mưa trời lại sáng". Tổng Giám đốc Arun Savkur hào hứng bày tỏ với nguồn lực và tài chính của mình, Tập đoàn Quantum (Hoa Kỳ) cam kết đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển Việt Nam với chuỗi dự án đầu tư lên tới 20 tỷ USD. Câu chuyện trong buổi Chủ tịch nước tiếp các bạn bè Hoa Kỳ chung quanh những hoạt động thiết thực ủng hộ, trợ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bom mìn sót lại sau chiến tranh Việt Nam cũng toát lên bầu không khí đồng cảm và thấu hiểu.
Càng trong khó khăn, nghĩa đồng bào thêm sâu nặng. Nghe bà con Việt kiều chia sẻ dù cách nửa vòng trái đất nhưng trái tim luôn hướng về nguồn cội, người mua thiết bị y tế, đồ bảo hộ, khẩu trang, thuốc bổ ủng hộ, người gửi tiền về nước góp quỹ vắc-xin, mong quê hương sớm vượt qua đại dịch, Chủ tịch nước hết sức cảm động. Ðồng cảm, xót xa khi bà con ở quê nhà gồng mình đối phó dịch bệnh, ông David Dương trao tặng 1.000 máy trợ thở với tâm nguyện giúp ích thiết thực trong điều trị để vơi bớt phần nào mất mát, đau thương.
Có lẽ chưa bao giờ tất cả người dân thế giới thấu hiểu tận cùng giá trị của sự bình an như lúc này. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", những ngày ở New York, trời trong xanh hơn. Màu xanh ấy chan chứa ước mơ, niềm tin và hy vọng vào một ngày không xa đại dịch bị đẩy lùi, cuộc sống bình an trở lại và đó "sẽ là chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta".