Chứng khoán tuần 15 - 21/1: VN-Index đứng trước nguy cơ 'rung lắc' cao
VN-Index điều chỉnh mạnh, kết quả kinh doanh 2023 nhiều trái chiều, gần 1 tỷ đồng xử lý vi phạm chứng khoán, nhận định và khuyến nghị, lịch trả cổ tức...
VN-Index đứt mạch tăng, về lại chỉ số cũ sau 1 tuần
Chốt phiên tuần qua, VN-Index về lại 1.154,7 điểm sau nhiều phiên tăng mạnh vượt mốc 1.160 điểm, con số gần như tương đương với tuần trước. HNX-Index đạt 230,31 điểm, UPCoM đạt 86,9 điểm.
Tín hiệu tích cực đến từ lượng tiền thanh khoản tăng mạnh 25,5% so với tuần trước, đạt khoảng 18.700 tỷ đồng/phiên, đây là minh chứng cho việc thị trường dần thu hút dòng tiền trở lại.
Động thái tương đối giằng co tuần qua, tiêm điểm tiếp tục tích cực tại nhóm ngân hàng, đóng vai trò làm trụ. Trong lúc đó, áp lực "rung lắc" mạnh lại gia tăng ở gần hết các nhóm cổ phiếu khác.
Kết tuần, tất cả các chỉ số đều ngập trong sắc đỏ, 9 cổ phiếu ngược dòng tăng tích cực đều nằm trong nhóm ngân hàng: TPB (TPBank, HOSE), HDB (HDBank, HOSE) tăng nhẹ. STB (Sacombank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE), SHB (SHB, HOSE) tăng từ 1-2%; ACB (ACB, HOSE), MBB (MB, HOSE) tăng 2-3,4%.
Nhận định và khuyến nghị cho tuần này
Hầu hết các dự báo đều cho rằng, thị trường sẽ bước vào xu hướng điều chỉnh.
Chứng khoán VNDirect dự báo xu hướng giằng co có thể tiếp tục khi dòng tiền chưa có sự đồng thuận và lan tỏa giữa các nhóm ngành. Đà tăng gần đây chủ yếu tại nhóm ngân hàng, nhóm này có thể chịu áp lực chốt lời cho các phiên tới do các nhóm khác chưa có dấu hiệu hút dòng tiền. Nhà đầu tư ngắn hạn cần chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, quan sát thận trọng diễn biến thị trường ở vùng 1.130-1.140 điểm trước khi quyết định giao dịch.
Chứng khoán VCBS cho biết, VN-Index đang bước vào nhịp điều chỉnh nhưng xu hướng chính vẫn là tăng điểm trung hạn. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cần theo sát thị trường ở mốc 1.130-1.150 điểm, tận dụng phiên điều chỉnh để giải ngân các cổ phiếu thuộc các nhóm như chứng khoán, bất động sản.
Theo chứng khoán KB, nhịp phục hồi không được đánh giá cao do dòng tiền tích cực đang thiếu đi sự lan tỏa và rủi ro đảo chiều có thể gia tăng nếu nhóm ngân hàng "rung lắc". KB đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư chỉ tham gia mua tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.140 điểm và bán giảm tỷ trọng các mã đang nắm giữ tại các nhịp tăng gần vượt đỉnh hoặc chạm vùng kháng cự.
Kết quả kinh doanh năm 2023: Diễn biến nhiều trái chiều
Mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý 4 và năm 2023 chính thức bắt đầu, theo đó diễn biến ghi nhận nhiều trái chiều.
CTCP Minh Hữu Liên (MHL, HNX) mở màn với kết quả lỗ 90 triệu đồng, tình trạng "trắng doanh thu" vào quý cuối năm. Tổng cả năm, lãi đạt 32,1 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh 92,2% so với năm trước, lỗ tới 22,9 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp ghi nhận lỗ liên tiếp: CTCP Ô tô Giải Phóng (GGG, UPCoM) lỗ 15,4 tỷ đồng, đây là năm lỗ thứ 12 của GGG kể từ 2011; CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP, UPCoM) "trắng" doanh thu, lỗ 6,8 tỷ đồng, đánh dấu nhiều năm liên tiếp trắng doanh thu.
Ngược lại, diễn biến tích cực được ghi nhận hầu hết các nhóm ngân hàng:
Ngân hàng LPBank (LBP, HOSE) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ, lợi nhuận đạt 7.039 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước, hoàn thành 117% kế hoạch lợi nhuận.
Ngân hàng Vietcombank (VCB, HOSE) ước tính lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2023 có thể khoảng 41.200 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Ngân hàng BIDV (BID, HOSE) ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ.
Loạt doanh nghiệp bị xử lý vi phạm chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây liên tiếp công bố xử lý vi phạm chứng khoán với loạt doanh nghiệp với các vi phạm chủ yếu là: công bố thông tin không đúng thời hạn với BCTC, công bố thông tin sai lệch về BCTC,...
Theo đó, mức phạt cao nhất là 435 triệu đồng, thấp nhất là 92,5 triệu, tổng số tiền xử phạt của 4 công ty lên tới gần 1 tỷ đồng. cụ thể:
CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu bị phạt 235 triệu đồng.
CTCP Chứng khoán Đại Việt bị phạt 435 triệu đồng.
CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF, HOSE) bị phạt 267,5 triệu đồng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG, HOSE) bị phạt 92,5 triệu đồng.
Novaland (NVL) xuất hiện tín hiệu tiêu cực ngắn hạn tại sàn
Sau nhiều tín hiệu tích cực từ các dự án trọng điểm được tháo gỡ, các lô trái phiếu dần được thanh toán, kết quả kinh doanh thu lãi trở lại thì động thái giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông lớn tại doanh nghiệp khiến nhà đầu tư quan ngại. Điển hình, NovaGroup (cổ đông lớn nhất) đã giảm lượng sở hữu tại Novaland (NVL, HOSE) dưới mức 50% vốn NVL, xuống còn 19,48% vốn.
Cổ phiếu NVL xuất hiện tín hiệu tiêu cực ngắn hạn sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp gần nhất.
Liên quan đến trái phiếu, áp lực đáo hạn trái phiếu giai đoạn 2024-2025 của Novaland vẫn còn lớn. Bối cảnh tình hình kinh doanh chưa có nhiều chuyển biến, áp lực chi phí lãi vay, nguồn vốn tái thiết các dự án trọng điểm được dự báo tiếp tục là thách thức của doanh nghiệp trong tái cơ cấu.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 19 doanh nghiệp thông báo trả cổ tức: 15 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 3 doanh nghiệp thực hiện quyền mua cổ phiếu, 1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp. Tỷ lệ trả cao nhất là 85%, thấp nhất là 1%, còn lại chủ yếu là trên 15%.
3 doanh nghiệp thực hiện quyền mua cổ phiếu gồm:
CTCP Vận tải Dầu khí Đông Dương (PTT, UPCoM) trả với tỷ lệ 70%, ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/1.
CTCP Container Việt Nam (VSC, UPCoM) trả với tỷ lệ 100%, ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/1.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (ORS, HOSE) trả với tỷ lệ 50%, ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/1.
Ngoài ra, CTCP Sách và Thiết bị Bình Thuận (BST, HNX) trả cổ tức kết hợp bằng tiền mặt, với tỷ lệ 1% và 12%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp
* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông...). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty hiện tại.