Chứng khoán Việt Nam hồi phục bất chấp khủng khoảng
Hơn một tuần sau nổ ra xung đột Nga - Ukraine, chứng khoán Việt Nam có phiên hồi phục mạnh với sự chuỗi dậy của nhóm chứng khoán, ngân hàng...
GD&TĐ - Hơn một tuần sau nổ ra xung đột Nga - Ukraine, chứng khoán Việt Nam có phiên hồi phục mạnh với sự chuỗi dậy của nhóm chứng khoán, ngân hàng...
Chứng khoán lấy lại mốc 1.500
Kết phiên giao dịch ngày 3/3, Vnindex (VNI) tăng lên 1.505 điểm, tương đương 1,31% so với phiên trước đó. Giá trị thanh khoản toàn thị trường đạt trên 30.100 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực sau một tuần VNI giảm điểm liên tục.
Nhìn lại tuần giao dịch trước đó, VNI giảm mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine.
Ngay khi xung đột nổ ra, thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ và bắt đầu có sự phân hóa mạnh.
Một số lĩnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine hưởng lợi đó là dầu khí, phân bón, thép có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Ở nhóm phân bón - hóa chất, các mã DPM, DCM, DGC... có chuỗi tăng mạnh. Từ ngày 22/2 - 3/3, mã DPM tăng 28%, DCM tăng 33%, DGC tăng 20,6%...
Theo các nhà phân tích, Nga là nhà cung cấp nguyên liệu Ammonium nitrate dùng trong sản xuất phân bón lớn nhất thế giới với 75% thị phần toàn cầu. Việc Nga cấm xuất khẩu Ammonium nitrate đã đẩy giá phân bón thế giới tăng cao.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra chính sách hạn chế xuất khẩu các loại phân bón như NPK, Urea, DAP, MOP, Ammonium nitrate... cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung phân bón toàn cầu khan hiếm.
Bối cảnh quốc tế đã tạo lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam, giá sản phẩm neo ở mức cao, với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế là rất lớn.
Nhóm ngành dầu khí chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột địa chính trị Nga - Phương Tây khi có mức tăng trưởng gần 100%. Cụ thể, từ ngày 22/2 đến 3/3, mã PVC tăng đến 76,53%, PVT tăng 21,6%, PVS tăng 30,87%, OIL tăng 18%, BSR tăng 11%...
Từ trước đến nay, cổ phiếu dầu khí luôn được đánh giá là có độ nhảy cảm nhất trên thị trường chứng khoán, phụ thuộc chặt chẽ vào các đợt tăng - giảm giá của thị trường quốc tế. Xung đột địa chính trị giữa các nền kinh tế khiến nhu cầu dự trữ dầu tăng giúp Mỹ giải phóng được kho dự trữ dầu khổng lồ với giá béo bở, nhưng nền kinh tế các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lại bị tổn hại nghiêm trọng, thậm chí nhiều lĩnh vực có thể bị tê liệt...
Nhóm cổ phiếu thép cũng có sự tăng trưởng mạnh bởi 2 lý do. Trong nước, việc giải ngân đầu tư công trực tiếp thúc đẩy tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng. Khách quan, do xung đột giữa Nga - Ukraine khiến nguồn cung thép toàn cầu bị thiếu hụt. Đây là thời cơ tốt để những ông lớn khác của Việt Nam như HPG, NKG, HSG, POM... đẩy mạnh xuất khẩu, trám vào chỗ trống mà các doanh nghiệp Ukraine để lại.
Như vậy, nhóm cổ phiếu Thép đang có 2 xung lực rất mạnh, đó là nhóm hưởng lợi từ đầu tư công và có thể chiếm thị phần của các nhà cung cấp khác.
Nhà đầu tư hãy thận trọng
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thiệp, Công ty Chứng khoán VPS, trước những diễn biến “nóng” của thị trường, nhà đầu tư nên thận trọng, đánh giá xu hướng chuyển dịch dòng tiền và tìm đến những cổ phiếu cơ bản, bảo đảm độ an toàn.
Trên Diễn đàn Chứng khoán Việt Nam, nhiều người cho rằng, ngoài nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine, nhà đầu tư cũng cần nắm chắc những cổ phiếu cơ bản của các nhóm ngành khác như ngân hàng, BĐS, xuất khẩu, xây dựng... Bởi khi các xung đột được giải quyết có thể là thời cơ để các nhóm này tăng trưởng trở lại.
Theo nhà đầu tư An Nhu Le trên Diễn đàn Đầu tư Chứng khoán MT, một số mã cổ phiếu thuộc các lĩnh vực khác cũng có sự tăng trưởng nhẹ, cung tiền đã vào như mã BCG với các dự án BĐS, điện gió, điện mặt trời lớn, tiềm năng tăng trưởng mạnh thời gian tới.
Hay cổ phiếu GIL với thế mạnh là dệt may, đơn vị này nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm như quần áo, túi xách, ba lô, va ly, thảm tập gym, dù che ngoài trời, chăn ga gối đệm, hộp đựng thú cưng, giỏ đựng đồ giặt, võng, rèm cửa, chao đèn, hộp đựng đồ, túi đựng đồ treo tường.
Ngoài ra, đáng lưu tâm là GIL sẽ làm thêm 5 KCN, gần nhất KCN Phú bài 411ha đã giải phóng 99.6%. Dự kiến quý I/2022 bắt đầu có doanh thu nên kỳ vọng 2022 GIL có thể đạt lợi nhuận khoảng 800 - 900 tỷ. “GIL có thể đạt 150.000 đồng/cp”, nhà đầu tư An Nhu Le dự báo.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu BĐS khu công nghiệp cũng có tiềm năng tăng trưởng lớn.
Ông Hà Tiến Hoàng – Chuyên gia cao cấp Công ty Chứng khoán Rồng Việt từng nhận định trên livestream cho rằng: Các mã KBC, LHG và PHR có thể trở thành tâm điểm năm 2022 với diện tích sẵn sàng cho thuê lớn, hưởng lợi từ đầu tư công và thu hút FDI...