Chứng khoán thế giới đậm sắc xanh

Chứng khoán châu Á giao dịch ổn định trong ngày 10/7, với chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (MSCI) dao động ở mức cao trong 2 năm qua, khi nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại Nhật Bản, hai chỉ số chứng khoán quan trọng của Nhật Bản là Nikkei và Topix đã chạm đỉnh mới, nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/7, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo đã tăng 0,61% so với phiên giao dịch ngày hôm trước, tức 251,82 điểm, lên 41.831,99 điểm. Chỉ số Topix tăng 13,65 điểm (tương đương 0,47%) lên 2.909,20 điểm.

Sự bứt phá mạnh mẽ của các chỉ số trên chủ yếu do nhóm cổ phiếu ngành công nghệ và tài chính dẫn dắt, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như lạc quan về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế.

Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm nhẹ 0,04% so với phiên trước đó, xuống còn 17.516,28 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,6% lên 2.940,88 điểm.

Chỉ số chứng khoán tổng hợp của Hàn Quốc (KOSPI) gần như không thay đổi, giữ ở mức 2.867,99 điểm.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm nhẹ 0,16%, song vẫn ở gần mức cao trong gần 2 năm qua ngay từ đầu tuần.

Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 9/7 sau cuộc điều trần tại Quốc hội của Chủ tịch Fed (tức Ngân hàng trung ương Mỹ) Jerome Powell, trong khi các thị trường chứng khoán chính ở châu Âu đều giảm điểm do lo ngại về bất ổn chính trị ở Pháp.

Trong cuộc điều trần ngày 9/7 trước một ủy ban của Thượng viện, Chủ tịch Powell cho biết lạm phát đang được kiềm chế hiệu quả trong vòng 2 năm qua, song vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%. Ông cũng đánh giá nền kinh tế Mỹ không còn "quá nóng". Chủ tịch Fed cũng lưu ý rằng việc ngân hàng cắt giảm lãi suất quá muộn hoặc quá ít có thể làm suy yếu hoạt động kinh tế và thị trường việc làm.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Powell sẽ tham gia phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào cuối ngày 10/7, trước khi Fed công bố báo cáo lạm phát trong tuần này. Vì vậy, chứng khoán toàn cầu đã có dấu hiệu bùng nổ nhờ gia tăng kỳ vọng về khả năng Fed sẽ có thể bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9 tới.

Theo nhà phân tích Rob Carnell - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia ING (Hà Lan), khi thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với chỉ số lạm phát đang trên đà giảm về mức mục tiêu, thì đó chính là những dữ liệu tích cực, đủ để củng cố tâm lý nhà đầu tư.

Nguyễn Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chung-khoan-the-gioi-dam-sac-xanh-20240710153806374.htm
Zalo