Chứng nhận chứng chỉ rừng là đòn bẩy phát triển lâm nghiệp bền vững
Trong bối cảnh tài nguyên rừng ngày càng chịu áp lực từ biến đổi khí hậu và khai thác không kiểm soát, việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững như Chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) đang trở thành xu hướng tất yếu. Việt Nam với định hướng phát triển kinh tế xanh, đang nỗ lực mở rộng diện tích rừng được chứng nhận.
Chuyển mình trong quản lý rừng
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể trong định hướng quản lý tài nguyên rừng. Năm 2000, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc chỉ ở mức 34%, nhưng đến năm 2024, con số này đã tăng lên 42,02%. Kết quả này phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ, người dân và các tổ chức quốc tế trong việc phục hồi hệ sinh thái rừng và ngăn chặn tình trạng suy thoái tài nguyên.

Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 537.000 ha rừng tự nhiên được tái sinh. Ảnh minh họa
Những nền tảng chính cho quá trình chuyển mình đó là Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình lâm nghiệp quốc gia cùng kỳ đã đặt ra các mục tiêu táo bạo như tái sinh 345.000 ha đất rừng mỗi năm, gắn kết giữa khai thác hợp lý và bảo tồn dài hạn.
Song hành cùng các chính sách quốc gia là các hoạt động tái sinh rừng cụ thể. Tính đến nay, đã có hơn 537.000 ha rừng tự nhiên được tái sinh và hơn 2,3 triệu ha rừng trồng đang được duy trì theo hướng tích cực. Việc đẩy mạnh trồng rừng và quản lý có trách nhiệm đã giúp Việt Nam không chỉ cải thiện độ che phủ mà còn tạo ra hệ sinh thái ổn định, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp giấy và du lịch sinh thái.
Một công cụ nổi bật trong hành trình chuyển đổi của ngành lâm nghiệp Việt Nam là chương trình Chứng nhận chứng chỉ rừng - PEFC. Đây là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất thế giới, với khoảng 300 triệu ha rừng đã được chứng nhận trên toàn cầu. PEFC cung cấp bộ tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý rừng bền vững, giúp các chủ rừng, doanh nghiệp và chuỗi cung ứng đảm bảo rằng sản phẩm của họ có nguồn gốc hợp pháp, thân thiện với môi trường và có khả năng truy xuất rõ ràng.
Việt Nam bắt đầu tiếp cận với PEFC từ năm 2014 và đến năm 2020 chính thức trở thành thành viên thứ 50 của tổ chức này. Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong quản lý rừng bền vững, với tổng cộng 659.000 ha rừng được chứng nhận, trong đó riêng diện tích có chứng chỉ PEFC đạt hơn 215.000 ha.
Cũng theo Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tỷ lệ truy xuất nguồn gốc trong các khu rừng tuân thủ PEFC hiện đã vượt 75%. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp gỗ và giấy Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu khắt khe như EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Chứng nhận chứng chỉ rừng - PEFC là đòn bẩy phát triển lâm nghiệp bền vững. Ảnh minh họa
Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai chữ số về nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm có chứng chỉ PEFC, thể hiện xu hướng chuyển dịch tiêu dùng sang các nguồn nguyên liệu bền vững và truy xuất được. Điều này càng thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh hơn vào quản lý rừng có chứng chỉ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín quốc gia trên thị trường quốc tế.
Sự hiện diện của PEFC tại Việt Nam đồng nghĩa với việc gia tăng trách nhiệm môi trường cho toàn bộ ngành công nghiệp rừng. Các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi sang phương thức khai thác có kiểm soát, thực hiện trồng lại rừng, triển khai các sáng kiến lâm nghiệp cộng đồng và đảm bảo quy trình sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ thiên nhiên. Những chuyển động này không chỉ bảo vệ tài nguyên mà còn mang lại giá trị dài hạn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bài học từ mô hình APRIL
Trong số các doanh nghiệp quốc tế đang ứng dụng thành công mô hình phát triển rừng bền vững, APRIL Group nổi bật như một ví dụ điển hình. Với mạng lưới sản xuất giấy quy mô lớn tại Đông Nam Á, APRIL không chỉ chú trọng hiệu quả kinh tế mà còn đi đầu trong việc bảo vệ hệ sinh thái và hỗ trợ cộng đồng địa phương - yếu tố cốt lõi của sự phát triển dài hạn.
Điểm đặc biệt trong mô hình của APRIL là cơ chế phát triển bền vững nội bộ, nơi các nguồn lực tài chính được phân bổ minh bạch cho các hoạt động bảo tồn và phát triển xã hội. Hàng nghìn hecta rừng hiện được giao cho cộng đồng bảo vệ, trong khi các chương trình sinh kế nông nghiệp bền vững đang giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập mà không phải phụ thuộc vào khai thác gỗ trái phép.
Ông Aldo Joson, Trưởng phòng Hoạt động phát triển bền vững tại APRIL chia sẻ: “Cơ chế phát triển bền vững nội bộ của chúng tôi, với việc phân bổ nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển xã hội một cách liên tục, kết hợp trách nhiệm giải trình tài chính với sự tham gia của cộng đồng, đã tạo ra hàng nghìn hecta rừng do cộng đồng bảo tồn, tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua nông lâm kết hợp bền vững và các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về quản lý rừng ngay từ khi còn nhỏ”.

Ông Aldo Joson, Trưởng phòng Hoạt động phát triển bền vững tại APRIL chia sẻ về kinh nghiệm bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Ảnh: A.R
Mô hình nông - lâm kết hợp do APRIL triển khai đã chứng minh tính hiệu quả ở nhiều khía cạnh: Vừa đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân, vừa góp phần duy trì độ che phủ rừng, giảm xói mòn đất và nâng cao chất lượng không khí. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn đầu tư vào giáo dục cộng đồng, đặc biệt là việc đưa kiến thức bảo vệ rừng vào trường học để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ từ sớm.
Một phần quan trọng trong chiến lược bền vững của APRIL là việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của PEFC trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu trồng rừng, khai thác đến chế biến và tiêu thụ. Điều này không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, nơi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và thân thiện môi trường.
Chia sẻ thêm về định hướng tương lai, ông Joson nhấn mạnh: “Tại APRIL, chúng tôi tin rằng tính bền vững không chỉ là một cam kết mà là một hành trình liên tục học hỏi, hợp tác và đổi mới. Tiến bộ mà chúng tôi đạt được trong quản lý rừng có trách nhiệm cho thấy những gì có thể đạt được khi các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế được thực hiện song hành”.
Từ bài học của APRIL, Việt Nam có thể mở rộng quy mô các dự án lâm nghiệp cộng đồng, tăng cường đào tạo kỹ thuật cho nông dân và chủ rừng, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát nguồn cung nguyên liệu từ rừng trồng có chứng chỉ PEFC. Nếu làm tốt, đây sẽ là nền tảng để ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển theo chiều sâu, mà còn đóng góp thiết thực vào nỗ lực toàn cầu về bảo vệ hành tinh.