Chứng khoán Trung Quốc có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2008
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa có tuần tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ khi các nhà chức trách đưa ra một loạt các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, sự lạc quan đang bị kìm hãm bởi những câu hỏi dai dẳng về việc chính sách thúc đẩy các công ty như thế nào và nền kinh tế thực đang trì trệ.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã tăng 15,7% trong tuần này và cũng là mức tăng tốt nhất kể từ năm 2008. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) đã tăng 13% trong tuần này, mức tăng tốt nhất kể từ năm 1998.
Diễn biến của cổ phiếu Trung Quốc đều kém lạc quan hơn so với các cổ phiếu châu Á trong những năm gần đây. Nhưng các gói kích thích vừa được công bố trong tuần này, bao gồm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ lãi suất ngắn hạn cũng như các gói kích thích để hỗ trợ thị trường chứng khoán và bất động sản đã thuyết phục một số người tin rằng Trung Quốc cuối cùng cũng đang tung ra một chính sách bazooka để hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù nhiều chi tiết về kế hoạch kích thích của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng và yếu tố hưng phấn thường nhanh chóng tan biến trước đây, các nhà phân tích cho rằng nỗi sợ bỏ lỡ một đợt tăng giá (FOMO) bền vững là điều dễ thấy.
"FOMO đang ở mức cao đối với các nhà đầu tư khi cổ phiếu Trung Quốc đã tăng gần 10% trong ba ngày qua… Dựa trên định giá lịch sử, chúng tôi cho rằng cổ phiếu Trung Quốc còn có thể tăng thêm 20% nữa”, David Chao, chiến lược gia tại Invesco Asset Management cho biết.
Bên cạnh đó, cam kết ngăn chặn sự suy giảm của thị trường bất động sản của các nhà chức trách Trung Quốc cùng với việc cắt giảm lãi suất chắc chắn là một phần của phản ứng chính sách lớn mà các nhà đầu tư đang chờ đợi.
"Bất chấp sự phục hồi của thị trường chứng khoán, định giá vẫn ở mức thấp so với mức trung bình trong lịch sử", ông cho biết.
Nhưng thị trường vẫn đang phần nào lo ngại về việc thực hiện chính sách cũng như tác động sẽ kéo dài trong bao lâu.
Ngân hàng BNP Paribas đã nâng mục tiêu cuối năm 2024 cho chỉ số MSCI Trung Quốc sau các biện pháp kích thích, đồng thời đưa ra "kịch bản tăng giá" đối với cổ phiếu Trung Quốc nhưng cảnh báo rằng việc thực hiện cần phải thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.
Các chiến lược gia của BNP Paribas cho biết, cuộc tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 là một yếu tố khó lường. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai và áp dụng mức thuế quan mới, điều này có thể tác động đến tâm lý thị trường và hạn chế đà tăng của cổ phiếu.
Winnie Wu, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Trung Quốc tại Bank of America cho biết, các nhà đầu tư "nói chung không tin tưởng nhiều vào tính bền vững của đợt tăng giá". Các nhà phân tích cho rằng gói kích thích hiện tại là không đủ để tạo ra sự thay đổi cơ bản, nhưng nhấn mạnh rằng "đợt tăng giá do thanh khoản/đòn bẩy vẫn có thể mạnh mẽ".
Lu Ting, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Nomura không cho rằng biện pháp kích thích mới nhất là một sự thay đổi đột ngột, "khi xét đến việc Bắc Kinh đã chi hàng trăm tỷ nhân dân tệ vào tháng 2 để mua vào các quỹ ETF, thực hiện cắt giảm lãi suất một vài lần, bãi bỏ các hạn chế trong lĩnh vực bất động sản tại hầu hết các thành phố và thử nghiệm chương trình do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tài trợ để mua nhà ở từ các nhà phát triển bất động sản”.
Các chiến lược gia về cổ phiếu của Goldman Sachs khuyến nghị giao dịch ngắn hạn và không nhất thiết phải nắm giữ cổ phiếu dài hạn cho đến khi các vấn đề trên thị trường bất động sản được giải quyết.
Một số nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm dấu hiệu của nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn để thúc đẩy đà tăng tiếp theo. "Chúng ta cũng có thể mong đợi các biện pháp tài chính sẽ xuất hiện", Raymond Chen nhà quản lý quỹ tại ZiZhou Investment Asset Management cho biết.
Trong khi đó, sự lạc quan đang hiện hữu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng thúc đẩy các cổ phiếu châu Á khác có liên quan đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng giá khi tâm lý ưa thích rủi ro gia tăng trên khắp khu vực.