Chứng khoán tuần này: Tranh chấp mạnh khi nguồn cung chốt lời gia tăng
VN-Index đang trong nhịp tăng ngắn hạn nhưng dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường khi tiến gần tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm.
Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch tích cực, với việc phục hồi mạnh mẽ vượt lên vùng đỉnh năm 2023, tương ứng 1.245 điểm -1.255 điểm; đồng thời cũng vượt lên vùng đỉnh giá cao nhất 2 tuần trước quanh 1.275 điểm.
Kết tuần, VN-Index tăng hơn 18 điểm (1,43%) lên mức 1.281,80 điểm và bắt đầu tiệm cận vùng giá quanh 1.295 điểm, tương ứng giá cao nhất tháng 8/2022. HNX-Index kết tuần ở mức 241,58 điểm, tăng 0,89% so với tuần trước.
Thanh khoản trên HoSE đạt 151.877 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 20% so với tuần trước. Đây là tuần giao dịch có thanh khoản ở mức kỷ lục khi trung bình hơn 30 ngàn tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch hơn 1,1 tỷ cổ phiếu/phiên, chỉ thua kém tuần giao dịch cao nhất lịch sử hồi tháng 11/2021.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, bán ròng mạnh với giá trị 3.177 tỷ đồng trên HoSE; mua ròng trên HNX với giá trị 90,65 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng lên tới 53,94 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 1.533,25 tỷ đồng. VNM cũng tiếp tục bị bán ròng mạnh với giá trị đạt 576,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 9,7 triệu đơn vị; trong khi tuần trước đó bị bán ròng 531,76 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu KBC với giá trị đạt 259,19 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 8,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh nhất về khối lượng là GEX với gần 9,93 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 202,15 tỷ đồng. Đây cũng là cặp đôi cổ phiếu có giao dịch và giá tăng ấn tượng trong tuần qua.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tiếp tục tăng điểm và vượt qua vùng đỉnh cũ, vùng 1.277 điểm. Mặc dù diễn biến thị trường có thận trọng và tranh chấp nhưng thanh khoản vẫn tăng, cho thấy dòng tiền vẫn đang nỗ lực hỗ trợ thị trường trước nguồn cung chốt lời.
VDSC dự kiến trạng thái tranh chấp sẽ mạnh hơn trong thời gian tới do nguồn cung chốt lời sẽ có chiều hướng gia tăng. VN-Index có khả năng nới rộng nhịp tăng nhưng nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để hành động phù hợp.
Phân tích kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung đã chạm đường biên trên của dải Bollinger band và có dấu hiệu rung lắc kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 1270 - 1280. Chỉ báo dòng tiền CMF hướng lên cho tín hiệu dòng tiền vẫn tham gia thị trường, cùng với chỉ báo DI+ và ADX đều đang ở mức cao cho thấy VN-Index sẽ sớm tiếp cận khu vực 1.300 - 1.310.
Ở khung đồ thị giờ, VN-Index kết phiên cuối tuần hình thành nến hammer sau khi kiểm tra lại khu vực hỗ trợ. Tuy nhiên, hai chỉ báo RSI và MACD đang ở vùng cao nên xác suất các phiên tới VN-Index sẽ rung lắc tích lũy trước khi có nhịp tăng mới.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường vẫn vận động tích cực và VN-Index đang trong nhịp tăng ngắn hạn nhưng dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường khi tiến gần tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm. Đơn vị phân tích không đánh giá cao khả năng chỉ số vượt 1.300 điểm để hình thành uptrend mạnh mẽ mà thiên về khả năng khu vực 1.300 sẽ có rung lắc. Rất có thể, thị trường sẽ điều chỉnh giảm khi đà tăng ngắn hạn suy yếu và giảm hưng phấn.
Về góc nhìn trung hạn, SHS cho rằng VN-Index có đà tăng mạnh nhưng đang vận động trên nền tích lũy chưa đủ dài và tin cậy nên khả năng thị trường hụt hơi sau nhịp tăng ngắn hạn là hoàn toàn có thể xảy ra. “Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục kéo dài thêm quá trình tích lũy quanh kháng cự mạnh 1.300 điểm trước khi có thể vượt cản này để hình thành uptrend,” SHS nhận định.
Công ty chứng khoán này cũng nhận định, tuần vừa qua, UBCKNN đã lấy ý kiến các thành viên về quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền. Nếu được thông qua và triển khai trong thời gian tới, quy định này sẽ tháo gỡ một trong hai nút thắt trong tiến trình nâng hạng thị trường theo quy định của FTSE là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room).
Cùng với việc HoSE chạy thử nghiệm hệ thống KRX vừa qua, SHS nhận định các cơ quan quản lý đang rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nhằm nâng hạng thị trường trong năm 2025 như mục tiêu của Chính phủ đặt ra.