Chứng khoán Việt Nam 2025: Kỳ vọng đột phá từ những đổi mới

Với các quy định mới, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với kỳ vọng có thể tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn để trở thành điểm đến tin cậy của nhà đầu tư.

Các quy định mới sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn và thúc đẩy phát triển thị trường trong tương lai. Ảnh: Đ.T

Các quy định mới sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn và thúc đẩy phát triển thị trường trong tương lai. Ảnh: Đ.T

Từ những tiêu chuẩn mới

Sau hơn hai năm áp dụng Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HoSE-Index phiên bản 3.1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ban hành phiên bản 4.0 với nhiều thay đổi quan trọng.

Theo quy tắc mới, lần đầu tiên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được đưa vào khi xem xét danh mục cổ phiếu thành phần rổ VN30. Các doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế âm sẽ bị loại khỏi danh sách xem xét. HoSE cũng chỉ xét báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần. Các doanh nghiệp được kiểm toán chấp nhận toàn phần nhưng có nội dung vấn đề cần nhấn mạnh, lưu ý, hoặc vấn đề khác muốn được xem xét cần có sự tham vấn từ Hội đồng chỉ số.

Kể cả khi cổ phiếu đã được chọn vào rổ VN30, nếu rơi vào diện cảnh báo do vi phạm công bố thông tin trước ngày chính thức áp dụng rổ danh mục, cổ phiếu cũng sẽ bị thay thế vào phút cuối. Thông tin kết quả kinh doanh hay sự tuân thủ quy định công bố thông tin cũng là đầu vào quan trọng cho các quyết định trong 2 kỳ đảo danh mục vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm.

“Làn gió mới” xuất phát từ những thay đổi chính sách không chỉ tác động lên rổ VN30. Nhiều sửa đổi được quy định tại Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung 9 luật, trong đó có Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu thời gian tới, nhất là thị trường sơ cấp giữa tổ chức phát hành và các nhà đầu tư.

Trong bản cáo bạch cùng các tài liệu liên quan dày gần 1.200 trang mà Công ty cổ phần Vinpearl gửi đến cơ quan quản lý và các nhà đầu tư, “ông lớn” ngành bất động sản nghỉ dưỡng đã đưa thêm cả các báo cáo vốn góp chủ sở hữu kiểm toán trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2024. Tổ chức này đã sẵn sàng cho quy định mới khi “mở hàng” chào bán ra công chúng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2025.

Cùng với việc bổ sung giấy tờ trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, Luật số 56/2024/QH15 cũng đưa ra điều kiện xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu riêng lẻ mà nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân có thể mua, bên cạnh quy định có tài sản bảo đảm đối với trái phiếu hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” được đưa vào luật, thay vì chỉ quy định tại nghị định như trước.

Theo ông Đặng Thành Công, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư miền Bắc, Công ty cổ phần Chứng khoán KB (KBSV), các thay đổi về luật dù tạo ra áp lực đáng kể cho doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn, nhưng sẽ nâng cao chất lượng “hàng hóa” trên thị trường. Quy định mới sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư và thúc đẩy phát triển thị trường trong tương lai.

Đến kỳ vọng đột phá

Tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Cần sự nỗ lực của tất cả thành viên thị trường

- Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Việc thực hiện nhiệm vụ của ngành chứng khoán sẽ cần sự nỗ lực không ngừng của tất cả các thành viên trên thị trường, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Chúng ta cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn để thị trường chứng khoán trở thành điểm đến tin cậy của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) tập trung mọi nỗ lực để triển khai phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững.

Trước đó, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương công bố lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Trong đó, nhiều đề xuất đáng chú ý như rút ngắn quy trình niêm yết từ 90 ngày xuống còn 30 ngày; hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch, thay đổi niêm yết/đăng ký giao dịch được lược bỏ “giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán đã được điều chỉnh do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cấp”.

Việc cho phép công ty đại chúng có quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thấp hơn tỷ lệ quy định khi đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại điều lệ công ty trước đây cũng được loại bỏ. Thay vào đó, cơ quan soạn thảo đề xuất việc “room ngoại” thấp hơn quy định chỉ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp.

Cùng với việc tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và nhà đầu tư, nhiệm vụ năm 2025 do tư lệnh ngành tài chính đưa ra đặc biệt chú trọng khâu giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm trên các thị trường cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và nghĩa vụ công bố thông tin.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu ngành chứng khoán chú trọng công tác truyên truyền, nâng cao năng lực cho nhà đầu tư cá nhân, cung cấp thông tin kịp thời cho nhà đầu tư, hạn chế tác động tâm lý do tin xấu trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Với 6 giải pháp, nhiệm vụ đề ra, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng. Trong đó, ngành chứng khoán Việt Nam cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn. Từ những thay đổi này, thị trường chứng khoán sẽ trở thành điểm đến tin cậy của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chung-khoan-viet-nam-2025-ky-vong-dot-pha-tu-nhung-doi-moi-d238969.html
Zalo