Chứng khoán tuần mới (từ 9 đến 13/9): Sideway lấy đà?
Trái với dự đoán về những phiên 'bùng nổ' sau nghỉ lễ, tuần giao dịch từ ngày 4 đến 6/9 tiếp tục là tuần điều chỉnh thứ hai liên tiếp. Chỉ số VNIndex giảm 9,91 điểm, tương đương 0,77%. Các chuyên gia nhận định, tuần giao dịch tiếp theo, thị trường nhiều khả năng vẫn đi ngang trong biên từ 126x đến 128x, từ đó lấy đà tiến đến những cột mốc cao hơn.
Họ nhà Vin nổi sóng
Tuần qua, thị trường chỉ giao dịch 3 ngày (do 2 ngày đầu tuần nghỉ bù) với thanh khoản khá “èo uột", trung bình 600 triệu cổ phiếu/ngày với giá trị khoảng 15 ngàn tỷ.
Hầu hết các nhóm ngành đều điều chỉnh, với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Sau một tuần giao dịch, nhóm ngân hàng chỉ còn le lói sắc xanh tại CTG +1,28%, BID +0,82%. Còn đa phần đều giảm mạnh với SSB -6,2%, VPB-2,6%, MBB -3,4%, HDB -3,4%...
Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn CTS tăng nhẹ. Các cổ phiếu lớn như SSI, VND, HCM, VCI đều giảm hoặc đi ngang.
Cổ đông của nhóm thép được một phen “toát mồ hôi" khi HPG trong phiên tạo “new low” (mức giá thấp nhất trong ngắn hạn là) 24.750 đồng, trước khi rút chân mạnh về cuối phiên. Kết tuần chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm, tương đương 0,39% .Tương tự, HSG, NKG cũng giao dịch thất vọng khi giảm hơn 4%.
Nhóm Dầu khí có một tuần dao động cùng thị trường, khi đi ngang trong biên hẹp. Nhờ phiên thứ 6 “quật khởi", nhiều cổ phiếu có mức tăng tốt khi PTV +6,67%, GAS +0,96%, DPM +3,16%...
Nhóm bất động sản sau những phiên đột phá vào giữa tháng 8, thì tuần này đa phần đều đi ngang. Trong khi NVL, PDR, NLG, KDH… tăng nhẹ thì DIG -3,23%, DXG -1,59%. Dù vậy nhiều cổ phiếu vẫn chưa thủng đáy, có thể báo trước về sự hồi phục, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.
Họ nhà Vincom tiếp tục là điểm sáng khi VHM +5,78%; VIC + 1%, VRE +4,69%. Đây đã là tuần tăng liên tiếp thứ 5 của Công ty BĐS Vinhomes. Từ đáy ngắn hạn, cổ phiếu này đã bật tăng đến gần 30%.
Bước qua xu thế?
Theo bà Bích Tuyền, chuyên gia thuộc CTCK Viet Cap, tuần qua VNindex diễn biến giằng co do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, nhưng vẫn giữ được và đóng trên đường trendline cho xu hướng tăng trung hạn. Kháng cự của thị trường quanh 1285 - 1290, vượt vùng này sẽ là 1300 - 1310; hỗ trợ gần nhất quanh 1266 xa hơn là 1255.
Ở góc nhìn cá nhân, dù chỉ số chung đang gặp các kháng cự quan trọng, nhưng nhìn riêng lẻ các cổ phiếu trụ thì thấy đang về vùng hỗ trợ cứng, nên xác suất sẽ có nhịp nảy lên để kiểm kháng cự đang được củng cố.
Về các tin tức mới, theo báo cáo được ADP công bố, trong tháng 8, các nhà tuyển dụng tư nhân tại Mỹ đã tuyển số lao động ít nhất trong hơn 3 năm qua, phản ánh sự suy yếu của thị trường lao động. Tuy nhiên, số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng giảm, cho thấy tình trạng sa thải vẫn ở mức thấp.
Như vậy thị trường lao động được nhận định không bị ảnh hưởng quá nhiều dù tốc độ tạo việc làm chậm lại. Những dữ liệu quan trọng như: tỷ lệ thất nghiệp, số giờ làm trung bình và số lượng việc làm mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc họp của FED sắp tới.
Trong khi đó Ngân hàng TW Châu Âu ECB được dự báo sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 tới và có thêm 1 lần cắt giảm khác vào tháng 12, qua đó đưa lãi suất tiền gửi về mức 3.25%. Tăng trưởng tiền lương chậm lại và hoạt động kinh tế kém khả quan càng làm tăng khả năng ECB cắt giảm lãi suất trong tuần tới.
Tại Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước tiếp tục có sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng vào thời điểm giữa quý 3, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52.4 điểm trong tháng 8. Mặc dù từng chỉ số đang tăng chậm lại nhưng vẫn cho thấy các điều kiện kinh doanh đang cải thiện do sự ổn định về giá cả đầu vào.
Bên cạnh đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phấn đấu giải ngân >95% số kế hoạch vốn năm 2024 để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đến giữa tháng 8 đạt hơn 473 tỷ USD tăng 16.9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16% và nhập khẩu tăng 18%.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, số liệu vĩ mô tháng 8 mang đến những gam màu sáng rõ rệt trong hoạt động sản xuất – thương mại của Việt Nam trong giai đoạn giữa Quý 3. PMI đạt 52.4 điểm, tiếp tục cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh trong nước và ghi nhận mức mở rộng liên tục trong suốt 5 tháng vừa qua, từ sản lượng cho đến số lượng đơn đặt hàng mới. Các hoạt động kinh tế tích cực từ sản xuất, xuất nhập khẩu, FDI,… trong 2/3 thời gian của Quý 3 hứa hẹn sẽ mang đến một mùa báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3/2024 khả quan.
Ngoài ra, việc FED sẽ chính thức xoay chiều chính sách vào kỳ họp tháng 9 sắp tới cùng với tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt sẽ là những yếu tố mở đường cho Chính phủ và Ngân hàng nhà nước có thể thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng VN-Index có thể chịu những tác động ngắn hạn bởi các pha điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán thế giới chủ yếu vì yếu tố tâm lý, tuy nhiên, những yếu tố tích cực của nền kinh tế trong nước như đề cập bên trên vẫn sẽ là những động lực chính và cốt lõi trong biến động giá cổ phiếu trong nước, giúp thị trường đạt được những cột mốc cao hơn”- Bà Liên nhấn mạnh.
Cũng theo bà Bích Tuyền, nhịp này nên ưu tiên nắm giữ và quản lý chặt stoploss, hạn chế mua đuổi giá. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao thì nhà đầu tư có thể canh giải ngân một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, phân đạm, bán lẻ, đầu tư công như: BID, DPM, PNJ, HHV…