Chứng khoán tuần 5 - 9/8: Tín hiệu gì từ 3 luật về bất đông sản có hiệu lực?

VN-Index phục hồi, thanh khoản yếu; VietJet Air tăng mạnh lợi nhuận quý 2; lịch trả cổ tức; hàng tốn kho chiếm 59% tổng tài sản Novaland;...

 Chứng khoán tuần 5 - 9/8: VN-Index sớm "tạo đáy" tại 1.200 - 1.220 điểm? Ảnh minh họa

Chứng khoán tuần 5 - 9/8: VN-Index sớm "tạo đáy" tại 1.200 - 1.220 điểm? Ảnh minh họa

VN-Index hồi phục, dòng tiền vẫn rất thận trọng

Sau một chuỗi ngày giao dịch đầy biến động, VN-Index lấy lại "sắc xanh" vào cuối tuần qua khi tăng gần 10 điểm, chốt tuần với 1.236,6 điểm. Song, tín hiệu này chưa đủ để giúp thị trường "lấy lại" vùng điểm 1.250 điểm trước đó khi "lao dốc" tới 24,5 điểm vào phiên ngày 1/8.

Dù vậy, thanh khoản vẫn thấp với 15.666 tỷ đồng tại riêng sàn HOSE.

Khối ngoại cũng mua ròng trở lại với 790 tỷ đồng tại sàn HOSE, tâm điểm với VNM (Vinamilk, HOSE).

Nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường hồi phục (Ảnh: SSI iBoard)

Nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường hồi phục (Ảnh: SSI iBoard)

Theo ông Bùi Ngọc Trung, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, thị trường tuần qua ghi nhận một số tín hiệu tốt cho việc hồi phục đầu tuần với khá nhiều thông tin mang tính khởi đầu và trọng điểm, song, dòng tiền tỏ ra rất thận trọng. Cụ thể là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8; EU điều tra chống bán phá giá với các mặt hàng thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam; những thông tin về việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào ngày 2/8,... đã ảnh hưởng tâm lý khá nhiều cho các nhóm ngành hàng như sản xuất và xuất khẩu.

Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air của nữ tỷ phú Phương Thảo lãi mạnh trở lại quý 2 năm nay

Lợi nhuận VietJet Air tăng vọt với hoạt động khai thác mạnh (Ảnh: Internet)

Lợi nhuận VietJet Air tăng vọt với hoạt động khai thác mạnh (Ảnh: Internet)

Theo kết quả kinh doanh quý 2 năm nay, VietJet Air (VJC, HOSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.224 tỷ đồng, nhờ vào việc giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ giảm đáng kể, VJC lãi mạnh trở lại với 578,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện tích cực so với cùng kỳ năm 2023 khi lỗ 36,2 tỷ đồng. Tổng 6 tháng đầu năm, VJC đạt doanh thu thuần 34.016 tỷ đồng và lợi nhuận gần 1.118 tỷ đồng, lần lượt tăng mạnh 15,3% và 718,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay, hãng hàng không giá rẻ của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã trở lại hoạt động khai thác mạnh hơn giai đoạn 2019, trước đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn này, VietJet vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay.

BVBank dẫn đầu nhóm ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất 6 tháng đầu năm

Nửa đầu năm 2024 đã trôi qua, toàn ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng gần 14% so với cùng kỳ năm trước với sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng.

BVBank có mức tăng trưởng mạnh nhất ngành trong quý 2/2024 (Ảnh: Internet)

BVBank có mức tăng trưởng mạnh nhất ngành trong quý 2/2024 (Ảnh: Internet)

BVBank (BVB, HOSE) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất ngành trong nửa đầu năm 2024 khi lợi nhuận đạt 122 tỷ đồng, tăng gấp 3,81 lần so với cùng kỳ. Theo đó, hoạt động kinh doanh ngoại khối khởi sắc, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ thông qua doanh thu mua – bán ngoại tệ tăng mạnh. Ngoài ra, hoạt động cho vay tích cực với các gói vay lãi suất ưu đãi, chính sách cạnh tranh tiếp cận khách hàng giúp dư nợ cho vay đạt gần 59.600 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng BIG4 tiếp tục đóng góp mạnh mẽ cho sự tăng trưởng toàn ngành khi chiếm gần 40% tổng lợi nhuận toàn ngành. Vietcombank (VCB, HOSE) là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất ngành với 16.711 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,77% so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 13% lợi nhuận toàn ngành.

Hàng tồn kho Novaland chiếm hơn 59% tổng tài sản

Tại báo cáo tài chính quý 2/2024, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va – Novaland (NVL, HOSE), tính tới cuối tháng 6 năm nay, doanh nghiệp ghi nhận giá trị tồn kho bất động sản hơn 142.000 tỷ đồng, chiếm hơn 59% tổng tài sản.

Loạt "siêu dự án" được cho là nguyên nhân chủ yếu cho lượng hàng tồn kho của NVL chiếm 59% tổng tài sản (Ảnh: Novaworld Novaland)

Loạt "siêu dự án" được cho là nguyên nhân chủ yếu cho lượng hàng tồn kho của NVL chiếm 59% tổng tài sản (Ảnh: Novaworld Novaland)

Giới phân tích cho rằng, phần lớn giá trị tồn kho này sẽ đến từ các siêu dự án của NVL, gồm: Aqua City (tỉnh Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), NovaWorld Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu),…do còn vướng mắc về pháp lý, quy hoạch,…

Giá trị hàng tồn kho lớn trong khi lượng hàng bán chậm khiến áp lực cân đối dòng tiền của Novaland trở nên nặng nề hơn. Tổng lượng tồn kho và các khoản phải thu đã chiếm tới 194.500 tỷ đồng (xấp xỉ gần 81% tổng nguồn vốn), điều này phần nào ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh và sức khỏe tài chính của NVL.

