Chứng khoán tuần 26 - 30/8: VN-Index hướng tới vùng 1.300 điểm
VN-Index vào vùng tích lũy trước ngưỡng 1.300 điểm, loạt cổ phiếu bất động sản tiệm cận vùng đáy, Thế giới Di động tiếp đà tăng trưởng, lịch trả cổ tức, cổ phiếu đáng chú ý.
VN-Index duy trì đà tăng, bước vào vùng kháng cự mạnh
Tiếp nối đà tăng sau phiên "bùng nổ" vào ngày 16/8, VN-Index tăng mạnh gần 24 điểm sau một tuần giao dịch với 1.285,32 điểm.
Thị trường đi vào vùng kháng cự khi xuất hiện diễn biến giằng co vào phiên cuối tuần, thị trường kết thúc trong trạng thái "xanh vỏ, đỏ lòng", tăng nhẹ 2,54 điểm với 172 mã tăng (6 mã "tăng trần"), 212 mã giảm (3 mã "nằm sản") và 99 mã đi ngang.
Thanh khoản giảm về 16.839 tỷ đồng. Dù vậy, theo dữ liệu của Chứng khoán VNDirect, thanh khoản tuần này đã tăng 19% lên ngưỡng 17.756 tỷ đồng/phiên.
Về nhóm ngành, độ rộng thị trường lan tỏa đều với 10/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành bảo hiểm dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành tài nguyên cơ bản…
Nhóm cổ phiếu trụ thuộc "rổ" VN30 tiếp tục dẫn dắt thị trường giữ sắc xanh, song, mức tăng không quá lớn.
Khối ngoại quay về trạng thái bán ròng nhưng không quá lớn, với gần 80 tỷ đồng tại sàn HOSE, tập trung tại các mã: HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), VHM (Vinhomes, HOSE), HSG (Tôn Hoa Sen, HOSE)…
5 cổ phiếu bất động sản tiệm cận vùng đáy lịch sử
Đi ngược với xu hướng thị trường, nhiều mã bất động sản vẫn giao dịch ảm đạm tài vùng đáy lịch sử.
Cổ phiếu FIR (Địa ốc First Real, HOSE) về giá 6.760 đồng/cp phiên cuối tuần trước, cách vùng giá thấp nhất khoảng 3.000 đồng/cp (mức giá khởi điểm của FRT khi niêm yết). Sau khi lập đỉnh giữa tháng 4/2023, thị giá của FIR đã "bốc hơi" gần 82%, vốn hóa theo đó chỉ còn 434,3 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu DRH (DRH Holdings, HOSE) đang đứng ở mốc 2.500 đồng/cp, cách vùng đáy sâu nhất khoảng 1.650 đồng. Tính từ thời điểm ngày 1/12/2022, DRH Holdings đã mất hơn 91% vốn hóa trên thị trường. Cùng lúc này, kết quả kinh doanh của công ty không mấy khả quan với 5 quý liên tiếp "lỗ".
Cổ phiếu LDG (Đầu tư LDG, HOSE) vừa tạo đáy lịch sử vào phiên 5/8 và hồi phục nhẹ trở lại. Hiện LDG đang đứng tại mốc 1.970 đồng/cp, chỉ cách 260 đồng so với mức đáy. Liên quan đến LDG, cuối tháng 7 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM để xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh đối với Công ty LDG (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Cổ phiếu TDH (Phát triển Nhà Thủ Đức, HOSE) đang đứng ở mốc 2.930 đồng/cp kết phiên 23/8, chỉ cách đáy lịch sử 460 đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, TDG tiếp tục chìm trong thua lỗ với âm 27,5 tỷ đồng lợi nhuận. Liên quan đến TDH, Cục thuế TPHCM đã ban hành quyết định vào ngày 14/8 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Công ty với số tiền gần 91,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu DTA (CTCP Đệ Tam, HOSE) cổ phiếu này chỉ còn 4.190 đồng/cp, cách đáy lịch sử 2.400 đồng. Tính từ đỉnh lịch sử vào đầu tháng 11/2021 là 28.800 đồng/cp, mã bất động sản này đã mất hơn 85% vốn hóa, tương ứng chỉ còn 75,5 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu đáng chú ý
Chứng khoán DSC đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FRT (FPT Retails, HOSE) và CTG (VietinBank, HOSE).
DSC ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT trong năm 2024 sẽ lần lượt đạt 38.220 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước) và 260 tỷ đồng dựa vào kỳ vọng các mảng kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm: hưởng lợi từ làn sóng cắt mạng 3G; chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục tăng trưởng tích cực; chuỗi tiêm chủng của FRT đã vượt qua khó khăn ban đầu…; DSC dự phóng giá cổ phiếu FRT trong năm nay sẽ đạt mức 196.000 đồng/cp.
