Chứng khoán thế giới ngập trong 'lửa đỏ'
Sau khi Mỹ công bố các số liệu kinh tế thấp hơn ước tính, chứng khoán toàn cầu lập tức bị bán tháo dữ dội, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ.
Thị trường chứng khoán thế giới dắt tay nhau lao dốc sau khi những dữ liệu mới từ Mỹ làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế. Trong đó, cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm ngành điều chỉnh dữ dội và dẫn dắt diễn biến tại các chỉ số.
Nguyên nhân chứng khoán Mỹ lao dốc
Tại thị trường Mỹ, cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ đợt bán tháo trên quy mô toàn cầu vào ngày 5/8. Khép lại phiên 3/9, chỉ số Dow Jones giảm hơn 626 điểm (-1,51%) xuống mức 40.936 điểm; S&P 500 giảm 119 điểm (-2,12%) xuống 5.528 điểm còn Nasdaq Composite giảm 577 điểm (-3,26%) xuống 17.136 điểm.
Tâm lý của nhà đầu tư bị đè nặng trước đà lao dốc với biên độ 8-10% của các cổ phiếu công nghệ như Micro Technology, Intel, KLA hay AMD.
Rổ cổ phiếu công nghệ thông tin của S&P 500 dẫn đầu mức giảm và chứng kiến ngày tệ nhất trong 2 năm qua. Hay ETF VanEck Semiconductor, chỉ số theo dõi cổ phiếu chip bán dẫn, cũng sụt giảm hơn 7%, mức tệ nhất từ tháng 3/2020.
Đáng chú ý, cổ phiếu của nhà sản xuất chip AI Nvidia giảm hơn 9%, qua đó thổi bay 279 tỷ USD vốn hóa, mức cao kỷ lục từng xảy ra với một doanh nghiệp Mỹ. Mới đây, nguồn tin từ Bloomberg tiết lộ công ty này đã nhận được trát hầu tòa từ Bộ Tư pháp Mỹ trong cuộc điều tra chống độc quyền.
Thị trường chỉ giảm nhẹ đầu phiên. Tuy nhiên, sau khi 2 dữ liệu là Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất phản ánh dấu hiệu suy yếu.
PMI của S&P 500 Global đạt 47,9 vào tháng 8, giảm so với mức 49,6 vào tháng 7. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 và là tháng thứ 2 liên tiếp tình hình sản xuất xấu đi.
Còn dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy PMI tháng 8 cải thiện nhẹ so với tháng 7 và tiến lên mức 47,2 nhưng vẫn thấp hơn ước tính của Dow Jones thăm dò. Việc PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp.
Theo CNBC, dữ liệu trên làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ, vốn cũng từng là nguyên nhân gây ra đợt bán tháo vào đầu tháng trước.
“Thị trường hiện tại tỏ ra nhạy cảm với bất kỳ dữ liệu nào được đưa ra. Thị trường ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu”, Larry Tentarelli, chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại Blue Chip Trend Report, nhận định.
Việt Nam cùng thị trường khu vực đỏ lửa
Ở bên kia bán cầu, thị trường châu Á – Thái Bình Dương cũng không khá khẩm hơn khi Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,19%, dẫn đầu biên độ giảm trong khu vực. Trong khi đó, Topix cũng giảm 2,79%.
Kospi và Kosdaq của Hàn Quốc cũng giảm lần lượt 2,17% và gần 3%; S&P/ASX 200 của Australia giảm gần 1,7% chủ yếu do giá dầu suy yếu; TWSE của Đài Loan giảm 3,73%; Hang Seng của Hong Kong giảm 1,5% còn CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm 0,47%.
Nhìn chung, các cổ phiếu công nghệ đóng góp lớn cho nhịp điều chỉnh của các thị trường trong phiên hôm nay.
Các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn như Renesas Electronics (-8%), Tokyo Electron (-7%), Advantest (-7.7%), Samsung Electronics (-2,62%), SK Hynix (-6,36%), Foxconn (-3,51%)… đều điều chỉnh với biên độ lớn.
Cổ phiếu chip của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung dù không gắn bó mật thiết đến chuỗi cung ứng của Nvidia.
Chứng khoán Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi giảm gần 15 điểm đầu phiên. Tính đến 10h, chỉ số VN-Index thu hẹp biên độ giảm xuống gần 9 điểm nhưng vẫn là mức cao nhất một tháng qua.
Trong đó, cổ phiếu của FPT ghi nhận mức giảm 1,6% và lọt nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Ngoài ra, nhóm này còn có sự tham gia của các mã khác như VCB (-1,2%), TCB (-1,5%), GVR (-1,7%), CTG (-1,1%), VPB (-1,1%), HDB (-1,8%), MBB (-1,2%), MSN (-0,9%), SSB (-2,3%).
Mặt khác, các cổ phiếu như GAS (+0,8%), VHM (+1,1%), BID (+0,6%) và DGC (+1,9%) đang cố gắng cản đà lao dốc của thị trường.
Khối ngoại tham gia vào làn sóng bán mạnh trong phiên hôm nay với giá trị ròng hơn 300 tỷ đồng, tập trung tại các mã DGC (-50 tỷ đồng), HPG (-41 tỷ đồng), MSN (-33 tỷ đồng), FPT (-24 tỷ đồng).