Chứng khoán tuần mới (từ 12 đến 15/8): Trong nguy có cơ?

Tuần giao dịch từ 5 đến 9/8 tiếp tục chứng kiến tuần điều chỉnh liên tiếp thứ 5 của thị trường, kéo dài từ tháng 7 đến nay. Các chuyên gia đánh giá trong ngắn hạn thị trường vẫn còn nhiều rủi ro, tuy nhiên cơ hội luôn còn với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, có phương pháp và khả năng quản trị vốn tốt...

Liên tiếp điều chỉnh

Tuần trước các chuyên gia đánh giá thị trường có thể hồi phục sau phiên kết tuần bật tăng khá mạnh. Tuy nhiên ngay phiên giao dịch đầu tuần thị trường đã “cắm đầu" giảm mạnh gần 4%. Cùng thời điểm, các chỉ số Nikkei 225 của Nhật bản giảm đến 13%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8%.

Rất may bốn phiên giao dịch tiếp theo thị trường ghi nhận 3 phiên tăng và một phiên giảm. Do vậy kết tuần, chỉ số VNIndex chỉ giảm gần 13 điểm, đóng cửa tại 1223,64 điểm. “Nến" tuần rút chân rất mạnh thắp lên hy vọng thị trường có thể hồi phục khoảng 20 điểm nữa.

Không nằm ngoài điều chỉnh chung của chỉ số, tất cả các nhóm ngành cơ bản từ Ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đều giảm sau một tuần giao dịch. Chỉ có một số Bluechips có câu chuyện riêng đi ngược, như VHM +3,3%; MSN + 4%; FPT +3%, GAS +3,4%, PLX +1%...Riêng cổ phiếu VNM (Công ty Vinamilk) tăng 2,5% và đã là tuần tăng liên tiếp thứ ba của cổ phiếu này, mặc cho thị trường điều chỉnh.

Tuần giao dịch qua chứng kiến một số cổ phiếu trong nhóm ngân hàng có mức điều chỉnh rất mạnh, đơn cử TCB -10%, VPB -4%, TPB -3,6%. TCB cũng bị khối ngoại xả rất mạnh, phiên giao dịch ngày 8/8 chứng kiến thanh khoản kỷ lục của cổ phiếu này, mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh bán niên rất tốt. Nhiều chuyên gia đánh giá đây có thể là cú “wash out" để từ đây cổ phiếu sẽ hồi phục đi lên.

Các cổ phiếu lớn thuộc BIG4 chỉ có mức điều chỉnh nhẹ, như VCB -1%, BID -2%, CTG -0.16%. Chỉ duy nhất chỉ có STB là còn tăng nhẹ hơn 1%.

Nhóm thép cũng giao dịch thất vọng khi HPG -4,4%; HSG -2,8%; NKG -2,5%. Các cổ phiếu nhỏ điều chỉnh mạnh hơn khi SMC -6%, TLH - 5,5%, VGS -3,8%. Đây cũng là tuần điều chỉnh thứ 5 liên tiếp của SMC. Tính từ đầu tháng 7, SMC đã điều chỉnh 50% từ đỉnh, sau khi kéo mạnh 90% từ tháng 4/2024 đến tháng 6/2024.

Nhóm bất động sản tiếp đà điều chỉnh, song cường độ đã giảm đáng kể khi PDR -1,6; NLG -1% , DIG -3%, NVL - 0,8%... Sắc xanh chỉ còn le lói DXG +1,5%, LHG +0,77%, IDC + 2,4%.

Trong nguy có cơ?

Tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực. Điển hình NHNN mới đây đã trình chính phủ mở rộng quy mô gói tín dụng cho NOXH từ 120.00 tỷ đồng lên 140.000 tỷ đồng. Ngoài 4 NHTM có vốn nhà nước (BIG 4) thì có thêm 4 NHTM nữa cũng đăng ký, mỗi ngân hàng cho vay 5000 tỷ đồng, nâng tổng quy mô vay ưu đãi lên 140.000 tỷ đồng, mức lãi xuất được đề xuất giảm từ 1 – 3% so với lãi xuất cho vay trung và dài hạn bình quân của 4 ngân hàng lớn, còn chủ đầu tư vẫn sẽ giữ mức giảm từ 1.5 – 2% như hiện tại.