4 mã cổ phiếu ngân hàng "tiềm năng" trong tháng 8

Cổ phiếu ACB (ACB, HOSE), Chứng khoán Vietcap khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.000 đồng/cp, kỳ vọng tăng 34%. Chủ yếu là vì ngân hàng có chiến lược thận trọng và dư nợ cho vay đa dạng, có chất lượng tốt, giảm thiểu rủi ro trong điều kiện bất lợi.

Cổ phiếu VPB (VPBank, HOSE), Chứng khoán Vietcap khuyến nghị mua với giá mục tiêu 24.500 đồng/cp, kỳ vọng tăng gần 31%. Vietcap nhận định, VPB có hệ số an toàn vốn tối thiểu cao nhất ngành tại 17% sau khi bán vốn cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vào năm 2023.

Cổ phiếu CTG (Vietinbank, HOSE), Chứng khoán VNDirect khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 39.500 đồng/cp, tăng gần 26% nhờ vào tăng trưởng doanh thu và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng.

Cổ phiếu STB (Sacombank, HOSE), Chứng khoán Vietcap khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 38.100 đồng/cp, kỳ vọng tăng gần 12%. Theo chuyên gia, hoạt động kinh doanh ngân hàng cốt lõi vững chắc là một trong những tiêu chí góp phần vào sự thành công của Đề án tái cơ cấu.

Nhận định và khuyến nghị

Ông Bùi Ngọc Trung, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset đưa ra đánh giá, thị trường phục hồi vào cuối tuần nhưng thanh khoản vẫn rất yếu, tâm lý thị trường vẫn còn e dè với thị trường trong thời điểm các thông tin, nhiều biến số đang diễn ra khó lường, kèm theo đó là sự phân hóa của các nhóm ngành sau kết quả kinh doanh quý 2. Do vậy, trong ngắn hạn, thị trường có thể chưa có sự đảo chiều mạnh cho xu hướng tăng nhanh trở lại và cần thêm thời gian tích lũy.

Thị trường hồi phục nhưng tâm lý vẫn còn e dè khi dòng tiền rất yếu

Thị trường hồi phục nhưng tâm lý vẫn còn e dè khi dòng tiền rất yếu

Theo ông, VN-Index có thể sớm tạo đáy ngắn hạn tại vùng 1.200 – 1.220 điểm.

Trong dài hạn, thị trường đã đón nhận nhiều triển vọng từ các thông tin: dự báo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9; Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực kiểm soát tốt về ổn định tỷ giá trong ngắn hạn; các chính sách củng cố cho đà tăng trưởng kinh tế: mặt bằng lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, tăng trưởng tín tín dụng,…

Nhịp điều chỉnh của thị trường thời gian qua đã giúp nhiều nhóm ngành và cổ phiếu "quay về" mức giá hợp lý và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Vì vậy, điều nên làm lúc này là lựa chọn những nhóm ngành duy trì tốc độ tăng trưởng cao và hưởng lợi từ việc hồi phục kinh tế, gồm các nhóm: Ngân hàng, Bất động sản, Bán lẻ và tiêu dùng, Dệt may,...

Nhóm ngân hàng dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp thị trường hồi phục với tín dụng tăng trưởng 6% trong nửa đầu năm qua, tín dụng bán lẻ hồi phục đi khi thị trường Bất động sản ấm dần lên với thêm nhiều dự án được mở bán trong nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, ngành dệt may cũng sẽ đóng vai trò tích cực trong nửa cuối năm nay với các yếu tố đang dần cải thiện và được củng cố như thị trường tiêu dùng tại Mỹ và các nước lớn dự kiến sẽ hồi phục mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ; các dịp lễ cuối năm,... Một số cổ phiếu có thể quan tâm: TNG (Dệt may TNG, HNX), TCM (May Thành Công, HOSE), STK (Sợi Thế kỷ, HOSE).

Chứng khoán BSC nhận định, thị trường xuất hiện tín hiệu tích cực và có thể tiếp tục quán tính tăng điểm trong ngắn hạn tại vùng 1.240 – 1.250 điểm, nhà đầu tư cần thận trọng trước áp lực chốt lời có thể xuất hiện tại đây.

Chứng khoán TPS cho rằng, thị trường giao dịch giằng co trong tuần qua, kịch bản tiêu cực vẫn có thể xảy ra, nhà đầu cần quan sát vùng 1.230 điểm để "kiểm chứng" VN-Index có vượt qua thành công trong tuần này hay không, từ đó mới nên có quyết định đầu tư.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 15 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tuần này. Trong đó, 13 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp.

Tỷ lệ cao nhất là 95%, thấp nhất là 3%.

1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu:

CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/8, tỷ lệ 25%.

1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp:

CTCP Tập đoàn CNT (CNT, UPCoM) trả cổ tức kết hợp: tiền mặt và cổ phiếu. Với hình thức cổ phiếu, CNT chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/8, tỷ lệ lần lượt là 26%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền tuần này

*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-5-9-8-tin-hieu-gi-tu-3-luat-ve-bat-dong-san-co-hieu-luc-20240805074730657.htm
Zalo