Với cổ phiếu CTG, DSC cho rằng, kết quả kinh doanh quý 2 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam duy trì tốc độ hồi phục ổn định với 19.640 đồng tỷ đồng thu nhập hoạt động (tăng 11% so với cùng kỳ), 6.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (ăng 3% so với cùng kỳ). Biên lãi thuần hồi phục tốt hơn xu hướng chung và chất lượng tài sản dự báo cải thiện trong nửa cuối năm, DSC duy trì giá mục tiêu năm 2024 của CTG là 41.300 đồng/cp. Nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu tại vùng giá 33.000 – 34.000 đồng/cp.
Đóng hàng loạt cửa hàng, Thế giới Di động tăng trưởng 15% trong 7 tháng đầu năm
Mặc dù đóng liên tiếp các cửa hàng, MWG duy trì đà tăng trưởng 15% doanh thu 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ, đạt hơn 76.500 tỷ đồng.
Tại cuộc họp với nhà đầu tư quý 4 vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài từng tự tin khẳng định, việc đóng bớt cửa hàng sẽ không ảnh hưởng lớn tới doanh thu công ty nhờ sự chuyển dịch sang các cửa hàng lân cận. Đồng thời, động thái này giúp MWG tiết giảm đáng kể chi phí, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Điều này đã từng được ông nhấn mạnh lại tại Đại hồi đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận của MWG đã hồi phục rất mạnh từ đầu năm đến nay. Doanh nghiệp bán lẻ này đã có 2 quý liên tiếp tăng trưởng đột biến so với nền thấp cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 2.075 tỷ đồng, hoàn thành gần 87% kế hoạch đề ra.
Xét theo từng mảng kinh doanh, chuỗi Thế giới Di động/Điện máy Xanh đạt tổng doanh thu 51.300 tỷ đồng sau 7 tháng đầu năm, tăng hơn 6% so với cùng kỳ 2023. Riêng trong tháng 7, MWG thu khoảng 7.200 tỷ từ bán đồ điện tử, điện máy, điện lạnh. Kết quả này càng củng cố luận điểm mà ban lãnh đạo MWG đưa ra cho chiến dịch này.
Trước diễn biến này, Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, với triển vọng tích cực khi chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh phục hồi từ nền thấp và chuỗi Bách hóa xanh bắt đầu mở rộng sau khi vượt điểm hòa vốn. Đồng thời đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu MWG, giá mục tiêu là 78.000 đồng/cp.
Nhận định và khuyến nghị
Theo bà Kim Dung, chuyên viên tư vấn Chứng khoán Mirae Asset, Thị trường chứng khoán phản ánh tăng trưởng thực của kinh tế và với thị trường còn non trẻ cùng nhiều động lực triển vọng nâng hạng sẽ giúp đà tăng dài hạn của thị trường sẽ bền vững hơn. Về ngắn hạn, các yếu tố về dòng tiền trở lại trong tuần qua đi kèm khá nhiều thông tin hỗ trợ đặt biệt cho một số nhóm ngành nên tôi đánh giá thị trường sẽ có nhiều cổ phiếu riêng lẻ tiếp tục đà tăng gồm nhóm bán lẻ, bất động sản... chứ chưa có sự đồng thuận đều cũng như thanh khoản thị trường vẫn chưa đủ sức hưởng ứng đến các ngành khác.
Chứng khoán Vietcap cho biết, chỉ số VN-Index chưa xuất hiện tín hiệu cực đoan nên quán tính tăng điểm sẽ tiếp tục vào phiên tuần này, chỉ số sẽ kiểm tra tại ngưỡng 1.300 điểm. Song, chưa thể loại trừ khả năng, chỉ số điều chỉnh về 1.275 điểm. Xu hướng tăng vẫn là xu hướng chủ đạo và những nhịp điều chỉnh mạnh mẽ sẽ là cơ hội để tăng tỷ lệ đầu tư trở lại. Nếu mốc 1.275 điểm bị phá vỡ, ngưỡng 1.260 điểm sẽ là vùng hỗ trợ tiếp theo, đây là vùng mua mới có thể được mở lại.
Chứng khoán BSC cho rằng, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy quanh ngưỡng 1.285 điểm trong ngắn hạn khi VN-Index đóng cửa tại mốc 1.285,32 điểm vào cuối tuần trước, tăng gần 3 điểm so với phiên liền trước. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 10/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành Bảo hiểm dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành Tài nguyên cơ bản… Khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 26 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tuần này. Trong đó, 22 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 3 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ cao nhất là 88%, thấp nhất là 1%.
3 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu:
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB, HOSE), chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/8, tỷ lệ 30%.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, HOSE), chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/8, tỷ lệ 20%.
CTCP Điện Gia Lai (GEG, HOSE), chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/8, tỷ lệ 5%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền tuần này
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.