Bên cạnh đó, NHNN đã tiến hành giảm lãi xuất cho vay các giấy tờ có giá trên thị trường mở OMO (giảm 0.25%/năm so với phiên trước) đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi xuất OMO kể từ cuối năm 2023; lãi xuất tín phiếu cũng giảm 0.25% so với phiên trước đó trong bối cảnh tỷ giá đang giảm dần.

Điều này cho thấy NHNN đang bơm tiền ra nền kinh tế và sử dụng song song 2 công cụ được đánh giá nhằm phục vụ mục tiêu kép, vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi xuất thấp trên thị trường 1; bên cạnh đó giảm sức ép lên tỷ giá thông qua thu hẹp chênh lệch lãi xuất giữa USD/VND trong thị trường liên ngân hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Nhận xét về thị trường tuần qua ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS cho biết. Yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chủ yếu là do tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những thông tin, tin tức tiêu cực trên thị trường thế giới.

VNIndex đã tạo đáy 1200 - 1220 điểm và nhiều khả năng sẽ phục hồi hướng lên khu vực 1250 - 1260 điểm trong tuần giao dịch tới. Phiên giảm điểm sâu đầu tuần trước cũng là đáy của đợt điều chỉnh này, VN-Index sẽ tích lũy đi dần lên ở giai đoạn tới.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, khả năng thị trường sẽ có lần nữa “test" lại đáy tháng 4 (hoặc thủng). Thị trường đang có diễn biến hồi phục khá tốt trở lại sau phiên giảm mạnh 5/8, tuy nhiên bà Liên cho rằng khả năng chỉ là nhịp “hồi kỹ thuật” sau khi tâm lý thị trường rơi vào hoảng loạn cực độ. Lực cầu yếu thể hiện qua khối lượng thấp đang ủng hộ khả năng này. Nhịp hồi này có thể sẽ kéo dài được 1-2 tuần, và hiện đã qua được 1 tuần, nhà đầu tư cần chú ý khả năng biến động lớn trong tuần này nếu chỉ số tiếp tục tiến lên vùng cản 1240-1260.

Ông Nguyễn Thế Hoài - Giám đốc chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt nhận xét. Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm không dành niềm vui cho số đông, dòng tiền thông minh chỉ tìm tới các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nên tâm lý đa phần của nhà đầu tư đều chán nản xen lẫn hoài nghi. Với tâm lý đó thì chỉ cần một tác động từ bên ngoài sẽ khiến nhà đầu tư sợ hãi.

“Tôi cho rằng thời điểm này chúng ta nên tập trung tìm kiếm các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong nửa cuối năm, định giá hấp dẫn và phân bổ tỷ trọng tiền - cổ phiếu ở mức hợp lý (50% tiền 50% cổ phiếu chẳng hạn)”.

Các chuyên gia đánh giá trong ngắn hạn thị trường vẫn còn nhiều rủi ro, tuy nhiên cơ hội luôn còn với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, có phương pháp và khả năng quản trị vốn tốt... Một số nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô trong các tháng cuối năm, nhà đầu tư có thể canh gom dần gồm: Dệt may với cổ phiếu TNG, MSH… Nhóm công nghệ: FPT, CMG, MCH… Nhóm chứng khoán: VCI, HCM, SSI, VDS… Nhóm Dầu khí với PVS, GAS, BSR, PVT; nhóm đầu tư công với: VCG, HHV, CII...

Minh Khang

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/chung-khoan-tuan-moi-tu-12-den-158-trong-nguy-co-co-715723.html
Zalo